Thầy giáo trẻ và chiếc máy đào lạc "made in Việt Nam"

Thứ Bảy, 07/05/2011, 12:56
Thấu hiểu được những khó khăn trong khi sản xuất của người nông dân khi canh tác lạc (đậu phộng), cùng với niềm đam mê sáng tạo. Thầy giáo trẻ Trần Võ Văn May, Khoa Cơ khí - Công nghệ của Trường Đại học Nông lâm Huế đã sáng tạo ra chiếc máy đào lạc MĐL-1,2. Với công nghệ đó đã giúp cho người nông dân tiết kiệm được sức lao động và tăng năng suất trong mỗi mùa lạc.

Lạc là một cây công nghiệp họ đậu ngắn ngày, trong sản xuất lạc hiện nay mới chỉ cơ giới hóa khâu làm đất, khâu rạch hàng, còn các khâu khác chủ yếu vẫn làm thủ công. Nhưng với điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam hiện nay không thể áp dụng các loại máy thu hoạch lạc trên thế giới. Xuất phát từ thực tế đó thầy giáo Trần Võ Văn May đã nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy đào lạc là khâu hoàn thiện của cơ giới hóa nông nghiệp trong cây lạc.

"Trong sản xuất lạc, khâu làm đất cơ bản được làm bằng máy, khâu rạch hàng gieo hạt, còn riêng thu hoạch chủ yếu thực hiện bằng sức thường nhổ bằng tay. Nhưng ở những vùng đất thịt nhẹ thì nông dân thường phải dùng cuốc để đào lạc hoặc bơm nước vào ruộng lạc trước khi nhổ 2-3 ngày. Điều này làm mất rất nhiều công lao động và tỷ lệ sót lạc tại ruộng rất cao. Nên mình muốn thử sức để có thể áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu thu hoạch lạc". Thầy May chia sẻ.

Với ý tưởng ban đầu đó, thầy đã cùng với nhóm thầy cô trong khoa thu thập tài liệu, nghiên cứu, đi thực tế để khảo sát thực nghiệm… Một bản báo cáo chi tiết được thu thập về để phục vụ cho công tác chế tạo chiếc máy đó. Với tiêu chí của chiếc máy là phải đào được toàn bộ lớp đất chứa củ mà không bị sót củ; phải giũ sạch đất bám vào gốc cây lạc; không làm rối cây, tạo thuận lợi cho việc thu gom bằng tay tiếp theo; máy phải liên hợp với loại máy kéo cỡ trung (20 - 30 CV) và có cấu tạo gọn  nhẹ, chắc chắn, dễ sử dụng, an toàn và giá thành hợp lý với người dân.

Sau khi bản thiết kế hoàn thành thì máy được chế tạo tại xưởng cơ khí của Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Huế và tại xưởng Cơ khí Hữu Lành, xã Hương Văn, huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Máy có bề rộng làm việc là 1,2m, do đó đặt tên máy là MĐL-1,2. Máy đã được đưa vào thử nghiệm đào lạc tại xã Hương Văn và cho kết quả khá khả quan. Theo tính toán sơ bộ so sánh với việc nhổ bằng tay thì đào bằng máy sau đó thu gom bằng tay vừa đáp ứng được thời vụ, đảm bảo yêu cầu nông học, giảm nhẹ cường độ lao động cho người nông dân vừa tiết kiệm được khoảng 526.000 đồng/ha.

Cây lạc sau khi đào lên, cơ bản được giũ sạch đất và rải đều trên đồng. Độ sạch sản phẩm đạt từ 98% đối với đất pha cát và đạt 91% đối với đất thịt nhẹ. Tỉ lệ đào sót từ 2,7 - 3,1% nhưng có thể thu nhặt bằng tay nên được nông dân chấp nhận. Mặt khác, máy MĐL 1-2 có thể liên hợp với các loại máy kéo cỡ trung (công suất 20-30 mã lực) hiện đang sử dụng phổ biến ở nước ta.

Máy đào lạc lắp ráp với đầu kéo để tiến hành thu hoạch lạc.

Thầy May cho biết: "Chiếc máy MĐL-1,2 có thể áp dụng cho tất cả mọi địa phương trên cả nước, phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của các vùng. Địa bàn mà chúng tôi hướng tới là Hà Tĩnh và Nghệ An, hai địa phương sản xuất nhiều lạc nhất trên cả nước". Hiện những điểm hạn chế đang được thầy và nhóm tiếp tục khắc phục và hoàn thiện hơn để có thể phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của bà con nông dân.

Được biết, đây là chiếc máy đào lạc đầu tiên do Việt Nam làm ra, phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng của Việt Nam.

Hy vọng chúng ta sẽ còn tiếp tục đón nhận nhiều công trình, nhiều sáng tạo của các thầy cô

Ngô Toàn
.
.
.