Thế giới ngưỡng mộ và khâm phục GS Ngô Bảo Châu

Thứ Bảy, 21/08/2010, 16:33
Ngay sau khi nữ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao tận tay Giáo sư Ngô Bảo Châu giải thưởng danh giá Fields - "Nobel Toán học" hôm 19/8 tại thành phố Hyderabad, nhiều nhà khoa học và các hãng truyền thông trên thế giới đã tỏ lòng ngưỡng mộ và khâm phục.
>> Kể chuyện thời học sinh của Ngô Bảo Châu

Trên trang web của Điện Elysee hôm 19/8 đã đăng thông cáo của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy: khen ngợi Giáo sư Ngô Bảo Châu và Giáo sư Cedric Villani - hai nhà toán học vừa đạt Huy chương Fields. Trong thông cáo có đoạn, Tổng thống Pháp bày tỏ sự biết ơn và lòng ngưỡng mộ đối với 2 nhà nghiên cứu vừa nhận Huy chương Fields là Cedric Villani, Giáo sư Trường Đại học Sư phạm Lyon kiêm Giám đốc Viện Henri Poincare và Ngô Bảo Châu, Giáo sư trường Đại học Paris-sud (Paris-Sud-XI). Các nhà toán học Pháp đã lập được kỳ công trong công tác nghiên cứu cơ bản với chất lượng rất cao tại nước này.

Tờ nhật báo Le Monde cũng dẫn thông cáo của Thủ tướng Pháp Francois Fillon, gửi lời chúc mừng và bày tỏ những lời ngợi khen nồng nhiệt và sống động nhất trước thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu toán học của các nhà toán học tại Pháp.

Trong ngày 19/8 và 20/8, nhiều tờ báo và hãng thông tấn nổi tiếng thế giới như AP, AFP, Le Monde cùng một số tờ báo nhỏ, báo địa phương như TheWest, SHM, Asiafinest, Politifi khi đưa tin về Đại hội Liên đoàn Toán học thế giới (ICM 2010) đều giật những hàng tít đầy ấn tượng như "Người con đất Việt giành vinh quang trong Toán học" hoặc "Việt Nam đoạt giải thưởng Fields". Hãng tin AFP là một trong những địa chỉ đi đầu trong việc đưa tin Giáo sư Ngô Bảo Châu giành giải Fields khi giật hàng tít: "Đứa con của Việt Nam được giải thưởng cao nhất về toán".

Giáo sư Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields.

Hãng tin AFP cũng dẫn lời nhận định của nhà khoa học Mỹ Peter Sarnak, chuyên gia lý thuyết số học tại Viện Nghiên cứu cấp tiến (IAS) của Trường Đại học Princeton, Mỹ: Công trình bổ đề cơ bản của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chứng minh được lý thuyết mang tính cách mạng của nhà toán học người Mỹ Robert Langlands đưa ra năm 1979 về việc kết nối hai nhánh của toán học là lý thuyết số học và lý thuyết nhóm. Như thể mọi người đã làm việc ở bờ bên kia của con sông nhưng vẫn đợi một người bắc cây cầu qua. Và giờ đây tất cả các công trình nghiên cứu của những người đó đột nhiên được chứng minh.

Khi trả lời phỏng vấn tờ Liberation, Giáo sư Jean-Pierre Bourguignon, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học cao cấp Bures-sur-Yvette đã bày tỏ sự thán phục đối với thế hệ các nhà khoa học tuổi 30-40: Họ giữ một sứ mệnh vĩ đại đối với toán học và các nghiên cứu tiên tiến khác.

Tờ Le Parisien chạy hàng tít "Ngô Bảo Châu giành Fields Medal, giải Nobel thế giới về toán học. Tờ Usine Nouvelle chạy hàng tít khá hóm hỉnh: "Pháp vô địch thế giới năm 2010... về toán".

Tờ Le Monde viết, Giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt Nam, đang thúc đẩy lý thuyết toán đại số và đã mở một cánh cửa mà nhiều người khác lâu nay nghĩ là không thể mở được.

