Thu hồi thuốc kháng sinh Augmentin nhiễm chất làm dẻo

Thứ Năm, 16/06/2011, 19:23
Các cơ quan quản lý dược Đài Loan, Hồng Kông vừa yêu cầu  thu hồi thuốc kháng sinh Augmentin dạng bột pha siro, loại hàm lượng 457mg/5ml và loại hàm lượng 156mg/5ml, do nhiễm chất làm dẻo Diisodecyl phthalate (DIDP) và Diisononyl phthalate (DINP). Cục Quản lý dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh dược phẩm trên địa bàn biết thông tin trên.

Ngày 14/6, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, cho biết:  Các cơ quan quản lý dược Đài Loan, Hồng Kông vừa yêu cầu Công ty GlaxoSmithKline (GSK) thu hồi thuốc kháng sinh Augmentin dạng bột pha siro, loại hàm lượng 457mg/5ml sản xuất tại Anh và loại hàm lượng 156mg/5ml sản xuất tại Pháp, do nhiễm chất làm dẻo Diisodecyl phthalate (DIDP) và Diisononyl phthalate (DINP).

Cục Quản lý dược đã tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin trên và chính thức thông báo: Thuốc Augmentin dạng bột pha hỗn dịch/sirô, hàm lượng 156mg/5ml, sản xuất tại Pháp, chưa được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam. Còn loại thuốc Augmentin dạng bột pha hỗn dịch/sirô, hàm lượng 457mg/5ml, sản xuất tại Anh, được Bộ Y tế Việt Nam cấp số đăng ký VN-9594-05, hạn dùng 18 tháng nhưng đã hết hiệu lực. Lô thuốc cuối cùng nhập vào Việt Nam ngày 1/4/2008.

Do vậy, thuốc không còn được lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.Theo thông báo của các cơ quan quản lý dược Hồng Kông và Đài Loan, thuốc Augmentin bị thu hồi vì có chứa các chất DIDP và DINP không được công bố trong thành phần công thức thuốc.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh dược phẩm trên địa bàn biết thông tin trên; Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM lấy mẫu các sản phẩm thuốc Augmentin, dạng bột pha hỗn dịch/sirô khác đang lưu hành trên thị trường để kiểm nghiệm, xác định nồng độ DIDP, DINP, báo cáo về Bộ Y tế; Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc cung cấp các thông tin về tác dụng có hại của DIDP, DINP và các dẫn xuất gửi về Cục Quản lý Dược để xem xét, đánh giá...

Thanh Hằng
.
.
.