Nguy cơ dịch cúm A/H7N9 vào Việt Nam rất cao

Thứ Ba, 14/01/2014, 10:24
Ngày 9/1/2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức thông báo: đã có 152 ca nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 48 ca tử vong, đồng thời, thêm một ca tử vong do nhiễm virus cúm A/H5N1.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đáng lưu ý là toàn bộ số người bị nhiễm và tử vong do cúm A/H7N9 đều thuộc 14 tỉnh, thành của Trung Quốc. Riêng ca tử vong do cúm A/H5N1 là người Canada nhưng đã đến Bắc Kinh trước đó vài ngày. Chỉ trong  tháng 11 và 12/2013, đã có thêm 10 ca mắc mới. Số lượng các bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 tăng liên tiếp những tuần gần đây. Tại Hồng Kông và Đài Loan cũng cho biết, có trường hợp bệnh nhân trở về từ Trung Quốc lục địa. Tình hình báo động đến mức, Trung Quốc đã cho đóng cửa tạm thời chợ buôn bán gia cầm sống.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nguy cơ lây lan dịch cúm A/H7N9 sang Việt Nam rất cao. Tất cả các đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, đều có khả năng nhiễm cúm A/H7N9.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với dịch cúm A/H7N9 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW.

Ngày 13/1, PGS.TS Trần Đắc Phu còn cho biết: Ngay sau khi WHO công bố tình hình cúm A/H7N9, Bộ Y tế đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch Y tế tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ trường hợp người nhập cảnh đi từ vùng dịch vào Việt Nam; sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý đúng qui định. Các tỉnh cũng phải giám sát các trường hợp bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, các trường hợp mới từ vùng dịch về Việt Nam đều phải được theo dõi và có thể lấy mẫu để Viện Pasteur chẩn đoán. Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 trên gia cầm và thông báo kịp thời tình hình cho ngành Y tế để chống lây lan sang người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan, đặc biệt là lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan tăng cường quản lý thị trường, không chỉ ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới mà còn xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm không được kiểm dịch lưu thông, nhất là ở các chợ đầu mối.

Trong tình hình trên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần lựa chọn địa điểm du lịch phù hợp và chuẩn bị những thông tin, kiến thức cần thiết, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân trước khi đi. Điều quan trọng là luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế đi tới nơi có dịch bệnh và không tiếp xúc với gia cầm ốm, chết chưa rõ nguyên nhân.

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với dịch cúm A/H7N9 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW.

BS Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Tất cả các cửa khẩu: Hữu Nghị, ga Đồng Đăng, Tân Thanh và Chi Ma đều được tăng cường nhân viên để kiểm soát tốt việc nhập lậu; cập nhật thông tin của ngành nông nghiệp về dịch trên gia cầm. Tại các cửa khẩu quốc tế đều bố trí máy đo thân nhiệt từ xa và yêu cầu 100% khách nhập cảnh đi qua máy. Nếu phát hiện nghi ngờ, sẽ mời khách đến phòng cách ly để nghỉ ngơi trước khi đưa về Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng để điều trị cách ly và lấy mẫu về Viện Vệ sinh dịch tễ TW xét nghiệm.

Theo BS Lý Kim Soi, điều lo lắng hiện nay là gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam hầu như không được nhập qua đường chính ngạch, mà chỉ nhập lậu. Bên cạnh đó, mỗi ngày có khoảng 200-500 khách quốc tế nhập cảnh, trong đó, nhiều người đến từ vùng có dịch.

BS Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn cho hay: Công tác dự phòng cúm A/H7N9 ở nội địa cũng được tiến hành chặt chẽ. Mỗi tuần, Trung tâm đều lấy 5 mẫu nghi ngờ chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ TW xét nghiệm. Các cơ sở y tế được chỉ đạo chú ý các bệnh nhân bị sốt cao, viêm phổi nặng, để lấy mẫu bệnh phẩm. Ngành Y tế Lạng Sơn cũng đã tăng cường truyền thông về dịch cúm A/H7N9, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế và sẵn sàng các phương tiện phòng chống dịch.

Dạ Miên

Thanh Hằng
.
.
.