Xử lý khi trẻ hóc dị vật

Chủ Nhật, 01/11/2009, 15:21
Để tránh những nguy hiểm khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, hay vuốt cổ, ngực trẻ, vì có thể khiến dị vật vào sâu hơn, hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn.

Sẩy một ly đi một dặm

Với vị mát, ngọt, giòn và dẻo - thạch là món quà vặt khoái khẩu của hầu hết trẻ con. Có nhà, người lớn mua cả gói thạch cho trẻ ăn và tự chơi một mình. Nếu không tới Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, thật khó hình dung, món quà ngon đó lại gây ra những câu chuyện thương tâm đến thế cho trẻ con.

Bé P.V.H., 2 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội, đang ngồi chơi và ăn thạch ngon lành thì bỗng bị nghẹn, khó thở và tím tái dần. Gia đình vội vã đưa ngay bé đến bệnh viện gần nhà, nhưng miếng thạch mềm, dẻo đã mau chóng bít toàn bộ khí quản của cháu, mọi thao tác cấp cứu không còn kịp cứu sống bé.

May mắn hơn bé V. một chút, bé N.T.H., 3 tuổi, ở Bắc Giang cũng bị hóc thạch, được gia đình đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời, các bác sỹ mở nội khí quản, tạo đường thở cho cháu. Ngay sau đó, bé được mau chóng chuyển lên Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương. Tại đây, các bác sỹ đã gắp được hết miếng thạch chặn ngang đường thở cho bé. Do mất oxy lên não quá lâu, dù bé được cứu sống nhưng sẽ chỉ còn sống thực vật. Quá trình điều trị sau đó cho bé không những rất tốn kém, khiến gia đình rất đau đớn mà bé vẫn còn có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Ths, bác sỹ Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, những trường hợp bị hóc thạch nhập viện thì hầu như không thể cứu sống. Vì thạch vốn mềm, trơn, khi trôi xuống đường thở, nó rất dễ biến đổi hình dáng và ôm khít lấy đường thở, khiến bệnh nhân nhanh chóng tử vong.

Trong trường hợp đó, thao tác cấp cứu thực hiện trong khoảng 2 phút thì mới cứu sống được em bé. Điều này là hầu như không khả thi, vì cha mẹ rất khó làm đúng thao tác, cần phải có thời gian di chuyển từ nhà đến bệnh viện. Nếu tới bệnh viện kịp thời, dù có khéo léo thao tác mở khí quản của bác sỹ cũng phải mất 5-10 phút. Đó là chưa kể việc gắp miếng thạch ra khỏi đường thở là rất khó. Vì thạch rất giòn, rất dễ bị vỡ vụn, nếu nó tiếp tục rơi sâu xuống đường thở thì càng nguy hiểm hơn.

Chính vì thế, Ths, bác sỹ Ngọc nhấn mạnh, tốt nhất các vị phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ ăn món thạch vì như trên đã nói, nếu có rủi ro xảy ra, việc cấp cứu rất khó khả thi. Đặc biệt, để trẻ tự ăn thạch một mình là điều cực kỳ nguy hiểm.

Người lớn bất cẩn vì thiếu hiểu biết

Bé N.K.N., ở Long Biên, Hà Nội, phải cấp cứu tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương vì bị hóc… ngôi sao. Số là mẹ bé mua cho con món đồ chơi có gắn những ngôi sao nhỏ, bé nghịch ngợm và vô tình nuốt một ngôi sao vào miệng. Tuy không gây tắc đường thở, nhưng dị vật có năm cánh nhọn đã ghim chặt vào cổ họng, không có cách gì gỡ ra được, gây đau đớn cho bé. Điều đáng nói là bé N. không phải là trường hợp duy nhất bị hóc ngôi sao phải nhập viện.

Nhiều bậc cha mẹ chưa nhận biết được những đồ chơi có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Theo các bác sỹ, một trong những cách đơn giản nhất để tránh cho trẻ bị hóc dị vật là mọi đồ chơi, đồ vật phải lớn hơn nắm tay của trẻ, vì kích thước nắm tay tương đương với vòm họng của trẻ.

Cách sơ cứu trẻ bị hóc dị vật. Ảnh sưu tầm.

Ths, bác sỹ Hoàng Đình Ngọc cho biết thêm, nhiều trường hợp trẻ bị hóc hạt nhãn, hạt ngô… khiến trẻ khó thở, ho, khóc thét lên, nhưng sau đó, dị vật trôi xuống, trẻ trở lại bình thường khiến cha mẹ không để ý. Sau đó, trẻ bị ho, chảy nước mũi kéo dài, cha mẹ lại hiểu nhầm là trẻ mắc các bệnh đường hô hấp và được uống thuốc kéo dài nhưng không đỡ.

Khi nhập viện, trẻ đã bị viêm nhiễm nặng do dị vật phân hủy trong khí quản, phổi, có trường hợp phải phẫu thuật để lấy dị vật ra. Đây là những trường hợp trẻ bị hóc dị vật ở dạng "hội chứng xâm nhập thoáng qua", nếu không để ý, sẽ rất dễ gây ra phức tạp khi điều trị do dị vật bỏ quên.

Để tránh những nguy hiểm khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, hay vuốt cổ, ngực trẻ, vì có thể khiến dị vật vào sâu hơn, hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn. Trong trường hợp trẻ tím tái, ngưng thở, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn, sau đó đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là phòng ngừa từ xa, tuyệt đối tránh để trẻ chơi với các đồ chơi nhỏ, dễ vỡ, cẩn trọng khi cho trẻ ăn quả có hạt và tập cho trẻ thói quen ăn trong yên tĩnh, không cười đùa vì rất dễ sặc

Thanh Loan
.
.
.