Nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm từ việc phun xăm trên da

Thứ Bảy, 23/11/2013, 10:45
Theo thống kê, trên địa bàn Hải Phòng hiện có gần 100 cơ sở thẩm mỹ, phun xăm trên da. Các chủ cơ sở chỉ cần trang bị máy phun xăm nhỏ và một số phụ kiện như: đầu bu lắp kim, kim xăm, mực máy và chum mực là có thể hành nghề.

Để có được hình xăm như ý, khách hàng phải trải qua những giây phút đau đớn về thân thể và tốn kém tiền bạc. Trong khi đó, việc phun xăm trên da còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Đội An ninh Y tế, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hải Phòng và Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương kiểm tra đột xuất cơ sở phun xăm nghệ thuật NH tattoo, địa chỉ tại số 244 phố Hai Bà Trưng, quận Lê Chân do Bùi Văn Năm, trú tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên làm chủ. Qua kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh và giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại mực, màu phun xăm.

Được biết, cửa hàng hoạt động từ tháng 8/2013 nhưng chưa được cấp phép đăng ký kinh doanh. Toàn bộ số mực, dụng cụ xăm của cơ sở này được mua qua mạng Internet của một cơ sở tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện cơ sở này sử dụng thuốc gây tê trong khi xăm. Đặc biệt, kim xăm không được xử lý vô trùng. Trước những sai phạm trên, Đoàn kiểm tra liên ngành đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở, lập biên bản, làm rõ nguồn gốc các thiết bị, mực phun xăm.

Xăm trên da tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Trước đó, chiều 6/11/2013, Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra đột xuất cơ sở xăm Hồng Kông, địa chỉ tại số 207A phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là Nguyễn Trương Tuyến, trú tại phường Đông Hải 1, quận Hải An không xuất trình được đăng ký kinh doanh. Đoàn thanh tra còn phát hiện một số phẩm màu, vật liệu xăm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn tiếng Việt. Chủ cơ sở in hình quảng cáo dịch vụ "xóa xăm" trên các bật lửa cầm tay phát cho khách hàng. Lao động duy nhất đang làm việc tại cơ sở là Asi, quốc tịch Trung Quốc không xuất trình được hợp đồng lao động, giấy phép lao động tại Việt Nam. Đoàn kiểm tra niêm phong, tạm giữ một số phẩm màu, mực màu, vật liệu phun xăm vi phạm của cơ sở để tiếp tục điều tra, làm rõ...

Các "kỹ thuật" được quảng cáo là xăm theo công nghệ mới nhất của nước ngoài này khiến nhiều khách hàng muốn thể hiện cá tính phải cắn răng chịu đựng đau đớn để các kỹ thuật viên trổ tài. Giá mỗi hình xăm không hề rẻ, dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Trước khi xăm hình, các kỹ thuật viên sẽ vẽ phác thảo hình lên trên da sau đó tiêm thuốc tê, dùng máy xăm, đổ mực vào ống kim rồi di máy xăm vào hình vẽ. Thời gian xăm phụ thuộc vào diện tích, các chi tiết của hình xăm trên cơ thể. Gần đây "công nghệ" xăm phát triển thêm loại hình xăm phát quang. Kiểu xăm này sử dụng một loại mực đặc biệt. Trong bóng tối, những hình xăm dần hiện ra rõ nét. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, các hình xăm trở lại màu nâu hoặc màu vàng lẫn với màu da nên rất khó nhận biết.

Theo các bác sỹ chuyên khoa da liễu, phun xăm tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh qua đường máu nếu dùng chung kim hoặc các dụng cụ xăm. Quá trình phun xăm là việc đưa mực màu vào lớp thượng bì (phun màu) hay vào sâu đến lớp hạ bì (xăm màu) của da. Các kỹ thuật viên sẽ dùng kim hay "bút xăm", nếu không đảm bảo vệ sinh về dụng cụ sẽ rất nguy hiểm. Sự thiếu cẩn trọng này có thể dẫn đến việc lây nhiễm các bệnh như: viêm gan B, viêm gan C, HIV... Trên thực tế, người xăm chỉ yêu cầu thay kim xăm (là phần tiếp xúc trực tiếp với da) mà bỏ qua việc vệ sinh máy xăm, kiểm tra chất lượng của mực xăm. Dịch vụ xăm thủ công thường dùng chung kim xăm. Nếu kỹ thuật viên dùng găng, bông không đảm bảo vô khuẩn thì khách hàng có thể bị nhiễm trùng, sưng nề vùng xăm. Khách hàng có thể bị dị ứng với chất màu đưa vào cơ thể gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng. Nếu dùng mực màu không rõ nguồn gốc rất dễ xảy ra dị ứng. Một số cơ sở tiêm thuốc tê để giảm đau trước khi làm. Nếu những thuốc này không được dùng đúng quy định có thể xảy ra nguy cơ sốc thuốc tê rất nguy hiểm. Hiện nay, nhiều phụ nữ phun xăm môi, xăm lông mày tại các cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Nhiều phụ nữ khám bệnh tại Khoa Da liễu trong tình trạng vết xăm môi, mắt phù nề, tấy đỏ, chảy máu, kết mủ.

Muốn xóa hình xăm, đưa da trở về trạng thái ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Muốn xóa vết xăm phải dùng laser màu với chi phí cao. Hiện nay, phương pháp hiện đại nhất ở Việt Nam là sử dụng máy laser CO2 để xóa nhưng vẫn để lại sẹo. Tuy nhiên, loại hình này hiện vẫn do các quận, huyện quản lý và cấp giấy phép kinh doanh. Do chưa được phân cấp quản lý về chuyên môn nên loại hình này chưa có các quy định, điều kiện, khung xử phạt cụ thể.

Hiện nay, các cơ sở phun xăm thẩm mỹ mọc lên khắp các ngõ ngách, phố phường và lan ra các vùng nông thôn. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ, các cơ sở thẩm mỹ phải đảm bảo công tác vệ sinh, an toàn. Tuyệt đối không dùng chung kim xăm, mực xăm cho khách hàng; bông gòn phải sạch, đeo găng tay trong suốt quá trình thao tác cho khách hàng. Kỹ thuật viên phải hướng dẫn khách hàng giữ vệ sinh, đảm bảo không bị lây nhiễm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phun xăm thẩm mỹ không đảm bảo các điều kiện vệ sinh y tế

Đăng Hùng
.
.
.