Phòng chống xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất vùng ĐBSCL

Thứ Hai, 04/02/2013, 09:44
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang tích cực triển khai công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2013, nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Theo đó, những giải pháp hạn chế xâm nhập mặn vùng ĐBSCL được các địa phương tích cực triển khai thực hiện như: đóng cống, đắp đập thời vụ, nạo vét một số trục kênh chính, gia cố bờ bao vừa trữ nước ngọt, vừa ngăn mặn; trữ nước ngọt trên hệ thống kênh rạch nội đồng; giám sát mặn gắn với vận hành hợp lý các công trình thủy lợi và hệ thống ngọt hóa ven biển; chủ động lấy nước, trữ nước kết hợp thoát nước mặn và nguồn nước ô nhiễm trên kênh rạch. Đối với hệ thống thủy lợi liên tỉnh thống nhất, phối hợp vận hành hợp lý nhằm tránh xảy ra tình trạng mâu thuẫn, lãng phí trong việc sử dụng nguồn nước.

Ngoài ra, các địa phương thực hiện dự báo, cập nhật thông tin độ mặn, thông báo kịp thời diễn biến thời tiết, nguồn nước và xâm nhập mặn để nông dân chủ động phòng chống xâm nhập mặn, khô hạn đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. Chuẩn bị máy bơm, trạm bơm sẵn sàng bơm tưới khi xảy ra hạn hán. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lựa chọn các giống có khả năng chống chịu hạn, mặn và khuyến cáo nông dân sử dụng tiết kiệm nước. Đối với các vùng ven biển, quy hoạch nuôi thủy sản nước mặn hợp lý.

Được biết, xâm nhập mặn đầu năm 2013 xuất hiện sớm hơn năm 2012 khoảng 20 ngày. Ngay từ cuối tháng 12/2012, độ mặn 4‰ đã ảnh hưởng đến một số vùng cửa sông ven biển ĐBSCL trong phạm vi từ 20 - 30km

Lê Huy Hải
.
.
.