6 tỉ đồng để đào tạo mỗi chuyên gia công nghệ vệ tinh
Trong buổi họp báo ngày 19/5, PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, khi Trung tâm vũ trụ Việt Nam đi vào hoạt động, dự kiến cần khoảng 300-350 chuyên gia. Tuy nhiên, hiện tại, mỗi năm Việt Nam chỉ có thể đào tạo được khoảng 25 cán bộ. Trung tâm Vệ tinh quốc gia phải tuyển các kĩ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin...để đào tạo về công nghệ vũ trụ.
Vệ tinh MicroDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2018 bằng tên lửa đẩy của Nhật Bản. |
Ông Tuấn cũng nói thêm, để phục vụ cho việc thiết kế, chế tạo vệ tinh "Made in Vietnam", Trung tâm đã cử 35 cán bộ đi đào tạo tại các trường Đại học danh tiếng của Nhật Bản. Tính trung bình, chi phí để đào tạo một chuyên gia công nghệ vệ tinh vào khoảng 6 tỉ đồng. Nhóm chuyên gia này đang thực hiện dự án vệ tinh MicroDragon, dự kiến phóng lên quỹ đạo vào năm 2018.
Hiện trên quỹ đạo có khoảng 1100 vệ tinh viễn thám và hơn 100 vệ tinh viễn thông, riêng Mỹ có khoảng 500 vệ tinh. Việt Nam mới có 3 vệ tinh, trong đó có 1 vệ tinh viễn thám (VNREDSat) phục vụ lợi ích quốc gia. "Việc chỉ có 1 vệ tinh viễn thám là quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu. Trung bình cứ phải 2-3 ngày mới chụp được ảnh của một khu vực. Nếu muốn chụp được hết ảnh của Việt Nam thì không biết đến bao lâu. Mặc dù có VNREDSat nhưng chúng ta vẫn phải đi mua ảnh vệ tinh" – ông Tuấn nói.
Là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, ông Tuấn tin rằng, khi Trung tâm vũ trụ Việt Nam đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ đi đầu khu vực về công nghệ vũ trụ, vì đã có hạ tầng đầy đủ, hiện đại và làm chủ được công nghệ thiết kế vệ tinh. Hiện ở Đông Nam Á mới có chỉ có 3 nước có vệ tinh riêng là Indonesia, Malaysia và Việt Nam.