Chứng nghiện smartphone tác động đến sức khỏe tâm thần giới trẻ

Thứ Năm, 17/03/2016, 09:15
Các nhà tâm lý học nhận định Nomophobia (no mobile phone phobia) – hay chứng sợ không có smartphone bên mình – là chứng nghiện smartphone đang tăng nhanh ở châu Á và số người nghiện cũng ngày càng trẻ hóa.


Ở Hàn Quốc có đến 72% trẻ em sở hữu một smartphone lúc chỉ mới 11 hay 12 tuổi (thậm chí nhỏ tuổi hơn nữa) và sử dụng thiết bị trung bình 5,4 giờ một ngày. Chứng nghiện smartphone gây ra những triệu chứng giống như con nghiện ma túy hay cờ bạc bởi vì hành vi dán mắt lên màn hình điện thoại cũng khiến cho cơ thể tiết ra hormone dopamine (còn gọi là nội tiết tố hạnh phúc).

Bác sĩ khoa tâm thần Thomas Lee cho rằng, các quốc gia khác ở châu Á nên học hỏi Hàn Quốc và Trung Quốc và chính thức đưa chứng nghiện smartphone vào danh sách “những rối loạn tâm thần” tương tự như chứng nghiện tình dục và cờ bạc. Thomas Lee giải thích: “Cũng giống như nghiện ma túy, chứng nghiện smartphone cũng sẽ gây ra một số triệu chứng như bồn chồn, lo lắng và thậm chí giận dữ vô cớ”.

James Roberts, giáo sư khoa tiếp thị Viện Đại học Baylor ở Texas (Mỹ) và là tác giả một cuốn sách về chứng nghiện smartphone, nhấn mạnh: Chúng ta cần thừa nhận công nghệ đã khiến chúng ta giống như những con nghiện ma túy. Khi mà các trang mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có cảm thấy hạnh phúc hơn khi thường xuyên kết nối chúng?

Ở Nhật Bản, “văn hóa smartphone được coi là “văn hoá nhóm” với tên gọi riêng là “keitai”.

Châu Á với 2,5 tỷ người dùng smartphone đã tạo ra một chuỗi những “tin tức tai nạn” liên quan đến thiết bị - như chuyện một nữ du khách người Đài Loan bị trượt chân khỏi cầu tàu trong khi đang mải mê với Facebook trên màn hình. Hay một phụ nữ Trung Quốc bị rơi xuống mương nước cũng do đang dán mắt vào màn hình smartphone! Đó là chưa kể đến việc mọi tư thế xấu do việc nhìn quá lâu vào màn hình smartphone sẽ đem lại hậu quả gù lưng!

Trẻ em châu Á dùng smartphone từ lúc còn rất nhỏ tuổi.

Với dân số chỉ 6 triệu người, nhưng Singapore là một trong những nơi có tỷ lệ người dùng smartphone thuộc hàng cao nhất thế giới. Singapore cũng có đội ngũ chuyên gia về chứng nghiện thiết bị số, một bệnh viện chữa bệnh nghiện thế giới ảo và một chiến dịch tuyên truyền về chứng nghiện đặc biệt trong kỷ nguyên Internet.

Chong Ee-Jay, Giám đốc điều hành bệnh viện có tên gọi lạ lẫm Touch Cyber Wellness Centre ở Singapore, nhận xét: “Giới trẻ thường thiếu chín chắn cho nên khó tự kiểm soát bản thân trong việc sử dụng smartphone”. Chong Ee-Jay cũng đặc biệt lo ngại về cách hành xử của giới trẻ khi sử dụng  điện thoại thông minh.

Còn ở Hàn Quốc, nữ sinh 19 tuổi tên là Emma Yoon phải vào bệnh viện điều trị chứng nomophobia từ tháng 4-2013. Yoon thẳng thắn tâm sự: “Điện thoại của tôi là thế giới của tôi. Nó là phần cơ thể nối dài của tôi. Tim tôi sẽ đập nhanh hơn và lòng bàn tay mướt mồ hôi nếu nghĩ đến chuyện mình làm thất lạc chiếc điện thoại. Do đó, tôi sẽ không bao giờ đi đến bất cứ nơi đâu mà trong tay không có điện thoại”.

Cha mẹ của Yoon cũng kể rằng, thói quen sử dụng smartphone càng khiến cho những vấn đề về hành vi của cô con gái trở nên trầm trọng hơn. Yoon bắt đầu trốn tránh những thú vui giải trí cá nhân khác cũng như những hoạt động trong trường học.

Một nghiên cứu ở Hàn Quốc cho thấy những cá nhân sử dụng smartphone với mục đích vào mạng xã hội thường có xu hướng trở thành người nghiện. Thiết bị được coi là chìa khóa duy nhất để mở rộng hơn nữa mối tiếp xúc giữa con người với nhau. Giới trẻ thường cảm thấy lạc lõng nếu không có smartphone để kết nối với những người khác, đặc biệt đối với những học sinh đang è cổ vì gánh nặng học hành và lượng bài tập về nhà, smartphone là công cụ duy nhất để chúng liên lạc với bạn bè.

Viện Nghiên cứu Hạnh phúc (HRI) – tổ chức nghiên cứu độc lập tập trung vào đề tài hạnh phúc con người và chất lượng cuộc sống đặt trụ sở tại thành phố Copenhagen của Đan Mạch, tìm câu trả lời thông qua một cuộc điều tra thăm dò dư luận mang tên “Trải nghiệm facebook” đối với 1.095 người dân trong nước.

Trong đời sống bình thường của họ, 9% số người tham gia cho biết họ vào facebook hàng ngày, 86% chỉ “thỉnh thoảng hay rất thường” và trên ba phần tư sử dụng mạng xã hội trong vòng 30 phút hay lâu hơn mỗi ngày. Những người tham gia được yêu cầu tự đánh giá cuộc sống của họ trước và sau  cuộc nghiên cứu. Sau đó, một nửa số người tham gia (gọi là “nhóm điều trị”) chịu đựng thách thức là không sử dụng facebook trong 1 tuần, trong nhóm thứ 2 (gọi là “nhóm kiểm soát”) vẫn tiếp tục sử dụng mạng xã hội một cách bình thường.

Kết quả cuối cùng cho thấy 39% số người không sử dụng Facebook cảm thấy hạnh phúc hơn (gia tăng các hoạt động xã hội, thỏa mãn với đời sống xã hội của mình hơn) so với những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội!

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.
.