Phá án nhờ phân tích tâm lý tội phạm qua thư tín

Thứ Bảy, 20/11/2004, 17:59

Lập một hộp thư lưu trữ tại bưu điện thành phố Sydney, Amanda Howard tiến hành liên lạc với những kẻ phạm tội. Từ những cuộc trao đổi tưởng chừng vô thưởng vô phạt này, nữ chuyên gia phân tích tâm lý người Úc đã thu thập được nhiều điều bí mật sâu kín trong thế giới tội phạm, phục vụ hiệu quả công việc phá án.

Đối tượng “làm việc” của Amanda là những giết người hàng loạt như Ivan Milat, kẻ đã giết hại 7 phụ nữ xin quá giang xe tại bang New South Wales của Úc từ tháng 11/1989 đến tháng 4/1992; Ian Brady, tên tội phạm chuyên giết hại trẻ em hàng loạt ở Anh; David Birnie, tên giết người hàng loạt tại miền Tây nước Úc, sát hại 4 phụ nữ chỉ trong vòng 5 tuần vào năm 1986; Bobby Joe Long, kẻ giết hại 9 phụ nữ từ năm 1980 đến năm 1985 tại bang Florida của Mỹ.      

E dè và nghi ngại vào lúc đầu, rồi bị cuốn hút bởi những gợi ý mang tính nghiệp vụ của Amanda, những tên tội phạm nguy hiểm này dần dần “nhả” ra các bí mật sâu kín mà chúng chôn chặt lâu nay.

Chẳng hạn Ivan Milat đã khoe với Amanda rằng hắn từng sử dụng những chứng cứ ADN giả tạo để qua mặt các nhân viên điều tra như thế nào, nguyên nhân tại sao hắn lại cắt giữ một ít tóc của các nạn nhân sau khi gây án. Trong khi đó, Ian Brady lại thổ lộ nguyên cớ tại sao hắn ta lại thích ra tay đối với những nạn nhân nhỏ tuổi...

Ngoài Danny Conahan, kẻ từng ra tay giết hại 6 dân thường tại vùng duyên hải miền Tây nước Úc từ năm 1998 đến năm 2001, Amanda còn có công lớn trong việc giúp cảnh sát tóm được  tên giết người hàng loạt David Birnie vào tháng 12/2000; tên giết người hàng loạt Joe Sall có biệt danh “Dao cạo máy” vào tháng 5/1999. Trong thời gian thụ hình, cả Danny Conahan, David Birnie, Joe Sall đã viết nhiều bức thư tâm sự với Amanda mà không hề biết đó là người đã tham gia bắt giữ mình.

Mỗi ngày, Amanda dành phần lớn thời gian để đọc thư của các tên tội phạm, phân tích các yếu tố tâm lý ẩn chứa bên trong từng câu chữ rồi tiếp tục gợi ý cho bọn chúng “nhả” thêm những bí mật sâu kín. Tiếp đó, chị thống kê, phác thảo thành từng mô hình tâm lý tội phạm.

Amanda còn cộng tác với các nhà điều tra để tiếp cận hồ sơ vụ án tương tự ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Nam Phi... Ngoài ra, mỗi tuần, chị còn nhận và đọc 3.000 thư điện tử từ khắp nơi gửi đến để trao đổi về cách phòng chống tệ nạn giết người hàng loạt. Năm 2003, với sự cộng tác của nhà tội phạm học nổi tiếng người Anh Martin Smith, chị Amanda đã cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề Phía trong sâu thẳm của tội ác. Đây được xem là cuốn cẩm nang về phân tích tâm lý để truy bắt tội phạm giết người hàng loạt lần đầu tiên được phát hành ở Úc.

Sinh năm 1970 trong một gia đình có cha và mẹ đều là nhân viên cảnh sát, Amanda luôn bị lôi cuốn bởi tình tiết các vụ phá án mà cha mẹ tham gia và kể lại. Năm 13 tuổi, bạn gái thân thiết của Amanda bị giết chết bằng súng trên đường từ một cửa hàng về nhà. Sau nhiều tháng điều tra mà không tìm ra thủ phạm, vụ án đi vào quên lãng. Việc này đã để lại một dấu ấn khó phai trong trí óc non nớt của Amanda với câu hỏi luôn đặt ra: “Tại sao lại không thể bắt được thủ phạm?”. Ba năm sau, câu hỏi trên lại xuất hiện trong tâm trí của Amanda một lần nữa khi xảy ra nhiều vụ giết người, toàn là phụ nữ lớn tuổi tại thành phố Sydney.

Từ đó, Amanda quyết tâm đeo đuổi mục tiêu duy nhất là trở thành chuyên viên tội phạm học để giúp cảnh sát bắt giữ bọn tội phạm giết người hàng loạt. Sau khi tốt nghiệp Khoa Tâm lý của Viện đại học Sydney, Amanda chuyên tâm vào nghiên cứu tâm lý của tội phạm giết người hàng loạt. Hiện cô là chuyên viên tội phạm học độc lập, cộng tác viên của Bộ Nội vụ Úc

Văn Hoà (theo New Idea)
.
.
.