Cảnh báo nguy cơ lây lan mã độc trên toàn cầu
Tại hội thảo, các chuyên gia bảo mật quốc tế và Việt Nam đã đưa ra những cảnh báo về nguy cơ và sự tàn khốc mà tấn công mạng hiện đại có thể mang lại cho các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp.
Theo báo cáo Global Rick 2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, 90% các công ty trên toàn thế giới tự thừa nhận mình chưa được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ để tự bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng. Những thiệt hại do tội phạm mạng gây ra cho nền kinh tế toàn cầu lên tới hơn 400 tỷ USD/năm.
Đối với Việt Nam, hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề như nhận thức và công tác đảm bảo ATTT còn ở thế bị động. Hệ thống pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTT còn thiếu, chưa đầy đủ nên còn chưa có cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp quản lý cũng như biện pháp kỹ thuật mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng.
Đồng thời, hiện cũng chưa có quy trình phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng trong việc phòng chống, điều phối, xử lý các sự cố mất ATTT mạng. Bên cạnh đó, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc hại ở mức cao...
Phân tích kỹ hơn về xu hướng, nguy cơ của tội phạm mạng toàn cầu, ông Keshav S Dhakad, Thẩm phán cao cấp, Trung tâm Phòng chống Tội phạm mạng, Microsoft châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: tội phạm thiên về sử dụng mã độc đang gây ra hậu quả nặng nề cho các chính phủ, cá nhân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực tài chính trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Các mã độc đang gia tăng theo cấp số nhân về cả số lượng, hình thức chủng loại cũng như mức độ đe dọa, gây ra những thiệt hại khó lường nếu không được cảnh báo như đánh cắp thông tin mật, thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập, chiếm dụng email, tài khoản mạng xã hội… Ngoài ra đó còn là các hành vi gây ra sự gián đoạn của hệ thống CNTT, gián đoạn cho các mạng quan trọng, tấn công từ chối dịch vụ…
Theo VNISA, chỉ số an toàn thông tin Việt Nam mới đạt 46,4%. |
“Trước thực tế trên, bộ phận phòng chống tội phạm số của Microsoft đang đưa các tổ chức tội phạm mạng thu lợi bất chính qua việc phát tán các mã độc nguy hiểm vào “tầm ngắm” để tiến hành các hoạt động pháp lý, kĩ thuật nhằm phá bỏ, đánh sập những mạng lưới mã độc, giải phóng các thiết bị đang trong quá trình bị nhiễm độc trên phạm vi toàn cầu” - đại diện Microsof cam kết.
Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh vấn đề hết sức cấp thiết đặt ra cho chúng ta hiện nay là làm sao để xây dựng và kiện toàn được khả năng chuẩn bị đối phó, xử lý các sự cố mất ATTT và tấn công mạng một cách hiệu quả nhất với các điều kiện kinh tế còn hạn chế hiện nay, nhất là khi mà giải pháp ở cấp vĩ mô hiện cũng đang thiên về chữa cháy hơn là phòng cháy.
Thứ trưởng cũng chỉ rõ một số nội dung cấp thiết cần triển khai trong thời gian tới, đó là tăng cường hơn nữa nhận thức của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mọi người dân về ATTT; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là giới trẻ; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho các lĩnh vực ATTT.
Đặc biệt, Việt Nam cũng cần tạo dựng được một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành, địa phương trong việc đảm bảo ATTT, xử lý sự cố an ninh mạng; đồng thời tăng cường diễn tập, điều phối xử lý ứng cứu sự cố với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau.