Những con vật hiến máu… cứu người

Chủ Nhật, 09/08/2009, 16:56
Mỗi tháng một con ngựa tại Trại chăn nuôi Suối Dầu lấy máu một lần, khoảng 3 đến 4 lít máu. 20% huyết tương trong bình máu nổi trên bề mặt sẽ được tách ra, đóng chai và vận chuyển bằng xe chuyên dụng về ở Nha Trang để các nhà khoa học điều chế loại huyết thanh đã chọn từ khi tiêm kháng nguyên cho ngựa.

Trông dáng dấp bề ngoài cũng giống như những con ngựa chiến phi nước đại trong nhiều bộ phim Trung Quốc hay ngựa thồ hàng ở những vùng cao, ngựa kéo xe lọc cọc ở một vài vùng quê và ngựa cảnh dành cho du khách chụp ảnh lưu niệm ở những cánh rừng thông trên cao nguyên Đà Lạt. Chỉ khác một điều duy nhất là những con ngựa mà tôi đã gặp ở Trại chăn nuôi Suối Dầu thuộc Viện Vaccin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) thuộc Bộ Y tế được nuôi dưỡng như những đứa "con cưng" để thực hiện một sứ mệnh cao cả duy nhất là… hiến máu cứu người.

"Đại bản doanh" của đàn ngựa này là một khu đất thoai thoải, trải rộng trên diện tích 125ha ở thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa - cách thành phố biển Nha Trang về hướng Tây Nam hơn hai chục cây số. Dù là nơi chuyên nuôi ngựa và một số súc vật thí nghiệm khác như thỏ, chuột, nhưng do đặc thù riêng của một cơ sở phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học về y tế, nên bị ràng buộc bởi một quy chế hết sức nghiêm ngặt, không phải ai cũng có thể được phép vào đó một cách dễ dàng, dù chỉ để tham quan.

Biết vậy nên trước khi lên Suối Tân để thăm trại chăn nuôi Suối Dầu, tôi chủ động gõ cửa phòng làm việc của Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hiệp - Viện trưởng IVAC ở 09 Pasteur, phường Xương Huân, thành phố Nha Trang.

Sau khi có ý kiến của vị Phó giáo sư có gương mặt phúc hậu, nhưng rất trực tính và chuẩn mực trong công việc hành chính lẫn nghiên cứu khoa học, tôi lên xe ôtô của IVAC trực chỉ xã Suối Tân trong buổi sáng cuối tháng bảy đầy nắng gió. Chừng như đã nhận được "phôn" của ông Viện trưởng, nên kỹ sư nông học Trần Văn Tửu - Trưởng Trại chăn nuôi Suối Dầu rất nhiệt tình khi đưa chúng tôi tham quan từng phân khu chuyên biệt.

Trên thảm cỏ xanh mướt mát cạnh những dãy chuồng vách xây, mái ngói là đàn ngựa hơn 300 con đang nhẩn nha dạo bước thong thả, cách đó không xa là vườn rừng bạch đàn nối tiếp dãy núi vươn dài hình vòng cung tạo nên một khu biệt lập trông rất thoáng đãng. Khách lạ lần đầu tiên tới đây ít ai có thể biết 113 năm về trước, sau khi bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ Alexandre Yersin - nhà khoa học của nhân loại chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai của mình, ông đã xây dựng Trại chăn nuôi Suối Dầu vào giữa năm 1896 để phục vụ hoạt động… thú y.

Từ đó cho tới nay dù đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, nhưng cơ sở này vẫn tồn tại và phát triển với mục đích phục vụ sự sống cho con người thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học sản xuất nguyên liệu điều chế các loại vaccin và kháng huyết thanh phòng ngừa, điều trị các loại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao, thương hàn, kháng dại, kháng rắn hổ đất, rắn lục tre…

Gắn bó với cơ sở này hơn hai chục năm nay nên kỹ sư Tửu thông thuộc hết mọi chuyện ở đây. Với cách kể chuyện khá dí dỏm, ông so sánh: "Nếu như trong an toàn vệ sinh thực phẩm, giới chuyên gia nông học và y tế dự phòng luôn đề cập đến "rau sạch", thì ở đây "ngựa sạch" là tiêu chuẩn bắt buộc phải được chú trọng kiểm định từ khâu tuyển chọn ngựa đến quá trình nuôi dưỡng và khai thác huyết thanh". Dù tiếp nhận từ nguồn nào, nhưng ngựa nhập trại phải đạt tiêu chuẩn 4 đến 6 tuổi, trọng lượng 230kg trở lên và phải qua một cuộc tổng kiểm tra sàng lọc nghiêm ngặt về sức khoẻ với các yêu cầu đặt ra là không bị dị tật bẩm sinh, không mắc bệnh ngoài da, không có ký sinh trùng đường ruột và phải đạt các chỉ số tối thiếu về hồng cầu, bạch cầu.

Những con ngựa luôn được kiểm định sức khoẻ nghiêm ngặt trước khi nhập trại.

Những con ngựa được "xét duyệt" nhập trại phải đưa vào diện cách ly đàn ngựa trong trại thời hạn nửa năm và được các bác sĩ thú y xác lập hồ sơ theo dõi sức khoẻ, tâm lý, chỉ định chế độ nuôi dưỡng từng thời kỳ, nếu là ngựa đực còn phải bị "thiến" để đảm bảo các yêu cầu về sức khoẻ và tránh "quấy rối".

Sau thời hạn đó, ngựa có đủ tiêu chuẩn khai thác huyết thanh sẽ được "đóng" mã số trên thân phù hợp với hồ sơ đã được xác lập để tiện việc quản lý trước khi đưa vào hòa nhập với đàn ngựa chính.

Ngoài chi tiết này, quan sát kỹ đàn ngựa ở đây, tôi nhận ra ở chúng có một nét chung ở vùng lưng và cổ có những vết cạo lông. Giải thích về sự ngạc nhiên của tôi, kỹ sư Lê Bá Bút - Tổ trưởng tổ khai thác và xử lý huyết thanh thô cho biết, đó là dấu vết của những lần tiêm kháng nguyên cho ngựa và lấy máu để sản xuất huyết thanh.

Sau khi tiêm kháng nguyên cho ngựa để tạo kháng thể chống lại độc tố một loại bệnh theo chỉ định trước, hai tháng sau mới có thể lấy máu ngựa. Con ngựa nào đến lượt tiêm kháng nguyên hay lấy máu đều được bác sĩ thú y kiểm tra tình trạng sức khoẻ trước khi công nhân "dẫn giải" vào những rọ sắt được xây lắp khá kiên cố ở một căn phòng rộng chừng ba chục thước vuông và phải buộc đầu bằng sợi dây thừng không để ngựa vùng vẫy. Phần việc kế tiếp do kỹ thuật viên thực hiện từ khâu cạo lông trên cổ hoặc lưng, đến thao tác chọc chiếc kim to và dài vào tĩnh mạch.

Máu tươi từ trong cơ thể ngựa theo ống dẫn nối với đuôi kim chảy vào bình nhựa đặt bên trong phòng lạnh ở nhiệt độ 16 đến 18 độ C. Mỗi tháng lấy máu một lần với liều lượng từ 1 đến 1,5% trọng lượng cơ thể, tương ứng 3 đến 4 lít máu. Ba giờ sau đó, 20% huyết tương trong bình máu nổi trên bề mặt sẽ được tách ra, đóng chai và vận chuyển bằng xe chuyên dụng về Trung tâm IVAC ở Nha Trang để các nhà khoa học điều chế loại huyết thanh đã chọn từ khi tiêm kháng nguyên cho ngựa. 80% còn lại là hồng cầu sẽ được pha thêm 20% dung dịch PBS để "trả lại" qua đường tĩnh mạch ngay trong ngày hôm đó cho chính con ngựa đã hiến máu.

Điều đáng nói là quy trình kỹ thuật sản xuất huyết thanh thô ở Trại chăn nuôi Suối Dầu đã được kiểm soát bởi hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000, vì thế từ kỹ thuật viên đến công nhân đều phải thuộc nằm lòng quy trình chuẩn trong sản xuất để thực hiện tốt công việc được giao.

Hôm tôi lên Trại chăn nuôi Suối Dầu đúng vào thời điểm 10 con ngựa đến lượt hiến máu trong buổi sáng. Nhìn những thao tác nhanh gọn của kỹ thuật viên Nguyễn Tăng Đức khi chọc kim vào tĩnh mạch ba con ngựa mang số 695, 700 và 740, tôi dò hỏi mới biết anh đã gắn bó với công việc này gần 30 năm... Và mỗi năm cơ sở này sản xuất từ 8.000 đến 10.000 lít huyết thanh thô.

Dưới nắng trưa như rót mật, chúng tôi đi về phía Nam Trại chăn nuôi Suối Dầu. Ở đó là một khu vực cách biệt có hàng chục dãy chuồng ngựa được xây dựng với cấu trúc vách xây, mái ngói, mỗi dãy có 20 ô. Dù thiết kế giống nhau, nhưng chưa bao giờ con ngựa này vào nhầm lẫn ô của ngựa khác.

