Chi phí ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng 1/4 nước ngoài
Trong khi y học nước ta đã tiến một bước dài, nhất là ở lĩnh vực ngoại khoa đã sánh cao ngang tầm thế giới hoặc khu vực, thế nhưng, vẫn có không ít người ra nước ngoài phẫu thuật, mà kết cục vẫn là nước mắt. Đó là chưa kể, nhiều người phải mất số tiền gấp nhiều lần so với phẫu thuật trong nước, mà chất lượng không hơn.
Nguyên nhân của việc này, một phần là do nhiều người còn chưa tin vào tay nghề của các thầy thuốc "nội", nhưng quan trọng hơn, là việc thông tin của ngành Y tế về thành công của y học chưa xứng tầm, khiến người dân thiếu thông tin. Đó là lý do để Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện (BV) Việt - Đức tổ chức họp báo vào ngày 15/7, giới thiệu các thành tựu y học mới nhất của BV, nhằm cung cấp thông tin giúp người dân chủ động trong điều trị, nhằm tiết kiệm tiền bạc và thời gian, không phải ra nước ngoài chữa các bệnh đã điều trị thường quy trong nước. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và đại diện nhiều tỉnh đã tham dự cuộc họp.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt - Đức, thành tựu đầu tiên của bệnh viện là lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh khi đã đầu tư hệ thống máy xét nghiệm đa chức năng, hiện đại nhất để phục vụ người bệnh: trang bị hàng loạt máy móc tiên tiến nhất như chụp cộng hưởng từ, cắt lớp, chụp PET/CT, mạch số hóa xóa nền, siêu âm xuyên sọ, các thiết bị điện quang can thiệp cho phép chẩn đoán và can thiệp nhiều bệnh lý phức tạp như u gan, dị dạng mạch não, dị dạng mạch phổi, khối u ở tim, não v.v…
Can thiệp nội mạch là phương pháp điều trị hiệu quả, ít biến chứng và tỉ lệ thành công cao đã được BV tiến hành cùng các kỹ thuật nút mạch tiền phẫu trong mổ u não, u bụng v.v… Xét nghiệm được coi là lĩnh vực then chốt của BV, cho phép thăm dò quan trọng nhất trước, trong và sau mổ, nhất là các phẫu thuật phức tạp như ghép tim, gan, thận, sọ não v.v…
Là chuyên ngành phẫu thuật nên bệnh viện đặc biệt chú trọng phát triển trung tâm gây mê hồi sức bằng việc đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc theo tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh nhân nặng được trang bị những thiết bị theo dõi liên tục, cùng hệ thống máy thở thuộc loại mới nhất, có các tính năng vượt trội, nên đã cứu sống nhiều người bệnh thoát cảnh hiểm nghèo.
Ca ghép tạng ở Bệnh viện Việt - Đức thành công như mong đợi. |
Ghép tạng là lĩnh vực khó nhất của phẫu thuật, là phương pháp cứu sống bệnh nhân ở giai đoạn cuối nhiều loại bệnh. Từ năm 1965, GS. Tôn Thất Tùng đã tiên phong ghép tạng, chuẩn bị cho thành công sau này của BV.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết "bật mí": Một điều đáng kể là chi phí chữa bệnh ở BV rất rẻ: một ca ghép gan ở nước ngoài chi phí tới 3,5 tỷ thì ở BV chỉ là 1 tỷ đồng; phẫu thuật cột sống ở nước ngoài khoảng 1,2 tỷ thì ở đây chỉ trên 100 triệu đồng; chụp PET/CT ở BV chỉ 28 triệu, thì ở nước ngoài là 56 triệu v.v…
Khi ra nước ngoài, việc sàng lọc không tốt, hầu hết bệnh nhân chỉ đến được các BV hạng 3, rồi các bác sĩ ở BV khác đến mổ, nên nhiều trường hợp không thành công, vẫn "tiền mất, tật mang", phải quay về BV Việt Đức để "cầu cứu". Vì thế, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cảnh báo: Kỹ thuật ghép tạng không quá khó, mà vấn đề là nguồn cho khi 3 năm qua, ở BV có gần 1.000 người chết não, nhưng chỉ 4 trường hợp cho. Ở nhiều nước, để được ghép tạng từ người chết não, phải nhập quốc tịch nước họ, nên có bệnh nhân chỉ được ghép tạng kém chất lượng nên sau 2 tuần đã tử vong. Vì thế, người bệnh cần hết sức thận trọng khi lựa chọn nơi điều trị. Nhất là khi ở trong nước, ngoài BV Việt - Đức, còn có các nơi ghép tạng rất tốt như ở Huế và TP Hồ Chí Minh, mà giá lại rẻ bằng ở nước ngoài.
Điều được mọi người quan tâm khi đến BV, là sợ nằm ghép. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định: Nhờ quyết liệt chống quá tải bằng cử cán bộ luân phiên về bệnh viện tuyến dưới hỗ trợ, đào tạo hơn 1.000 bác sỹ chuyên khoa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nên hầu hết các phòng điều trị thường không còn nằm ghép. Tuy nhiên, các phòng điều trị theo yêu cầu giá 500.000đ/giường, nhưng phải xếp hàng 1 tuần mới đến lượt. Việc phục vụ ở đây cũng đảm bảo, khi ở nhiều BV, một điều dưỡng viên phải phục vụ hàng chục người bệnh, thì chỉ một giường bệnh ghép tim, hay ghép gan, BV cử hẳn 8 điều dưỡng viên thay nhau phục vụ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định những thành tựu y học của BV Việt - Đức có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân. Với những gì hiện có, BV Việt - Đức đã thực sự trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, đủ sức để cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như thế giới về lĩnh vực ngoại khoa, đảm bảo để bệnh nhân tin cậy mỗi khi mắc bệnh hiểm nghèo.
Đây là kết quả của việc BV đã làm tốt Đề án 1816, góp phần giảm tải cho chính BV, để đội ngũ thầy thuốc có điều kiện tập trung nghiên cứu khoa học, đồng thời, giúp các BV tuyến dưới làm chủ các kỹ thuật cao mà 10 năm trước chưa có, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với phương pháp chữa bệnh hiện đại