Tử vong và mắc bệnh từ cấy ghép tạng không rõ nguồn gốc

Thứ Năm, 01/05/2008, 08:50
Năm 2007, tại thành phố Chicago (Mỹ), 4 bệnh nhân được cấy ghép tạng lấy từ những người bị mắc HIV và viêm gan C. Tất cả họ đều đã chết, song đáng buồn là những thảm kịch tương tự như vậy vẫn không dừng lại ở đó…

Theo ước tính của Tổ chức UNOS (tổ chức chuyên phụ trách việc phân phối các cơ quan tạng để cấy ghép cho bệnh nhân của Mỹ), mỗi tuần, chỉ tính riêng ở Mỹ đã có khoảng 98.713 người dân nước này nằm trong danh sách đợi được cấy ghép tạng. Tuy nhiên, chỉ khoảng 28.354 người trong số họ được nhận các cơ quan tạng tương ứng, và hơn 6.000 bệnh nhân đã chết mỗi năm do phải chờ đợi để được cấy ghép tạng.

Những con số này đã phản ánh nhu cầu cần tạng đến mức “cấp thiết” của nhiều bệnh nhân trên thế giới.

Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân làm nảy sinh những vấn đề nan giải khác. Trong đó phải kể đến tình trạng gia tăng của các hoạt động kinh doanh tạng trái phép, đánh cắp tạng, buôn bán tạng không rõ nguồn gốc, hoặc thậm chí là tạng của những người bị mắc bệnh nan y... Và nguy cơ tử vong hoặc mắc bệnh trầm trọng từ việc cấy ghép tạng cũng vì thế càng lúc càng tăng lên.

Tại Mỹ, và nhiều quốc gia phát triển khác như Anh, Pháp, Đức... chính phủ và các tổ chức sức khỏe đã đưa ra lời cảnh báo về hiện tượng ghép tạng không rõ nguồn gốc gây tử vong cho bệnh nhân.

Tiêu biểu là tại Mỹ. Năm 2007, tại Trung tâm Y dược Beth Isreal Deaconess, một bệnh nhân đã bị mắc bệnh trầm trọng sau khi được ghép gan, mà nguyên do là vì phần gan được ghép cho bệnh nhân này được lấy từ một người đã bị mắc bệnh.

Mặc dù phần gan này đã được kiểm tra, song các bác sĩ vẫn không hề phát hiện ra rằng trong gan có chứa những mầm  mống gây bệnh viêm gan siêu vi B. Trong trường hợp của bệnh nhân này, thay vì được cứu sống nhờ phương pháp ghép gan, thì lại phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn.

Ngoài ra, đã có những trường hợp sau khi ghép tạng, bệnh nhân bị mắc các căn bệnh lây nhiễm, thậm chí là ung thư dẫn đến tử vong.

Mới đây nhất, tại Trung tâm Y dược Stony Brook ở thành phố New York – Mỹ, các bác sĩ đã xét nghiệm cẩn thận mẫu tạng được lấy từ một người hiến tạng khỏe mạnh, song không phát hiện ra vấn đề gì.

Đó thực ra là một sai lầm, họ đã nhầm tưởng rằng tạng đó chỉ chứa virút viêm màng não, song thực chất người đó đang mang trong mình mầm mống của căn bệnh ung thư chết người. Đã có ít nhất 2 trường hợp bệnh nhân sau khi được ghép gan và tụy từ người hiến tạng trên và họ đều đã chết sau đó vì căn bệnh ung thư máu. Các bác sĩ đã lấy tạng của 2 bệnh nhân trên để kiểm tra và vô tình đã phát hiện ra nguyên nhân này.

Trước đó, năm 2007, tại thành phố Chicago (Mỹ), cũng có 4 bệnh nhân được cấy ghép tạng lấy từ những người bị mắc HIV và viêm gan C. Tất cả họ đều đã chết, song đáng buồn là những thảm kịch tương tự như vậy vẫn không dừng lại ở đó. Không lâu sau đó, tại nhiều bệnh viện danh tiếng của Mỹ, nhiều bệnh nhân sau khi được cấy ghép tạng không được kiểm tra kỹ đã phải trả những cái giá tương tự.

Tại các quốc gia phát triển, từ một vài năm trước đây, chính quyền địa phương đã tiến hành lệnh cấm hiến máu tình nguyện đối với những người từng có tiền sử nghiện hút, tiêm chích ma túy hoặc hoạt động mại dâm bởi lo sợ tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong xã hội. Tuy nhiên, việc hiến tạng không hề nằm trong những vấn đề cần kiểm soát và những bất cập từ việc này lại gây ra những rắc rối cho sức khỏe của con người.

Vậy phải làm gì để ngăn chặn những rắc rối này? 

Theo Tiến sĩ Vivian Tellis - nguời đứng đầu chương trình nghiên cứu về việc cấy ghép thận tại Trung tâm Y dược Montefiore ở New York (Mỹ), với một số căn bệnh, chẳng hạn như HIV/AIDS, việc kiểm tra mẫu tạng có thể cho kết quả là không có dấu hiệu gì của bệnh, song nếu như cấy ghép vào người khác, bệnh có thể sẽ phát triển sau đó một vài năm.

Theo Tiến sĩ Scott Johnson chuyên gia phẫu thuật cấy ghép tạng tại Bệnh viện Beth Isreal (Mỹ), số người bị mắc bệnh sau khi ghép tạng (tạng của người hiến đã bị bệnh) trên thế giới hiện đang chiếm khoảng 5% tổng số các ca ghép tạng. Những bệnh nhân này hầu hết đều bị tử vong nhanh chóng sau khi bệnh phát triển.

Gần đây nhất, một cậu bé người Mỹ bị mắc chứng ung thư máu, song do chẩn đoán nhầm bệnh, cậu bé đã tử vong, các cơ quan tạng của cậu bé lần lượt được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấy ghép cho 4 bệnh nhân khác đang cần phải ghép tạng.

Kết quả là sau một thời gian, bi kịch đã xảy ra với cả 4 người được nhận tạng. Họ đều được phát hiện thấy có tế bào ung thư và khối u đang phát triển trong cơ thể. Tất nhiên cả 4 người này đều tử vong sau đó

Minh Ngọc (theo ABC)
.
.
.