Những bí mật về người đầu tiên bước ra khỏi tàu vũ trụ

Thứ Ba, 12/04/2005, 08:06

Chuyến bay của tàu Rạng đông-2 với hai công dân Xôviết Pavel Belaev và Aleksei Leonov kéo dài hơn một ngày đêm, được coi là một trong những chuyến bay căng thẳng và phức tạp nhất trong lịch sử hàng không vũ trụ.

Ngày 18/3/1965 Aleksei Leonov, phi công vũ trụ Liên Xô, trở thành người đầu tiên trên thế giới với tàu vũ trụ Rạng Đông 2 (Voskhos-2) bước vào khoảng không gian bao la, trong khoảng thời gian 12 phút 9 giây. Sự kiện  này có tầm quan trọng thứ hai sau chiến công của Yuri Gagarin,  được ghi vào lịch sử chinh phục không gian vũ trụ của Liên Xô và của cả thế giới.

Đúng 10 giờ sáng (giờ Moskva) ngày 18/3/1965, con tàu vũ trụ do Thượng tá Pavel Belaev chỉ huy và phi công thứ hai là Thiếu tá Aleksei Leonov đã được phóng lên từ sân bay vũ trụ Baikonua, trước Mỹ 10 ngày (Mỹ có kế hoạch đưa người ra khoảng không vũ trụ vào ngày 28/3/1965).

Trục trặc đầu tiên xảy ra ngay trước khi phóng con tàu. Sáng ngày 17/3/1965, con tàu và tên lửa đẩy đã được đặt trên bệ phóng. Bên cạnh con tàu người ta dùng tời có chốt cài để treo một âu tàu 2m. Trong vòng một ngày đêm, người ta thực hiện việc kiểm tra độ kín của tàu. Người lính bảo vệ không biết làm gì để giết thời gian đã vô tình dùng ngón tay đập vào dây cáp, chốt cài hãm bung ra và âu tàu rơi xuống vỡ tan. Không có âu tàu dự trữ nên người ta phải cấp tốc sử dụng âu tàu mà các nhà du hành vũ trụ vẫn tập luyện để thay thế.

Quá trình phóng con tàu diễn ra bình thường. Theo những người trực tiếp tham gia phóng con tàu kể lại, thì 40 giây đầu tiên sau khi rời bệ phóng tưởng chừng dài vô tận vì nếu trong vòng 40 giây ấy mà xảy ra sự cố thì không có cách gì có thể cứu được phi hành đoàn. Con tàu đã vào quỹ đạo định trước đạt độ cao 497,7 km, một độ cao mà trước đó chưa một vật thể bay có người lái nào đạt được.

Khi “Rạng đông-2” ở trạng thái bay tự do thì Leonov và Belaev bắt đầu chuẩn bị các thí nghiệm. Vào đầu vòng bay thứ hai tiến hành làm hở hoàn toàn khoang âu tàu và sau 6 phút, tức là vào lúc 11 giờ 34 phút, Leonov từ khoang âu tàu bước vào khoảng không vũ trụ. Việc làm này diễn ra không mấy khó khăn và bắt đầu thực hiện khi bay trên Biển Đen và kết thúc khi bay trên quần đảo Sakhalin. Chỉ huy con tàu Balaev luôn theo dõi và giữ mối liên lạc thường xuyên với Leonov qua máy quay têlê. Leonov bay lượn trong vũ trụ, mấy lần quay ngang quay ngửa, khi tiến gần tàu, khi bơi ra xa tới 5m (hết chiều dài của dây cáp nối Leonov với con tàu). Trong khi đó “Mặt đất chỉ nghe báo cáo ngắn gọn của Amax-2 (tín hiệu của Leonov): “Mọi việc thực hiện theo kế hoạch. Amax-2 chuẩn bị trở lại con tàu”.

Chính lúc này xuất hiện các trục trặc không lường trước được. Bản chỉ dẫn ghi rõ là khi quay trở về con tàu phải đưa chân vào trước, đầu vào sau. Leonov cố kéo mép nắp cửa nhưng không sao vào được âu tàu, hóa ra bộ quần áo phi công vũ trụ đã phồng không đều do áp lực dư thừa và trở nên rất cứng. Trong khi đó chỉ còn 6 phút nữa là con tàu đi vào vùng tối của trái đất. Bỏ qua những điều đã ghi trong bản hướng dẫn, không báo cáo sự cố xuống mặt đất, Leonov giảm áp suất xuống hai lần, chỉ còn 0,27 átmốtphe. Bộ quần áo phi công vũ trụ giảm dần kích thước và Leonov thử cho đầu vào trước khi trở vào âu tàu. 11 giờ 47 phút, Leonov đã vào được âu tàu.

Trong thời gian xoay người như vậy tải trọng tăng rất lớn. Nhịp tim lên đến 190, nhiệt độ thân thể tăng chỉ còn cách chỉ giới chấn động nhiệt vài phân độ. Mồ hôi ướt đẫm đến mức nước lõng bõng trong bộ quần áo phi công vũ trụ. Khi cửa đã đóng lại thì Leonov lại vi phạm nội quy: đã bỏ ngay mũ đội đầu không đợi cho đến khi con tàu kín hoàn toàn. Trong thời gian thí nghiệm kéo dài 1,5 giờ, Leonov sút mất 6kg.

Từ khi mở nắp âu tàu cho đến khi đóng lại, Aleksei Leonov đã ở ngoài không gian 23 phút 41 giây. Nhưng thời gian chỉ được tính từ khi ra khỏi khoang âu tàu cho đến khi quay lại là 12 phút 9 giây.

Sau khi trở lại khoang tàu, hai nhà du hành vũ trụ tiếp tục thực hiện các thí nghiệm theo chương trình chuyến bay. Nhưng những nguy hiểm mới chỉ bắt đầu. Tại vòng bay thứ 13 áp lực trong các bình chứa trong khoang tàu giảm đột ngột, từ 75 xuống còn 25 átmôtphe. Nếu tiếp tục giảm nữa có thể làm cho con tàu bị hở hoàn toàn, nhưng may là điều này đã không xảy ra.

Theo kế hoạch thì việc hạ cánh con tàu sẽ diễn ra bằng chế độ tự động. Trước khi hạ cánh cần phải tách khoang âu tàu ra khỏi con tàu. Phi hành đoàn đã thực hiện những công việc cần thiết. Khi tách khoang âu tàu bất ngờ xảy ra một cú va đập rất mạnh làm con tàu quay theo hai mặt phẳng. Điều đó dẫn đến gia tốc góc không tính trước, làm hỏng hệ thống định hướng và hệ thống ổn định tự động. Và cũng vì thế không thể tự động mở động cơ hãm. Buộc phải hãm con tàu bằng tay. Nhưng lúc đó hàm lượng ôxy trong khoang tăng gấp 6 lần. Chỉ cần một tia lửa nhỏ phát ra giữa các tấm tiếp điểm điện có thể gây cháy và nổ. Các nhà du hành vũ trụ đã gặp may: không xuất hiện một tia lửa nào. Nhưng sự cố vẫn tiếp tục diễn ra. Lần này van mất độ kín làm việc. Và đội bay lại gặp may vì họ đều mặc quần áo phi công vũ trụ.

11 giờ 19 phút ngày 19/3/1965, tại cuối vòng bay thứ 18, Belaev dùng tay mở hệ thống định hướng và cho động cơ hãm làm việc. Anh là người đầu tiên trên thế giới buộc phải dùng tay hãm con tàu vũ trụ mà không dùng hệ thống tự động. Thực tế, Belaev đã mò mẫm đưa con tàu vào quỹ đạo cần thiết. Bản thân việc hạ cánh dù diễn ra theo chế độ thủ công nhưng thực tế con tàu đã không được điều khiển. Do đó không thể nói đến việc con tàu được hạ cánh xuống một địa điểm đã định trước tại vùng đồng cỏ Kazakhstan như các hãng thông tấn đã đưa tin khi đó. Khi hạ cánh lại xảy ra một sự cố nữa là lúc tiếp cận khoang tàu với động cơ thì một sợi dây cáp không bật ra và con tàu bắt đầu quay như chong chóng. Cuối cùng thì sợi cáp đó cháy trong lớp không khí dày đặc. Ở độ cao 7km khoang tàu mới ổn định trở lại.

Cách mặt đất 1,5m hệ thống hạ cánh nhẹ nhàng nằm trong khoang đổ bộ làm việc. Tốc độ rơi còn 2-3 m/giây, và lúc 12 giờ 2 phút ngày 19/3/1965, tàu vũ trụ Rạng Đông-2 cùng hai nhà du hành vũ trụ đã hạ cánh xuống vùng rừng Taiga rậm rạp, heo hút.

Lúc tiếp đất, tàu Rạng Đông-2 bị kẹp giữa hai cây lớn. Cánh của ô cửa bị ngọn cây chắn nên không mở được hết. Các nhà du hành vũ trụ cần phải mở được cửa và thoát ra ngoài ngay sau khi hạ cánh nếu không nhiệt của vỏ tàu bị cháy sẽ truyền nhanh vào trong làm cho nhiệt độ trong khoang tăng lên rất nhanh, có thể lên tới 200oC sau 10-15 phút, và họ đã phát hiện ra nơi con tàu hạ cánh là một vùng cách thành phố Perm 180km về phía tây bắc.

Ngay sau khi hạ cánh đã có 4 máy bay AN-2 và các máy bay trực thăng cất cánh đi tìm con tàu. Ngoài ra, còn có các đội trượt tuyết tình nguyện cũng đi tìm họ. Sau lại buộc phải thành lập những đội đặc biệt đi tìm kiếm những người đi tìm bị thất lạc.

Mãi đến gần 17 giờ ngày 19/3 mới phát hiện được nơi con tàu hạ cánh. Nhưng không thể đưa các nhà du hành vũ trụ ra khỏi nơi đó vì quanh đó không tìm được một khoảng trống nào để máy bay trực thăng có thể hạ cánh. Việc dùng dây cáp để nhấc họ lên máy bay là không được phép. Các phi công phải thả xuống cho họ quần áo lông, rìu, súng, đạn bắn pháo hiệu và cả số lượng lương thực dự trữ bắt buộc cuối cùng. Cả đêm các máy bay cảnh giới trên bầu trời nơi con tàu hạ cánh.

14 giờ ngày 20/3/1965, người chỉ huy đội cấp cứu quân sự mới gặp được các nhà du hành vũ trụ. Hai ngày sau, khi phát biểu tại cuộc míttinh chào đón họ ở Moskva, Belaev nói: "Không gian bao la và tài nguyên thiên nhiên phong phú của vùng Perm đã gây cho chúng tôi những cảm xúc lớn lao”. Tại buổi báo cáo trước Ủy ban Nhà nước sau chuyến bay, Leonov đã có một báo cáo ngắn nhất trong lịch sử hàng không vũ trụ: “Trong không gian vũ trụ có thể sống và làm việc”.

Sau đó 10 năm, Aleksei Leonov, hai lần Anh hùng Liên Xô lại bay vào vũ trụ nhưng với tư cánh là chỉ huy con tàu “Sayuz-19”

Phạm Quang Huấn (tổng hợp từ các báo điện tử RU)
.
.
.