Xuất hiện bệnh nhân nghi mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh
Đó là 2 bệnh nhân nam đều ở Hà Nội. Một người vào viện khi đã bị sốt cao và hôn mê sau khi ăn tiết canh được 4 ngày tại Ninh Bình trong chuyến đi công tác; còn một người ăn bát tiết canh lấy may trong năm mới, nhanh chóng bị sốt cao, hôn mê sâu vì viêm màng não mủ và đã được cấp cứu kịp thời, điều trị đúng cách nên đã tỉnh táo.
Theo các bác sĩ, do tập quán thịt lợn, ăn tiết canh vào những ngày gần Tết nên nguy cơ mắc liên cầu lợn thường tăng vào dịp này. Trước đó, một số bệnh viện cũng đã tiếp nhận bệnh nhân bị sốt cao, sốc, có ban hoại tử vùng tay, cẳng chân được nghi do mắc liên cầu lợn vì ăn tiết canh. Đặc điểm chung của các bệnh nhân này là đều bị sốt cao và hôn mê sâu sau vài ngày ăn tiết canh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương): Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4-5 ngày. Bệnh khởi phát bằng sốt cao, sau đó người bệnh rơi vào trạng thái lơ mơ rồi hôn mê, tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh diễn tiến rất nhanh dẫn đến suy đa phủ tạng, đe dọa tử vong nếu không được điều trị kịp thời hoặc đúng cách. Khi bị bệnh, người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ. Thời gian điều trị từ 3 tuần đến vài tháng với chi phí hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể, với tình trạng bệnh lý nặng nề, bệnh liên cầu lợn đe dọa tử vong cao, nếu bệnh nhân qua khỏi cũng để lại nhiều di chứng không hề nhỏ. Theo một nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ TW, có tới 40% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn phải nhập viện và điều trị ở miền Bắc đã bị giảm thính lực và tỷ lệ tử vong là gần 13%.
Sự việc đã có 2 bệnh nhân nghi mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh phải cấp cứu ngay trong những ngày đầu năm là một tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người khi giết mổ, chế biến và sử dụng các sản phẩm từ lợn