Cảnh báo nguy cơ tấn công mạng do sử dụng phần mềm không bản quyền

Thứ Ba, 14/10/2014, 18:07
Vừa qua, Đoàn thanh tra liên ngành giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu vi phạm nghiêm trọng bản quyền phần mềm.

Cụ thể, các công ty vi phạm là Công ty TNHH Ánh Dương - còn được biết đến với thương hiệu taxi Vinasun (trụ sở tại tầng 2, 4, 5, Vinasun Tower, số 648 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, TP Hồ Chí Minh); Công ty Đường Biên Hòa (đường số 1, Khu Công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai) và Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân (Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Thanh tra tại Công ty TNHH Ánh Dương.

Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra tại trụ sở chính của các doanh nghiệp kể trên, các nhà chức trách đã phát hiện một lượng lớn các phần mềm không bản quyền của Microsoft tại đây bao gồm 37 phiên bản Microsoft Windows như Microsoft Windows XP Professional Edition, Microsoft Windows 7 Ultimate đến Windows Server 2003 Enterprise Edition; 165 phiên bản Microsoft Office bao gồm các bộ Microsoft Office 2010 Professional Plus, Microsoft Office 2013 Professional Plus, Microsoft Office 2010 Enterprise Edition,…; 3 phiên bản Microsoft SQL Server; và một số phần mềm khác như AutoCAD, Adobe,…

Việc bị phát hiện vi phạm luật sở hữu trí tuệ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên uy tín và thương hiệu được xây dựng trong thời gian dài từ trước đến nay của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng về tài chính. Theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/10/2013 thì các doanh nghiệp vi phạm hành chính có thể bị xử phạt ở mức tối đa là 500 triệu đồng.

Thanh tra tại Công ty Đường Biên Hòa.

Trong khi đó, theo các nghiên cứu mới đây, phần mềm lậu được biết đến là một trong những nguồn chính mà tin tặc thường lợi dụng khai thác lỗ hổng an toàn hoặc cài đặt mã độc để làm bàn đạp tấn công xâm nhập hệ thống, có thể dẫn tới làm gián đoạn thông tin, phá hoại hệ thống hay đánh cắp dữ liệu. Trong khoảng chưa đầy một tuần từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận các cuộc tấn công mạng vào hơn 700 website tại Việt Nam.

Ông Vũ Quốc Khánh - Giám đốc VNCERT cho biết: “Trong đợt tấn công này, VNCERT đã phát hiện có trường hợp điển hình: tin tặc khai thác các lỗ hổng an toàn thông tin của chỉ một máy chủ web kém cập nhật để xâm nhập và thay đổi nội dung cùng lúc tại hàng trăm trang web cài đặt trên máy chủ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn, an ninh thông tin. VNCERT khuyến cáo người sử dụng và những nhà quản trị trang web nên xem xét việc sử dụng các phần mềm chính hãng và cập nhật các bản vá thường xuyên, kịp thời để giảm thiểu các nguy cơ như vậy có thể xảy đến trong tương lai”.

Các doanh nghiệp cần có ý thức trong việc sử dụng phần mềm có bản quyền vì phần mềm có bản quyền không những mang lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp, có thể bảo vệ thông tin của doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, sử dụng phần mềm có bản quyền còn là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành CNTT nói riêng qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế quốc dân nói chung. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các chủ sở hữu quyền tăng cường thanh, kiểm tra giải quyết các kiến nghị của chủ sở hữu nhằm nâng cao ý thức sử dụng phần mềm có bản quyền hơn nữa của các doanh nghiệp” - ông Vũ Xuân Thành, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết

V.Cường
.
.
.