Báo động bệnh đột quỵ ở giới trẻ
Thế nhưng, với tiên tiến của khoa học hiện nay, với sự nỗ lực của các bác sĩ, nhất là sự hiểu biết về căn bệnh vẫn có thể giúp con người ta “không dạ” khi “trời kêu”!
“Vén màn” bí ẩn căn bệnh đột quỵ ở tuổi thanh xuân
Chiều 4/3, tại Phòng thủ thuật D.S.A (chụp hình mạch máu xóa nền) của Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân nữ (29 tuổi), tên T.T., ngụ tại TP Hồ Chí Minh vừa được chuyển tới với nghi vấn có túi phình trong mạch máu não từ tuyến trước.
Sau khoảng 15 phút được chụp mạch máu kỹ thuật D.S.A, kết quả cho thấy bệnh nhân có một túi phình mạch máu, đã có dấu hiệu “xuất huyết khoang dưới nhện”. “Ngày 5/3, bệnh nhân này đã được thủ thuật can thiệp trực tiếp, giúp bệnh nhân thoát khỏi cái chết trong gang tấc nhờ đã được đưa tới kịp thời”, bác sĩ Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị Can thiệp mạch máu não BV cho biết.
Bệnh nhân T.T. là một dược sĩ, trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không hề mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp, ăn uống hằng ngày rất khoa học và không hề sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu bia. Ngày 3/3, chị T.T. khi đang làm việc có triệu chứng đau đầu dữ dội, buồn ói, ói liên tục kèm theo triệu chứng “cứng gáy”. Kết quả chụp Citi vùng đầu ghi nhận có hiện tượng xuất huyết màng não. Chị đã được chuyển tới BV ĐH Y dược.
Trước đó, ngày 3/3, Phòng thủ thuật D.S.A cũng tiếp nhận một nữ bệnh nhân 37 tuổi. Bệnh nhân nữ này vừa sinh con được nửa tháng bỗng đột ngột xuất hiện chứng co giật, vật vã, sùi bọt mép. Kết quả chụp Citi nghi ngờ bệnh nhân bị xuất huyết não nhưng chẩn đoán trước đó tại một BV cho bệnh nhân lại nghiêng về hướng mắc bệnh động kinh và được chuyển tới BV Tâm thần TP Hồ Chí Minh. Toa thuốc chuyên khoa không hiệu quả. Tại BV ĐH Y dược, kết quả chụp D.S.A đã phát hiện một dị dạng mạch máu não (DDMMN).
Khoa Hồi sức tích cực BV Chợ Rẫy, nơi điều trị nhiều bệnh nhân đột quỵ. |
Được biết, với trường hợp này sau khi được can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn thoát hẳn bệnh động kinh, trở lại cuộc sống khỏe mạnh. Bác sỹ Cường cho rằng, trường hợp trên là thông tin rất có giá trị bổ sung vào những cảnh báo về dấu hiệu cần biết của đột quỵ mà các nghiên cứu trước chưa phát hiện. Bệnh động kinh mới phát cần được chụp mạch máu não loại trừ bệnh DDMMN là điều cần thiết trong chẩn đoán bệnh tâm thần.
Bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cũng cho biết: Đột quỵ trước đây thường có ở bệnh nhân lớn tuổi kèm theo bệnh nền như: cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa mạch máu, thì nay phát hiện nhiều trường hợp ở tuổi đời còn rất trẻ, cả ở trẻ em vài tuổi. Mà nguyên nhân có DDMMN bẩm sinh đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời đột ngột xuất hiện khiến người bệnh “ngã quỵ” trong độ tuổi thanh xuân.
Theo bác sỹ Dũng, tín hiệu đột quỵ thường xuất hiện liền ngay trong những phút đầu của cơn tai biến nhưng người bệnh thường không để ý nên nhiều ca khi tới cấp cứu tại BV Chợ Rẫy đã trong tình trạng: nói đớ, tay chân yếu liệt, nôn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác. 2 nhóm nguyên nhân là tắc nghẽn mạch máu và xuất huyết não - vỡ mạch máu não.
Trong đó, đột quỵ ở nhóm bệnh nhân tim mạch thường do những khối máu đông gây nghẽn tắc mạch máu tại vùng não hay các chi gây hoại tử, gây sốc và tử vong nếu không cấp cứu kịp. Xuất huyết não do nguyên nhân từ những túi phình hình thành theo diễn tiến thời gian trên bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, từ bệnh DDMMN. Dòng máu chảy trong lòng mạch tạo nên một áp lực và tác động vào thành mạch máu mà có thể ví như chảy liên tục trong lòng ruột xe.
Áp lực khi quá cao hay đột ngột (cao huyết áp) khiến tạo ra túi phình ở những khu vực thành mạch mỏng hơn. Tới lúc nào đó sẽ vỡ, gây xuất huyết. Còn DDMMN gây cơn đột quỵ xảy ra cùng lúc xuất hiện hội chứng xuất huyết khoang dưới nhện (tình trạng máu chảy rỉ rả), hoặc đột ngột vỡ hẳn ở túi phình.
BV ĐH Y dược từ năm 2005 tới nay đã tiếp nhận khoảng 1.300 ca bệnh lý liên quan tới “bệnh lý mạch máu não”. Hằng tuần có khoảng 10 ca được điều trị về đột quỵ. Tại BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy tuy chưa thống kê nhưng tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ đã luôn gia tăng hơn so với 10 năm trước đây. |
Phòng ngừa từ xa
Theo các bác sỹ, tránh đột quỵ, Y khoa khuyến cáo nên không uống quá nhiều rượu bia, năng vận động, duy kỳ lối sống ăn ít thịt, tăng lượng rau và trái cây, tập thể dục làm giảm bệnh xơ vữa. Khi nghi ngờ đột quỵ, cần gọi cấp cứu ngoại viện 115, nên làm sơ cấp cứu cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ, tìm cách làm thông thoáng đường thở, cho nằm nghiêng, tránh để dị vật rớt vào thực quản (thức ăn, răng giả..) làm nghẽn đường thở.
Trên bệnh nhân cao huyết áp, không nên cho thuốc hạ áp quá nhanh, do lúc này tình rạng nuôi máu lên não bị thiếu, nếu dùng thuốc hạ áp sớm quá càng làm giảm lượng máu lên não khiến bệnh nhân nặng hơn…
Cũng theo bác sỹ Cường, nghẽn mạch máu não làm tổn thương não trong vòng 6 giờ đầu không phục hồi bệnh nhân sẽ tử vong. Chẩn đoán nhanh tại BV để tìm cách khai thông lòng mạch nghẽn trong 6 giờ đầu. Chảy, xuất huyết não cơ may cứu sống cao hơn. Tuy nhiên, thời gian đầu sơ cấp cứu là vô cùng quan trọng. Nhưng hiện y tế TP Hồ Chí Minh thực sự đang “hổng” mảng này vì mới có BV ĐH Y dược, Nhân dân 115, và Chợ Rẫy là có bác sỹ có chuyên môn cấp cứu đúng cách cho bệnh nhân đột quỵ