Từ những hé lộ ban đầu về thủ đoạn tấn công Vccorp:

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm phần mềm gián điệp

Thứ Sáu, 07/11/2014, 10:44
Việc các phần mềm gián điệp được tin tặc sử dụng như một vũ khí lợi hại nhằm đánh cắp dữ liệu; làm tê liệt hoạt động của các mục tiêu tấn công đã được các chuyên gia về an ninh mạng khuyến cáo từ lâu. Tuy nhiên, những phát hiện ban đầu về thủ đoạn tấn công VCcorp cho thấy, nguy cơ và phạm vi lây nhiễm phần mềm gián điệp có giá triệu USD không chỉ dừng ở VCcorp mà có thể lan tới mọi máy tính ở Việt Nam.

Theo cảnh báo của ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc phụ trách an ninh mạng của Vccorp, điều nguy hiểm và cần phải khuyến cáo mạnh mẽ đến cộng đồng mạng, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong nước là nguy cơ và phạm vi lây nhiễm phần mềm gián điệp không chỉ dừng lại ở VCCorp, không chỉ là vấn đề của VCcorp mà có thể tác động tới mọi máy tính ở Việt Nam.

Lý do ông Tân đưa ra lời cảnh báo trên là do kết quả triều tra ban đầu về thủ đoạn tấn công do VCcorp phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành cho thấy, phần mềm độc hại cài cắm vào hệ thống của VCcorp không phải phần mềm viết tay bởi một nhóm nghiệp dư hoặc một cá nhân thích học hỏi công nghệ, mà là một phần mềm chuyên nghiệp.

Để hạn chế rủi ro, tổ chức, DN và cá nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt kịch bản và quy trình đảm bảo an toàn thông tin.

Nhóm tội phạm này đã phát tán một phần mềm virus gián điệp được lập trình rất chuyên nghiệp bằng cách cài lén vào phần mềm Adobe Flash Player thông dụng. Khi truy cập vào website của hãng Adobe để download phần mềm này, người dùng Internet trong nước có thể được điều hướng sang hệ thống của các ISP và bằng cách nào đó, những kẻ tấn công đã tráo dổi được các file Flash Player của hãng Adobe thành các phần mềm đã bị cài lén virus gián điệp vào để người dùng download về và cài đặt. Khi xâm nhập được vào máy tính mục tiêu, spyware này âm thầm theo dõi các hoạt động trên máy tính như gõ bàn phím (keylog), từ đó lấy được username và mật khẩu quản trị máy tính. Đồng thời, sao chép, lấy trộm các file dữ liệu quan trọng, thông tin tài khoản ngân hàng…và âm thầm gửi về hệ thống của thủ phạm, cũng như chụp ảnh màn hình (capture screen), ghi âm cuộc gọi Skype, tự kích hoạt và quay lén bằng webcam có sẵn trên laptop, tạo cổng sau để kẻ tấn công có thể chiếm quyền điều khiển từ xa.

Phần mềm kiểu này trên thế giới có trị giá khoảng 200.000 -1 triệu USD. Bên cạnh khoản đầu tư phần mềm độc hại này, nhóm tấn công còn dành khoảng 3- 5 người theo dõi hệ thống của VCcorp trong vòng 6 tháng. Như vậy, ước tính tổng chi phí đầu tư cho "chiến dịch" tấn công vào VCcorp trung tuần tháng 10/2014 lên tới 500.000 USD. “Nếu không phải là một tổ chức chuyên nghiệp, có tiềm lực lớn cả về mặt tài chính lẫn công nghệ thì chắc chắn sẽ không thể đủ khả năng sử dụng loại phần mềm nguy hiểm này. Đây cũng là lý do vì sao lãnh đạo VCcorp đã quyết định theo đuổi vụ việc đến cùng để tìm đích danh thủ phạm; nhằm giảm thiểu tối đa những nguy hại mà nhóm tội phạm này có thể gây ra cho cộng đồng mạng trong thời gian tới”- ông Tân chia sẻ.

Cũng theo ông Tân, một thông tin đáng mừng là hiện VCCorp đã xây dựng được công cụ tiêu diệt phần mềm độc hại được cài cắm vào hệ thống của mình. Công cụ này sẽ được công bố trên website của VCCorp trong thời gian tới. Đây được xem là giải pháp để những người dùng máy tính tại Việt Nam có thể tải về máy tính của mình để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus từ các phần mềm gián điệp.

Đề cập sâu hơn về vấn đề này, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty hệ thống tin FPT cho rằng: Thực tế cho thấy, hacker có thể nhắm tới bất kỳ hệ thống dữ liệu nào, vì thế trong quy trình đảm bảo an ninh thông tin, các DN phải liệt kê mọi kịch bản đối phó và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kịch bản ấy. Từ vụ việc VCcorp bị tấn công cho thấy, mặc dù đơn vị này đã có những kịch bản đối phó các vụ tấn công. Tuy nhiên, khi thực hiện, có thể con người của VCCorp không tuân thủ đủ quy trình. Ví dụ như mật khẩu của Admin không được lưu trong máy tính để đề phòng khi hacker chiếm được máy tính thì sẽ nắm được toàn bộ mật khẩu của hệ thống. Hay nguyên tắc backup dữ liệu thì phải backup vào phần offline để khi cháy máy hay máy hư hỏng thì vẫn có phần lưu trữ... Chính vì lẽ đó mà hacker có thể lợi dụng sơ hở để cài cắm phần mềm gián điệp, tấn công hệ thống. “Việc cần làm nhất lúc này là các tổ chức, DN cần phải nhanh chóng, kịp thời củng cố hệ thống kỹ thuật; tuân thủ nghiêm ngặt kịch bản, quy trình bảo đảm an toàn thông tin cũng như kiện toàn lại bộ máy nhân sự về an toàn thông tin để đối phó, phòng ngừa với những nguy cơ tương tự trong tương lai”- ông Tuấn khuyến cáo

Huyền Thanh
.
.
.