An toàn mạng, bài toán còn nhiều nan giải
Điển hình là sự kiện BKAV, đơn vị an ninh, an toàn mạng hàng đầu Việt Nam bị tin tặc tấn công, thay đổi giao diện và lấy cắp mã nguồn, trộm cắp và công khai tài khoản của hàng chục ngàn khách hàng đã làm rúng động giới công nghệ thông tin Việt Nam. Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao - Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an đã vào cuộc, nhanh chóng xác minh, điều tra, phát hiện và buộc đối tượng phải thừa nhận hành vi sai phạm của mình.
Một số vụ tấn công khác theo kiểu lôi kéo hàng trăm ngàn máy tính cùng tấn công vào một website, gây ngập lụt đường truyền, không thể truy cập được hoặc tấn công liên tiếp vào hệ thống mạng của các đơn vị nhằm lấy cắp thông tin khiến mạng bị tê liệt hoạt động trong một thời gian dài, mất độc giả và đối tác, gây tổn hại về uy tín và kinh tế.
Tình trạng lừa đảo trực tuyến bằng nhiều thủ đoạn tinh vi cũng diễn ra nghiêm trọng với sự gia tăng về số vụ, số người bị hại và giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Hiện nay hàng triệu người sử dụng Internet ở nước ta đã là thành viên của các trang mạng xã hội nổi tiếng thế giới như Facebook, Twitter… Lợi dụng việc này, bọn tin tặc cũng triệt để phán tán virus. Chỉ tính trong năm 2011, có tới 64,2 triệu lượt máy tính bị nhiễm virus, đây là con số đáng báo động và rất nguy hại đối với an toàn mạng.
Trong một số vụ việc nghiêm trọng, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát thì phát hiện trong hệ thống mạng nội bộ của một số đơn vị, cơ quan Nhà nước đã bị nhiễm virus chuyên dụng do các tổ chức, cá nhân từ bên ngoài cài vào qua đường mạng. Nếu không phát hiện kịp thời, chúng sẽ ăn cắp nhiều thông tin mật để chuyển ra các máy chủ đặt ở nước ngoài, gây thiệt hại lớn cho các đơn vị này.
Ngoài ra, đã xuất hiện tình trạng lừa đảo qua hệ thống mạng di động 3G, 4G khi các đối tượng tống tiền, đe dọa, quấy rối… Các nhóm tin tặc có trình độ cao ngày càng có xu hướng liên kết với nhau để thực hiện các vụ tấn công quy mô lớn hơn và gây thiệt hại nhiều hơn cho các cá nhân, tổ chức, xã hội. Đặc biệt, các ngành kinh tế trọng điểm trong đó có tài chính - ngân hàng đã và đang là mục tiêu tấn công hàng đầu của các đối tượng mạng, tiềm ẩn nguy cơ chịu thiệt hại rất lớn.
Hiện nay, việc bảo mật và xây dựng các phương án bảo đảm an toàn mạng đã được các cơ quan, tổ chức quan tâm nhưng nhiều nơi, nhiều lúc sự quan tâm chưa đầy đủ, chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của vấn đề này nên hiệu quả chưa cao, bộc lộ nhiều sơ hở và dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Trình độ và nhân lực bảo đảm an toàn mạng còn nhiều hạn chế trước quy mô, trình độ và thủ đoạn của bọn tội phạm mạng. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý, xử lý, phát hiện, điều tra các hành vi vi phạm an toàn mạng còn mang tính hình thức.
Do vậy, trong thời gian tới, rất cần các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần đề cao cảnh giác, có nhận thức đúng đắn và tiến hành các hành động hữu hiệu hơn nữa để đảm bảo an toàn mạng, phục vụ sự phát triển của công nghệ thông tin nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta nói chung