Các tờ báo và hãng tin kể trên cũng nhắc lại thành công của Giáo sư Ngô Bảo Châu khi chứng minh thành công bổ đề cơ bản Langlands, công trình từng được tạp chí Time xếp vào danh sách một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất thế giới năm 2009.

Trong website chính thức của ICM, người ta đã dành những lời đẹp đẽ cho Giáo sư Ngô Bảo Châu, người trẻ thứ hai trong số 4 nhà toán học đoạt giải lần này: Ngô Bảo Châu được trao Huy chương Fields cho lời giải về bổ đề cơ bản của Langlands và lời giải lỗi lạc của Giáo sư cho giả thuyết tồn tại từ lâu đã đặt khởi đầu cho những đề tài hình học mới lạ và những kỹ thuật tương ứng bằng phép phân tích tinh vi. Công trình của ông giống như một chiếc cầu nối giữa hình học đại số, lý thuyết nhóm và các dạng tự đẳng cấu, đã mang lại nhiều ứng dụng trong Chương trình Langlands.

Ông Robert J. Zimmer, Giáo sư Toán học, Hiệu trưởng Trường Đại học Chicago, Mỹ, nơi Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ công tác kể từ tháng 9/2010: "Chúng tôi chúc mừng Giáo sư Ngô Bảo Châu bởi ông quả thực xứng đáng với tấm Huy chương Fields. Và chúng tôi trông đợi được chào đón ông trở thành thành viên mới của khoa toán, nơi có một chiều dài lịch sử danh giá tại Trường Đại học Chicago, Mỹ.

Giáo sư James Arthur đến từ Trường Đại học Toronto, Canada, thành viên Ủy ban bầu chọn giải Fields 2010: Đây là một công trình nghiên cứu mang tính chuyên sâu, phức tạp và đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của nhà toán học. Thành công của nó không chỉ cần đến tài năng mà còn nhờ vào sự kiên nhẫn, tâm huyết và say mê nghề nghiệp của Giáo sư Ngô Bảo Châu. Giáo sư James Arthur đã giành hẳn 25 phút để ca ngợi Giáo sư Ngô Bảo Châu - giới thiệu sơ lược về công trình của Ngô Bảo Châu trước toàn thể các nhà toán học, những người muốn biết vì sao vị Giáo sư đang làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton lại được trao giải thưởng danh giá nhất của Toán học thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi thư chúc mừng GS Ngô Bảo Châu

Ngay khi được tin Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields tại Ấn Độ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đã gửi thư chúc mừng tới anh. Chủ tịch nước đánh giá cao thành tích và những cống hiến của Giáo sư Ngô Bảo Châu đối với Toán học, đã mang về niềm tự hào và vinh dự lớn cho đất nước Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh giải thưởng mà Giáo sư Ngô Bảo Châu giành được cũng là phần thưởng lớn cho nền Toán học Việt Nam và hy vọng rằng với tài năng và trí tuệ của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho Toán học Việt Nam và thế giới.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng "thân ái gửi đến Giáo sư cùng gia đình những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, nhân dịp Giáo sư vừa được nhận Huy chương Fields - Giải thưởng Toán học cao quý nhất của thế giới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai của châu Á có nhà toán học được nhận giải thưởng vinh dự này. Đây là vinh dự to lớn đối với Giáo sư và gia đình, là niềm tự hào của nền giáo dục Việt Nam, của dân tộc Việt Nam và là nguồn động viên, khích lệ mạnh mẽ đối với các nhà khoa học trẻ Việt Nam".

Ngày 19/8, ngay sau khi biết tin GS Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã gửi công văn và hồ sơ sang Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đề nghị tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho anh. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, đề nghị này đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam và Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sáng 28/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng các sinh viên xuất sắc... sẽ ra sân bay Nội Bài để đón GS Ngô Bảo Châu. Tối 29/8, lễ chào mừng "Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields" sẽ được tổ chức long trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20h.

