Bí mật của biển chết

Thứ Tư, 12/10/2005, 08:26

Nằm ở phía đông của IsraelPalestine, phía tây của Jordanie, Biển Chết là một vùng trũng nhất thế giới so với mực nước biển. Trên thực tế Biển Chết không phải là biển mà chỉ là một hồ nước mặn lớn nhất thế giới, có chiều dài cỡ 80km, nơi rộng nhất là 18km, độ sâu trung bình 400m, nơi sâu nhất là 700m, diện tích trên 1.000km2.

Người ta gọi hồ này là biển vì nước của hồ thuộc loại siêu mặn: nếu như hàm lượng muối ở các đại dương chỉ là 35 phần nghìn thì mặn ở đây đạt tới 270 phần nghìn, và càng xuống sâu thì độ mặn càng tăng. Chính độ mặn khủng khiếp này đã khiến cho người ta tưởng rằng không có bất kỳ loài sinh vật nào có thể tồn tại được ở trong hồ nên nó được mang tên Biển Chết.

Tuy nhiên, ngay từ thời xa xưa chính độ mặn cao này lại khiến Biển Chết trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với khách du lịch và những người muốn chữa các chứng bệnh nan y. Bởi nếu đến nghỉ mát và tắm biển ở đây, thì dù bạn không biết bơi đi chăng nữa cũng không bao giờ sợ bị chết đuối: với hàm lượng muối siêu cao của nước Biển Chết, thân thể bạn sẽ luôn nổi trên mặt nước như một chiếc phao vậy. Cũng do thành phần nước của Biển Chết chứa rất nhiều loại muối khoáng, lại nằm ở vùng đặc biệt nên khí hậu, ánh sáng mặt trời... ở đây có những đặc điểm rất có lợi cho sức khỏe. Từ thuở xa xưa đã có rất nhiều các nhân vật nổi tiếng như nhà triết học Aristote, Vua Salomon và cả Nữ hoàng danh tiếng Cleopâtra... đều đã tới Biển Chết để tắm và chữa bệnh.

Những kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học trên thế giới chỉ ra một điều rất bất ngờ: đã có những sinh vật tồn tại và phát triển trong môi trường dị biệt của Biển Chết và chúng mang trong mình những khả năng kỳ diệu mà các loài sinh vật khác trên trái đất không có được.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra sự tồn tại của một số loài tảo và vi sinh vật, trong đó đáng kể nhất là một vi khuẩn có tên là Halobacterium. 

Cục Hàng không vũ trụ Mỹ NSA đã nhìn thấy tầm quan trọng của loài vi khuẩn này trong công cuộc tìm hiểu cũng như đưa sự sống vào vũ trụ, do đó họ đã lên kế hoạch tài trợ cho công cuộc nghiên cứu loài vi sinh vật này. Nhờ đó các nhà bác học của Trường đại học Maryland (Mỹ) đã tiến hành hàng loạt nghiên cứu đối với Halobacterium. Họ đã phát hiện ra vô số những đặc điểm kỳ lạ của Halobacterium, trong đó có khả năng tự sửa chữa và phục hồi những tổ chức bị thương tổn của loài vi khuẩn này. Bằng kính điện tử laser, họ đã trực tiếp quan sát được kỹ thuật phục hồi và sửa chữa những “hư hỏng” trong cả một đoạn ADN phức tạp cũng như kỹ năng tự bảo vệ của Halobacterium. Tiến thêm một bước, các nhà bác học của Đại học Maryland đã dùng kỹ thuật chiếu xạ để chia cắt ADN của Halobacterium thành những đoạn nhỏ. Kết quả  là chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ sau, chúng đã tự tìm đến nhau rồi liên kết lại thành một chuỗi giống hệt ban đầu, cứ như là không hề có chuyện gì xảy ra. Và, những Halobacterium lại sống một cách “đàng hoàng” trong môi trường dị biệt của Biển Chết. Để thử xem khả năng “sống” của Halobacterium đến đâu, các nhà bác học đưa chúng vào môi trường tương tự như môi trường trong vũ trụ: chân không hoàn toàn, sau đó họ chiếu vào đó các tia có tính chất giống như tia vũ trụ phát sinh trong tự nhiên. Các kết quả thu được rất khả quan: trong môi trường “vũ trụ”, có tới hơn 80% Halobacterium vẫn sinh sống và phát triển.

Nhà nữ bác học Jocelyn Delugerla đã tiến hành nghiên cứu trong suốt một thời gian dài, và bà cho rằng độ mặn của Biển Chết là siêu cao nên cấu trúc ADN trong tế bào của các sinh vật sống ở đây sẽ bị phá hoại nên tuyệt đại đa số các sinh vật không thể tồn tại trong Biển Chết. Nhưng với Halobacterium thì lại khác. Có lẽ trong quá trình tiến hóa của mình (hay do một nguyên nhân gì khác?), Halobacterium không những thích nghi được với hoàn cảnh dị biệt của Biển Chết mà còn có thể tiếp tục sống và phát triển. Jocelyn cho rằng môi trường siêu mặn của Biển Chết cũng giống hệt môi trường chứa đầy các tia năng lượng cao như trong vũ trụ, nên khi sống trong môi trường vũ trụ thì khả năng tự khôi phục những ADN bị tổn thương của Halobacterium lập tức phát huy tác dụng, đó chính là nguyên nhân vì sao Halobacterium cho kết quả như thí nghiệm nêu trên.

Để tìm hiểu rõ hơn cơ chế tồn tại của Halobacterium trong môi trường khắc nghiệt, Jocelyn và các cộng sự qua rất nhiều thí nghiệm đã phát hiện ra cơ chế khôi phục những “hỏng hóc” ADN của các phân tử trong tế bào. Trong các phản ứng hóa học cần thiết của sự sống, các dung môi của protein đã phát huy vai trò của mình. Halobacterium luôn luôn lưu giữ được một số lượng nhất định các dung môi để “khôi phục và sửa chữa” những hư hỏng xảy ra. Mỗi khi gặp phải sự phá hoại do các tia vũ trụ gây ra, những dung môi này hầu như ngay lập tức "sửa chữa” đối với ADN bị “hư hỏng”.

Người ta tràn trề hy vọng rằng nếu những bí mật của Halobacterium được khám phá thì nó sẽ giúp loài người đi sâu hơn nữa vào bản chất và sự hình thành của sự sống trên trái đất. Và tất nhiên khi đó cũng có thể tìm ra sự sống ngoài vũ trụ, đồng thời loài người cũng sẽ biết cách bảo vệ một hữu hiệu tính mạng của các phi hành đoàn trong các cuộc bay vào trong vũ trụ. Ngoài những vẻ đẹp kỳ thú và những điều kiện thiên nhiên độc nhất vô nhị, Biển Chết chắc chắn còn chứa trong nó những bí mật lạ kỳ mà Halobacterium chỉ là một thí dụ. Tuy nhiên đã từ vài thập kỷ nay, các nhà bác học đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “biến mất” của Biển Chết. Theo sự đo đạc một cách chính xác thì trong vòng bốn thập niên qua diện tích của Biển Chết đã giảm đi 1/3.

Gần đây, 3 nước Israel, Palestine và Jordanie đã cùng nhau soạn thảo một dự án để “cứu Biển Chết”. Theo dự án có giá trị tới 1,5 tỉ USD này thì một đường ống dài 320 km sẽ lấy nước từ Hồng Hải (Biển Đỏ) đưa vào Biển Chết, và họ hy vọng sẽ được Ngân hàng thế giới hỗ trợ về kinh phí

Nguyễn Tiến Cử (tổng hợp)
.
.
.