Nỗi oan của loài chim ô tác

Chủ Nhật, 31/05/2009, 10:48
Ô tác thuộc bộ Sếu, chân có màu vàng nâu, đỉnh đầu màu đen nâu nhạt, mặt màu hung vàng, lưng vai và các lông cánh thứ cấp đen nâu nhạt, hai bên sườn có vằn đen. Sách đỏ Việt Nam ghi rõ "ô tác có cách thức thể hiện mời gọi quan hệ tình dục lạ mắt" và chính vì điều này mà người xưa còn xem ô tác là loài chim dâm dật.

Trên cánh đồng lầy lội ở vùng rốn lũ Đồng Tháp, nắm ngược hai chân con cò đã xụi lơ, gã thợ săn tiếc rẻ: "Đau thiệt! Tui ngắm con ô tác kề bên ai ngờ trúng cái giống cẳng cao cổ dài này. Hàng hiếm dâng tận miệng vậy mà lệch nòng. Đúng là chưa tới số hưởng!".

Bắc có sâm cầm - Nam có ô tác

Trong số 3 loài chim quý bị người đời liệt vào nhóm "tăng lực" gồm công, sâm cầm và ô tác, chỉ có 2 loài nằm trong danh sách tiến công cho vua chúa ngày trước tẩm bổ là công và sâm cầm. Riêng ô tác thì chưa thấy thư tịch nào đề cập. Dầu vậy, loài chim này hiện đang được giới ăn chơi trong Nam ngoài Bắc đánh giá cao và truy lùng khốc liệt nhất.

Động tác giao hoan kỳ quái liên tục gập mình trong mùa tình ái của con đực là một trong những nguyên nhân chính đã làm hại cả giống nòi. Giới ăn chơi cho rằng ăn thịt, uống rượu ngâm chân ô tác sẽ "gập dẻo dai như nó" nên thoải mái vung tiền, tung quân thỉnh chim quý về tư gia bày tiệc.

Ô tác thuộc bộ Sếu, chân có màu vàng nâu, đỉnh đầu màu đen nâu nhạt, mặt màu hung vàng, lưng vai và các lông cánh thứ cấp đen nâu nhạt, hai bên sườn có vằn đen. Sách đỏ Việt Nam ghi rõ "ô tác có cách thức thể hiện mời gọi quan hệ tình dục lạ mắt" và chính vì điều này mà người xưa còn xem ô tác là loài chim dâm dật.

Không như các loài chim trời khác có thể nuôi nhốt, với lối sống hoang dã mang tính bầy đàn cao nên dù rất dày công thuần phục, chăm bẵm nhưng giới chơi chim cảnh đất Sài thành đến nay vẫn chưa ai nuôi thành công ô tác trong cảnh chim lồng cá chậu.

Tại Công viên Tao Đàn, nghệ nhân sinh vật cảnh Vũ Hán Trung bật mí: "Trước đây có vài người may mắn bắt được ô tác. Thay vì bán cho dân sưu tập hoặc giới "tráng dương" đút túi cả ngàn đô thì họ quyết tâm nhân giống loài này. Chỉ sau vài ngày bị cầm tù, mấy con chim chết thẳng cẳng vì không chịu ăn uống gì cả".

Bộ lông chim giá bạc triệu.

Một đại gia trong lĩnh vực hàng may mặc "vừa chơi chim vừa ăn chim" chỉ rõ: "Nếu như sâm cầm - loài chim theo truyền thuyết chỉ ăn sâm mà sống - được xem là "chim sung" ở phương Bắc thì thằng ô tác mới là ứng cử viên số một cho danh hiệu này ở đất phương Nam. Chứ không phải loài chim công như lâu nay người ta lầm tưởng".

"Giá nào cũng chơi!"

Thường xuất hiện vào mùa khô (tháng 5-6 âm lịch hằng năm), theo nhà chim học Nguyễn Cử, ô tác là loài làm tổ trên mặt đất, ăn tạp. Với đôi chân to khỏe có các ngón lớn và sải cánh dài, rộng, ô tác có lợi thế đi lại dễ dàng trên các vùng sinh cảnh cũng như bay rất nhanh.