GS - TSKH Hồ Ngọc Đại nguyên Hiệu trưởng trường Thực nghiệm: Đây là thành công của cá nhân Ngô Bảo Châu

Hầu như tuyệt đại đa số người dân Việt Nam đều không có một chút xíu hình dung nào về "Bổ đề toán học", một trong 10 công trình khoa học xuất sắc nhất thế giới năm 2009 theo bình chọn của tạp chí Time. Thế nhưng, cũng gần như tất cả mọi người dân sinh sống trên khắp dọc dài dải đất hình chữ S đều hân hoan, tự hào khi trưa 19/8 tại Ấn Độ, Liên đoàn Toán học thế giới xướng tên GS Ngô Bảo Châu nhận Giải thưởng Fields, giải thưởng Toán học cao quý nhất toàn cầu.

Trong những giờ phút đầu tiên nghe tin vui về GS Ngô Bảo Châu, dù nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ người thân, bè bạn, đồng nghiệp, học trò và cả những người không quen biết, khác với sự hưng phấn đang ngập tràn khắp mọi nẻo đường, GS - TSKH Hồ Ngọc Đại (nguyên Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm Giảng Võ, nơi GS Ngô Bảo Châu từng theo học) vẫn điềm tĩnh, tự tại: "Đấy là thành công của cá nhân Ngô Bảo Châu. Thành công trong cuộc đời là thành công của cá nhân, sự vận động của cá nhân, sự trưởng thành của cá nhân trong cuộc sống". Cuộc trò chuyện của chúng tôi với GS - TSKH Hồ Ngọc Đại, ngay trong buổi sáng ngày 20/8:

- Thưa GS Hồ Ngọc Đại, trong ký ức của thầy, hình dung về GS Ngô Bảo Châu thời học ở Trường Thực nghiệm như thế nào?

- Châu có một đặc tính là rất thật. Thật lắm! Nghĩ cũng thật, làm cũng thật mà ứng xử cũng thật, bằng lòng cũng thật mà không bằng lòng cũng thật. Hai nữa là tự tin lắm. Tự tin và say mê. Tự tin trong cả cái sai của mình. Đó là hai điều quan trọng nhất mà nhờ đó, con người sẽ có thành công.

GS - TSKH Hồ Ngọc Đại.

- Thành công của GS Ngô Bảo Châu hôm nay có bao nhiêu phần công sức của Trường Thực nghiệm?

- Nhiều người cũng nói rằng, thành công của Châu có công rất lớn của tôi. Tôi bảo không, tôi không nhận cái công ấy. Tôi cũng mừng, cũng vui. Nhưng công ấy trước hết là công của Châu, của gia đình Châu rồi cuối cùng mới đến người khác. Học là việc của cá nhân. Việc học có hai đặc điểm quan trọng: Tự nguyện và là việc của cá nhân, không ai ép ai được. Trong một lớp học, học trò yêu quý nhau lắm. Châu ra ngoài oai là thế chứ về lớp vẫn bị bắt nạt, các bạn bảo gì nghe nấy đấy.

- Thưa GS, tựu trung lại đánh giá thế nào về sự kiện GS Ngô Bảo Châu bước lên bục danh dự của nền khoa học cơ bản thế giới?

- Mừng, quá đáng mừng là khác. Dù vậy, cuộc sống không chỉ có một mặt, một việc. Cuộc sống còn có nhiều thứ khác. Những con người như Ngô Bảo Châu là một ví dụ đẹp. Nhưng có những con người đẹp một cách khác, ở chỗ khác. Chúng ta học ở GS Ngô Bảo Châu là học cái tự tin, học sự say mê. Anh say mê trong lĩnh vực nào cũng được, nhưng phải say mê.

- Còn với cá nhân GS?

- Với tôi đó là một niềm an ủi, nặng về an ủi nhiều hơn là tự hào. Bởi vì, những quan điểm của tôi có thể có thật, và đã cho thành quả thật. Tôi đề cao nền giáo dục tôn trọng học sinh, tôn trọng bằng nội dung nghiêm chỉnh, việc làm nghiêm chỉnh, thành phần nghiêm chỉnh chứ không chỉ là những khái niệm chung chung, thiếu cụ thể.

- Trân trọng cảm ơn GS-TSKH Hồ Ngọc Đại. 

PV - Hương Sen
.
.
.