Bí mật xây nhà theo thiên văn học của người La Mã

Thứ Tư, 09/05/2007, 20:00
Những người La Mã cổ đại đã dựng nên các thị trấn của mình dựa theo đường đi của các thiên thể trên bầu trời.

"Chúng tôi phát hiện thấy những thị trấn này không phải được dựng lên một cách ngẫu nhiên. Ngược lại, chúng được quy hoạch dựa theo những biểu tượng tâm linh, tất cả đều liên quan tới thiên văn học", Giulio Magli, tại Khoa toán Đại học Bách Khoa Milan, Italy, cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hướng của khoảng 38 thị trấn ở Italy. Theo Magli, các tác giả La Mã cổ đại, bao gồm Ovid và Plutarch, cũng đã nói đến việc các thị trấn La Mã được dựng lên thông qua đường chim bay và các mối liên hệ thiên văn học như thế nào.

"Tuy nhiên mối liên quan giữa thị trấn La Mã và các biểu tượng trên bầu trời chưa bao giờ được điều tra thấu đáo", Magli nói.

Người La Mã đã xây dựng rất nhiều trị trấn, đặc biệt vào giai đoạn Cộng hoà Rome và Đế chế thứ nhất, từ thế kỷ 5 trước Công nguyên tới thế kỷ 1 sau Công nguyên.

Sơ đồ của các thị trấn đều luôn giống nhau. Thành phố bao gồm một bức tường thành vây quanh hình chữ nhật, với các con phố xếp thành mạng lưới ô vuông để tạo thành nhiều khu dân cư khác nhau. Có 2 con phố chính cắt chéo qua toàn bộ thành phố. Chỗ giao nhau là trung tâm xã hội tôn giáo với 4 cổng chính nằm tại 4 điểm cuối.

Tại những thị trấn có 2 con phố rõ ràng, Magli nhìn hướng của các trục ô vuông trong mối tương quan với sự di chuyển của mặt trời mọc tại đường chân trời phía đông trong suốt cả năm.

Ảnh: Discovery.

"Nó cho thấy phần lớn các thị trấn La Ma ở Italy nằm theo đường mặt trời mọc", Magli nói.

Về cơ bản, chỉ có 3 thị trấn hướng về phía bắc: Pesaro, Rimini và Senigallia. Những thị trấn này cũng nằm khá gần với đường bờ biển phía tây của trung tâm Italy. Chỉ có 2 thị trấn ở phía Bắc là Verona và Vicenza nằm gần đường mặt trời mọc vào hạ chí. Các thị trấn khác đều hướng trong vòng 10 độ về phía đông nam của đường mặt trời mọc, hoặc gần với điểm mặt trời mọc lúc đông chí.

"Những kết quả này cho thấy các thị trấn La Mã cổ đại ở Italy không hề được dựng lên một cách ngẫu nhiên. Nó giúp chúng ta hiểu được người La Mã đã có một trình độ thiên văn học như thế nào", Magli nhận định

Theo M.T. (Vnexpress/ Discovery)
.
.
.