Nhiều giống cây nguyên liệu giấy cho năng suất, chất lượng cao từ ứng dụng công nghệ
Nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn sản xuất
Do đặc thù của đơn vị là phục vụ công nghệ sản xuất giấy, nên Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy luôn ưu tiên nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ nhằm tạo ra các giống cây trồng lâm nghiệp mới đáp ứng mục đích kinh doanh của ngành như: Bạch đàn, keo lai, keo hạt, hay công nghệ nhân giống hiện đại như nuôi cấy mô, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống, đáp ứng kịp thời nhu cầu cây giống trồng rừng của ngành giấy, cũng như của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Chỉ 5 năm (giai đoạn 2015 – 2020), Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy đã tiến hành 21 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước, 16 đề tài và 2 dự án cấp Bộ, 1 dự án cấp tỉnh Phú Thọ, 1 đề tài cấp Tổng công ty.
Nuôi cấy mô, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống |
Các nhiệm vụ khoa học công nghệ đều tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của Viện, như chọn tạo giống mới bạch đàn và keo; nhân các giống mới bằng phương pháp nuôi cấy mô để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất; các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, phòng trừ sâu bệnh hại, nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng cung cấp gỗ và nguyên liệu giấy.
Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy đã triển khai chọn và dẫn giống, lai giống để tìm ra những giống mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt, nhằm bổ sung nguồn giống cho quốc gia. Viện còn nghiên cứu thành công kỹ thuật lâm sinh thâm canh cao trong trồng rừng công nghiệp có năng suất cao, với năng suất bình quân của một số dòng bạch đàn mô, hom đạt từ 20 – 25 m3/ha/năm.
Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy cũng triển khai các nghiên cứu về mật độ trồng rừng, làm đất, phân bón, trồng rừng hỗn giao… Từ đó xây dựng được các quy trình trồng rừng thâm canh áp dụng cho các vùng trồng rừng nguyên liệu giấy.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống, Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy xây dựng chiến lược theo hướng nâng cao sức cạnh tranh về chủng loại, chất lượng sản phẩm, không ngừng hoàn thiện và đổi mới công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất lao động, hạ giá thành sản xuất.
Cây nguyên liệu giấy giống mới đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng của Vinapaco |
Ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh
Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy không ngừng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.
Những thành công trong việc nghiên cứu, chọn, tạo, nhân giống được áp dụng vào sản xuất, mỗi năm, Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy sản xuất từ 3 – 5 triệu cây mầm mô bạch đàn phục vụ nhu cầu trồng rừng trong ngành cũng như nhân dân. Ngoài ra, Viện còn tổ chức sản xuất tại chỗ 4 – 5 triệu cây con bằng mô, hom (bạch đàn, keo lai, keo hạt) đủ tiêu chuẩn xuất vườn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trồng rừng nguyên liệu giấy.
Viện luôn coi trọng việc thúc đẩy phát triển hợp tác tư vấn cho các cá nhân, tổ chức sản xuất cây giống trong vùng và cả nước về sản xuất cây con chất lượng cao từ 1 – 1,5 triệu cây. Hàng năm trồng từ 40 – 50 ha rừng trồng sản xuất theo hình thức thâm canh cao với năng suất sản lượng đạt 15 – 20 m3/ha/năm. Mỗi năm, khai thác gỗ nguyên liệu giấy từ 4.000 – 5.000 m3 phục vụ cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy.
Cây con sản xuất tại chỗ bằng mô, hom đủ tiêu chuẩn xuất vườn để trồng rừng nguyên liệu giấy. |
Với kết quả nghiên cứu của Viện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận thêm 3 giống cây mới của Viện là giống quốc gia, để đưa vào trồng rừng đại trà ở phía Bắc. 4 năm gần đây, quy trình nuôi cấy mô các giống bạch đàn vẫn được Viện nghiên cứu và từng bước hoàn thiện, ứng dụng vào sản xuất ngay tại đơn vị, góp phần thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của Viện. Cơ cấu sản phẩm cây giống của Viện đã có những bước dịch chuyển tích cực. Các giống mới có năng suất, chất lượng cao như bạch đàn, cự vĩ đã được đưa vào sản xuất, để thay thế các giống đã sử dụng nhiều năm nay, góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy thường xuyên bám sát nhu cầu thị trường, đẩy mạnh công tác tiêu thụ cây giống, đặc biệt là cây con trồng rừng trong thời điểm chính vụ.
5 năm qua, trung bình mỗi năm đơn vị sản xuất và tiêu thụ gần 5 triệu cây giống các loại. Cây giống do Viện Nghiên cứu Cây nguyên liệu giấy cung ứng ra thị trường đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng giống mới trong trồng rừng sản xuất ở vùng Trung tâm Bắc Bộ. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu nói chung luôn đi đôi với khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Giống cây sinh trưởng tốt, thích nghi với nhiều vùng thổ nhưỡng khí hậu, thời gian canh tác ngắn năng suất cao.