Trên thế giới, hiện chỉ thấy loài "chim sung" này tại Campuchia, Ấn Độ và Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhất là tại vùng đồng cỏ ở Tràm Chim - Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) hiện đang là điểm ngắm của dân chơi và giới phường săn vì thi thoảng vẫn hiện hữu bóng ô tác.

Trên cánh đồng năng ở xã Phú Thành B, Trong lúc ngồi nghỉ chân chờ mối đến lấy hàng, nghe hỏi về "ô tác", đám thợ săn chim trời lắc đầu. Chỉ khi nhìn tấm hình con vật tôi đưa, cả thảy thốt lên: "Dân địa phương gọi nó là công đất hay công sấm. Hiếm lắm ông ơi. Thằng này ai may mắn bắt được nó sẽ thành triệu phú đấy!".

Nói về công sấm, ông Hai Sậu, một lão nông tri điền nhớ lại thuở hoàng kim: "Tràm Chim - Tam Nông là xứ của thằng này. Trước năm 1994, do là chim trời cá nước không được quản lý nên mạnh ai nấy bắn, bẫy tự do. Sau khi nơi đây thành lập khu bảo tồn rồi lên vườn quốc gia thì tình hình tạm ổn. Nhưng khi đó thì công đất chẳng còn bao nhiêu. 2 năm trước, nghe đâu có người ở xã Phú Đức nhờ bắt được con công đất mà mua được chiếc xe máy xịn!".

Hiện tại, dù công đất gần như biệt tích nhưng ông Sậu và cánh thợ săn chim cò ở Tam Nông vẫn nuôi hy vọng trúng số độc đắc. "Dân thành phố chạy ôtô xuống đây hỏi công đất hoài chứ gì!" - ông Sậu chép miệng: "Công đất mà đem xáo măng hay nướng muối ớt vừa ngon nhức nhối vừa tăng lực thấu trời nên giá nào mấy ổng cũng chơi. Nhưng đời này, đâu phải hễ có tiền là muốn gì cũng được".

Loài chim có số phận nghiệt ngã

Theo Giáo sư Võ Quý, thế giới có hơn 20 loài chim ô tác gồm ô tác đen, ô tác đuôi trắng, ô tác Đại Ấn, ô tác bụng đen, ô tác mào nâu sẫm, ô tác mào đỏ… Trong số đó, ô tác Bengal (còn gọi là ô tác Nam Á) là loài chim ô tác duy nhất có mặt tại Việt Nam. Đồng thời cũng là loài có số phận lâm nguy nhất trong các loài ô tác trên thế giới.

Sách đỏ Việt Nam nhấn mạnh: "Ô tác thích sống thành bầy đàn nhưng chúng rất thận trọng. Do vậy rất khó tiếp cận được khu vực sinh sống mà chúng ưa thích". Vấn đề ở chỗ loài này được xem là tuyệt chủng cục bộ tại Việt Nam "do bị mất môi trường sống và bị săn bắt bừa bãi, thậm chí ngay tại các khu vực mà về mặt danh nghĩa chúng được bảo vệ".

Theo ghi nhận của chúng tôi, những năm gần đây, do được bảo vệ nghiêm ngặt nên Vườn quốc gia Tràm Chim - Tam Nông đã thấy lác đác bóng ô tác. Sự trở lại của loài chim quý hiếm này được xem là tín hiệu vui, nhưng cũng đồng thời dấy lên làn sóng truy bắt công sấm tuy ngấm ngầm nhưng vô cùng khốc liệt.

Nhiều mục đồng mà chúng tôi tiếp xúc tại các miệt Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ thật lòng nói: "Nghe đồn giới sưu tập rất máu có được bộ lông vũ của loài này vì nó vừa đẹp, quý hiếm và nhất là có nó trong tư gia sẽ tích tụ được dương khí, giúp gia chủ luôn sung sức, khỏe mạnh. Bởi vậy nên chỉ là nhúm lông thôi cũng có người sẵn sàng trả vài triệu bạc. Ngon ăn vậy thằng thợ săn nào không kết mới lạ"

N.T. Dũng
.
.
.