Bệnh đái tháo đường ngày càng "trẻ hóa"

Thứ Tư, 11/12/2013, 12:53
Lối sống thay đổi với chế độ ăn giàu năng lượng, ít chất xơ, cộng thêm việc ít hoạt động thể lực, gia tăng stress đang làm cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng bệnh đái tháo đường nhanh nhất thế giới. Đặc biệt hơn, độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 2 ngày càng trẻ hóa khi gần đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị ca mắc bệnh mới 8 tuổi.

Mặc dù hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi bệnh đái tháo đường nhưng trên 60% trường hợp có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 có thể phòng tránh được bằng chế độ ăn uống hợp lí và tăng cường hoạt động thể lực.

Đái tháo đường type 2: “Kẻ giết người” âm thầm

Bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, từ 171 triệu người mắc bệnh năm 2000 lên 371 triệu người năm 2012. Đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 trên thế giới, gây giảm tuổi thọ từ 5-10 năm, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa và suy thận giai đoạn cuối, là nguyên nhân hàng đầu của cắt cụt chi không do chấn thương… Trung bình cứ 10 giây lại có một người chết do đái tháo đường và các biến chứng, cứ 30 giây lại có một người đái tháo đường có biến chứng phải cắt cụt chi bàn chân...

Tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh. Theo điều tra quốc gia năm 2008, tỉ lệ bệnh trong lứa tuổi từ 30-69 khoảng 5,7%, riêng khu vực thành thị, tỉ lệ bệnh từ 7-12%. Từ 2008 đến nay, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có tốc độ gia tăng bệnh cao nhất thế giới. Điều đáng ngại lơn, độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.

Bệnh đái tháo đường cần được phát hiện sớm để điều trị.

PGS.TS Tạ Văn Bình – Viện trưởng Viện đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa cho rằng: “Trước đây, đái tháo đường là bệnh của người già. Vào những năm 1976-1980, tìm người đái tháo đường type 2 dưới 40 tuổi cực kì khó, nhưng nay, rất nhiều người mắc bệnh khi mới 25-30 tuổi. Năm 2004, Việt Nam phát hiện ra người trẻ nhất mắc đái tháo đường type 2 mới 11 tuổi. Khi đó, để có thể kết luận là đái tháo đường type 2, tôi phải mang mẫu máu sang Nhật để kiểm tra”.

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, đái tháo đường type 2 nguy hiểm hơn type 1: “Tôi đã từng biết bệnh nhân type 1 mắc bệnh năm 19 tuổi, sống đến 84 tuổi vẫn khỏe mạnh. Trong khi đó, bệnh nhân type 2 thường gắn liền với biến chứng, điều trị khó khăn, tốn kém và có nguy cơ tử vong”.

Thay đổi lối sống để phòng chống đái tháo đường

Đái tháo đường type 2 là hậu quả của sự tương tác giữa yếu tố gen và môi trường. Sự gia tăng tình trạng bệnh trước hết là do sự thay đổi về lối sống, thể hiện rõ nhất ở chế độ ăn giàu năng lượng, ít chất xơ và giảm hoạt động thể lực. Năng lượng dư thừa được tích lũy lại khiến thừa cân, béo phì, gây tình trạng kháng insulin và hội chứng rối loạn chuyển hóa - là nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường type 2. Các stress cũng góp phần gia tăng đái tháo đường type 2, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường là người có lứa tuổi trên 40; người có người thân thuộc thế hệ cận kề (bố mẹ, anh chị em ruột...) mắc bệnh; người có huyết áp tăng vô cớ, không tìm thấy nguyên nhân; phụ nữ có tiền sử sản khoa đặc biệt (thai chết lưu, sảy thai, đái tháo đường thai kì, sinh con to (trên 3,6kg)…); người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc suy giảm dung nạp glucose lúc đói; người có bệnh mạch vành hoặc đột qụy; người có nghề nghiệp tĩnh tại, ít hoạt động thể lực (công chức văn phòng…).

“Nguy hiểm nhất là bệnh diễn biến âm thầm, rất khó phát hiện. Có những người đường máu chưa tăng, nhưng khi làm liệu pháp đã ra đái tháo đường, khi đó phải chữa trị ngay. Đái tháo đường type 2 chia làm 4 giai đoạn: tăng insulin trong máu; tiền đáo tháo đường; đái tháo đường lâm sàng, chưa có biến chứng; đái tháo đường có biến chứng. Ở Việt Nam, thông thường chỉ chẩn đoán được đái tháo đường khi đã có biến chứng. Khi được phát hiện, có đến hơn 90% bệnh nhân có biến chứng ở bàn chân, thần kinh ngoại vi… Khi đã có biến chứng thì không thể chữa được. Đái tháo đường là bệnh chuyển hóa nên đại đa số người mắc bị tử vong đều là do tim mạch” – PGS.TS Tạ Văn Bình  nhấn mạnh.

Mặc dù hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi bệnh đái tháo đường nhưng trên 60% trường hợp có nguy cơ mắc bệnh là có thể phòng tránh được bằng chế độ ăn uống hợp lí, tăng cường hoạt động thể dục thể thao, không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia… “Việc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường sẽ giúp cho hiệu quả điều trị tốt hơn. Những người trên 40 tuổi nên đến các cơ sở chuyên khoa khám 6 tháng/lần; những người trên 45 tuổi phải kiểm tra lượng đường máu 3 tháng/lần. Đái tháo đường là bệnh điều trị theo kiểu “nhà giàu” nên rất tốn kém” – PGS.TS Tạ Văn Bình khẳng định

Khánh Vy
.
.
.