Nói tới tiêu chuẩn khẩu phần và đời sống sinh hoạt thường nhật của ngựa, kỹ sư Tửu cho biết, một ngày mỗi con ngựa được cung cấp từ 15 đến 18kg cỏ tươi và 2,5 đến 3kg thức ăn tinh chế từ cám, gạo, ngô, đậu. Đúng 6h đến 6h30’ sáng mỗi ngày, nhân viên thú y đến từng ô để kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt từng con ngựa. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường nào đó, hoặc khẩu phần ăn còn thừa, thì con ngựa đó được lưu lại chuồng để chẩn đoán và điều trị.

Con ngựa nào đến lượt hiến máu cũng phải tách riêng để đưa vào khu vực khai thác huyết thanh, số còn lại được thả ra bãi cỏ rộng để công nhân thu dọn vệ sinh chuồng trại, lấy nước, chuẩn bị thức ăn tinh. Đúng 10h đàn ngựa về chuồng theo một tín hiệu riêng. Buổi chiều, ngựa được tắm rửa vệ sinh, cắt bờm và ăn cỏ tươi.

Ngoài cỏ ống, cỏ voi còn có cỏ Para nhập từ nước ngoài về trồng trên diện tích hơn chục ha, do 10 công nhân đảm nhiệm tưới nước, cắt cỏ bằng máy, đảm bảo lượng cỏ tươi cung cấp cho đàn ngựa một ngày từ 4 đến 5 tấn. Vất vả nhưng vẫn có nhiều người kiên nhẫn gắn bó với nghề trồng cỏ, chăm sóc ngựa trên dưới 20 năm nay như các ông Võ Ninh, trú ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm; Trần Văn Đền, trú ở xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh.

Trong đời thường tuổi thọ mỗi con ngựa từ 50 đến 60 tuổi, còn ngựa ở đây dù được chăm sóc theo một chế độ đặc biệt từ bữa ăn đến giấc ngủ như những đứa "con cưng" như thế, nhưng tối đa cũng chỉ tồn tại 10 năm rồi chuyển sang "thanh lý" để nấu cao mang thương hiệu "Cao xương ngựa IVAC", vì sau thời gian đó ngựa không còn khả năng phục vụ yêu cầu sản xuất huyết thanh đạt chất lượng.

Lấy máu ngựa để chọn lọc huyết thanh.

Kỹ sư Tửu bảo: "Chúng tôi không quảng bá nhiều về cao xương ngựa IVAC, vì chức năng nhiệm vụ chính của cơ sở này là chăn nuôi ngựa để sản xuất các loại huyết thanh thô, còn cao ngựa là sản phẩm phụ không thể loại bỏ sau khi thanh lý ngựa. Có điều là cao xương ngựa IVAC được tinh luyện từ nguồn xương ngựa nguyên chất, kết hợp ứng dụng các phương thuốc cổ truyền dân tộc và công nghệ tiên tiến để có được sản phẩm tốt nhất. Quá trình sản xuất cũng được kiểm soát bởi hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000. Công dụng chính của loại cao này bổ dương, ích khí, mạnh gân xương cơ, dùng cho các trường hợp suy nhược, người bệnh mới dậy, người già xương yếu, thoái hóa, phụ nữ sau khi sinh, trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng…".

Nghe kỹ sư Tửu giới thiệu về cao xương ngựa một cách sành điệu, tôi chợt hiểu vì sao vị kỹ sư nông học, cử nhân quản trị kinh doanh này viết, vẽ trên tấm bảng trong phòng làm việc của mình những thông tin liên quan đến âm dương, ngũ hành tương sinh, tương khắc…

Tạm biệt kỹ sư nông học Trần Văn Tửu cùng các đồng nghiệp của anh ở Trại chăn nuôi Suối Dầu khi ánh chiều gieo những giọt nắng vàng vọt xuống ruộng cỏ xanh. Hình ảnh những con "ngựa sạch" có đôi mắt đen ẩn chứa nét buồn lặng lẽ bước vào rọ sắt để tiêm kháng nguyên hay hiến máu khiến tôi thật sự chạnh lòng khi nghĩ tới cuộc sống ngắn ngủi của chúng. Bất chợt tôi lại hình dung nếu như không có những con "ngựa sạch" để sản xuất huyết thanh, thì sinh mệnh của những người không may bị nhiễm vi trùng uốn ván từ một vết thương hay bị chó dại, rắn độc tấn công sẽ rơi vào tay… tử thần.

Góp phần vào sự sống của nhân loại là những con "ngựa sạch" luôn vô tư với thời gian tồn tại ngắn ngủi để mang lại cuộc đời dài cho con người. Nếu như danh nhân Beethoven nhìn nhận: "Tuổi thọ đời người chỉ tính bằng thời gian, giá trị đời người tính bằng sự cống hiến", thì sự cống hiến của những con "ngựa sạch" ở Trại chăn nuôi Suối Dầu cũng không kém phần giá trị và giàu ý nghĩa

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.