Thử nghiệm thành công cai nghiện rượu, ma tuý bằng dược phẩm

Chủ Nhật, 20/02/2005, 08:55

Tháng 8/2004, José Galan, một thanh niên Thụy Điển bị nghiện rượu nặng và đã cố gắng chữa trị nhiều lần nhưng không hiệu quả, được tham gia một chương trình thử nghiệm phương pháp cai nghiện mới. Chỉ 3 tháng sau, anh đã không còn sử dụng một giọt rượu nào.

Chương trình thử nghiệm việc cai trị chứng nghiện rượu bằng các loại dược phẩm mới mà Galan tham gia do Trung tâm Y tế tâm thần Retiro ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) triển khai với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tại đây, Galan được trực tiếp điều trị cai nghiện rượu bằng loại dược phẩm mới có tên gọi topiramate, vốn được nghiên cứu để ngăn ngừa các biến chứng của chứng động kinh.

Đây là một tin vui đối với cộng đồng. Hơn nữa một công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Y học tâm thần tổng quát" ở Mỹ vào tháng 11/2004 cho biết, liệu pháp cai nghiện rượu bằng loại dược phẩm topiramate có hiệu quả gấp 6 lần so với các liệu pháp cai nghiện theo kiểu cũ. 1/3 số người nghiện được điều trị bằng dược phẩm topiramate đã tự giảm dần việc uống rượu cả về cường độ và nồng độ. 1/5 trong số họ đã từ bỏ hẳn rượu. Cũng theo công bố của tạp chí "Y học tâm thần tổng quát" thì loại dược phẩm topiramate còn có khả năng làm giảm béo và cai nghiện thuốc lá.

Trong khi đó, những người nghiện ma túy ở châu Âu và Bắc Mỹ gọi ma túy loại cocain  là “Caroline” hay “C”. Cả “Caroline” và “C” đều là loại ma túy dạng bột đang được tiêu thụ mạnh ở châu Âu và Bắc Mỹ hiện nay. Nhằm triệt tiêu hẳn nạn nghiện cocain, các nhà khoa học thuộc Tập đoàn dược phẩm Xenova của Anh đã bước đầu thành công trong việc chế tạo và thử nghiệm một loại vũ khí mới trong cuộc chiến phòng chống ma túy: đó là vắcxin chống nghiện chất cocain.

Các nhà khoa học thuộc Tập đoàn Xenova đã tìm ra một phương cách cai nghiện mới, mà không cần sử dụng một chất thay thế như methadone chẳng hạn. Trong khi cai nghiện bằng methadone chỉ làm giảm cơn nghiện dần dần thì tiêm chủng vắcxin chống lệ thuộc vào cocain có ký hiệu TA-CD của Tập đoàn Xenova lại phát huy tác dụng cắt cơn ngay. Giáo sư David Oxlade, Chủ tịch Tập đoàn Xenova, cho biết: “Vắcxin TA-CD có tác dụng kích thích hệ miễn nhiễm của con người để vô hiệu hóa tác dụng gây nghiện của cocain”. Có điều là các phân tử cocain lại giống các hócmôn được sản xuất ra bởi cơ thể và khó được nhận biết như là một mối nguy hại tiềm ẩn. Vì vậy, trong thời gian đầu, cần phải ghép các phân tử của cocain với những protein lạ nhằm kích thích cho hệ miễn nhiễm phát hiện ra chúng một cách dễ dàng. Sau đó, hệ miễn nhiễm sẽ dẫn giải sự hiện diện của các phân tử cocain như là một mối nguy hại cho cơ thể và sản xuất ra kháng thể để “bắt” chúng. Vì vậy, các phân tử cocain sẽ không tác dụng đến não bộ và sẽ bị “nhốt” trong các nơron thần kinh cho đến khi bị đào thải. Kết quả là sử dụng ma túy loại cocain sẽ không còn tạo ra cảm giác lâng lâng khoái cảm cũng như thói quen phải sử dụng do nhu cầu của cơ thể.

Theo công bố mới nhất của Tập đoàn Xenova vào trung tuần tháng 9/2004, khi tiến hành thử nghiệm tiêm vắcxin TA-CD trong vòng hai năm trên 22 người thường xuyên sử dụng cocain hay đang cai nghiện cocain thì có đến 12 người không còn nghiện cocain nữa. Giáo sư David Oxlade khẳng định: “Việc tiêm chủng vắcxin TA-CD đã giúp cho người nghiện mất đi thèm muốn không cưỡng lại được là phải sử dụng một liều ma túy và thoát ra khỏi tình trạng nghiện ngập ngay”.

WHO đánh giá rằng với việc thử nghiệm thành công loại dược phẩm chống nghiện rượu topiramate và loại vắcxin chống nghiện ma túy TA-CD, giờ đây con người đã có thêm hai loại vũ khí hiệu nghiệm trong cuộc chiến chống chứng nghiện rượu và ma túy vốn được xem là hiểm họa đối với nhân loại

Văn Hoà (theo "Hebdo Sciences")
.
.
.