Cần phát hiện sớm sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai

Thứ Ba, 17/09/2013, 19:05
Sinh vật ngoại lai xâm hại vào nước ta, gây thiệt hại rất lớn tới nền kinh tế, gây ra những hậu quả sinh thái lâu dài, gây tuyệt chủng cho nhiều loài bản địa. Ngày 17/9, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Hội thảo về Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại.

Các loài  sinh vật ngoại lai xâm hại đã gây ra nhiều tác hại cho các hệ thống thuỷ lợi, nông nghiệp, đa dạng sinh học, kinh tế. Đáng chú ý là dịch ốc bươu vàng, cây mai dương, rùa tai đỏ, bèo Nhật Bản... xâm lấn vào nước ta.  Các  nghiên  cứu  cho  thấy,  tất  cả  các  loài  sinh vật ngoại lai được phát hiện ở Việt Nam đều là những loài đã  được  liệt  kê  trong  danh  sách "100 sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm trên thế giới". 

Tại hội thảo cũng đưa ra con số, khoảng hơn 60% cán bộ của các Sở TN &MT và các Chi cục Hải quan không nhận biết được loài Trinh nữ thân gỗ là sinh vật ngoại lai xâm hại. Hơn 60-90% số cán bộ của các sở và vườn quốc gia không nhận diện được cây Ngũ sắc là sinh vật ngoại lai…Vẫn còn nhiều cán bộ quản lý cấp địa phương chưa hiểu một cách đầy đủ và toàn diện về con đường du nhập, mục đích nhập khẩu cũng như tác hại của sinh vật ngoại lai.

Việt Nam cần xây dựng chiến lược tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại - đây là ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia để giảm thiểu những tác động bất lợi của sinh vật ngoại lai xâm hại và thực hiện các cam kết trong công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Muốn thế cần phải phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn về sinh vật ngoại lai từ cấp TƯ đến địa phương. Tăng cường năng lực phân loại giám định, phát hiện sớm sự xâm nhập. Nâng cao nhận thức về sinh vật ngoại lai cho cán bộ địa phương cũng như cộng đồng

Anh Thư
.
.
.