Người chịu phóng xạ vì mục đích quân sự của Lầu Năm Góc

Thứ Ba, 17/05/2005, 07:59

Ở thị trấn Los Alamos (tiểu bang California, Mỹ), hiện có một "người" không bao giờ ngủ. "Người" đó thở, làm việc, đổ mồ hôi, thải các cặn bã trong cơ thể ra, lớn lên, phát triển giới tính, già đi và một ngày nào đó sẽ chết. Đấy là một sinh vật "sống" duy nhất, lúc nào cũng "yên vị" trong căn phòng được vô trùng thuộc quần thể Phòng thí nghiệm quốc gia Hoa Kỳ.

Đó là Humtran - nguyên bản của cơ thể con người. Có những ai đó thường lo sợ rằng, rồi sẽ đến lúc nào đấy khoa học sẽ “ghép xác” cho nó trở thành một con người thật. Vẫn chưa tới ngày đó đâu. Humtran thật ra là một chương trình máy tính, nó không phải là người, không thể đi lại, cũng như không một ai có thể “trông” thấy. Nó ẩn trong máy tính điện tử. Thực ra nó là vật trừu tượng.

Dĩ nhiên, đó là vật trừu tượng nhất. Nhưng không chỉ như vậy. Sắp đến ngày (cái ngày mong đợi nhất ấy đáng ra phải đến rồi), Humtran sẽ trở thành một vật thể có thể nhìn thấy được. Còn giờ đây nó vẫn chỉ là “mẫu điện toán” về sinh vật người, được tạo ra vì mục đích nghiên cứu khoa học trong trường hợp có thảm họa hạt nhân. Humtran xuất hiện nhằm kiểm tra chính xác những gì sẽ tới với cơ thể con người, khi gặp phải tai nạn hạch tâm, nhất là sau các vụ tai nạn trong nhà máy điện nguyên tử như từng xảy ra tại Tree Mail Island (Hoa Kỳ, năm 1979) và Chernobyl (Ukraina, năm 1986). Thật ra với các vụ tai nạn nói trên, khoa học vẫn chưa thể lý giải được một điều: tại sao giới trẻ thường bị ảnh hưởng từ phóng xạ nhiều hơn là những người lớn tuổi dù rằng mức chiếu xạ đồng loạt trên cơ thể họ là như nhau.

Humtran được nghĩ đến ngay từ năm 1974 bởi một nhóm các nhà bác học, đứng đầu là giáo sư, tiến sĩ Anthoni Galegox khi họ được giao nhiệm vụ nghiên cứu những ảnh hưởng trực tiếp đối với con người sau các tai nạn nguyên tử. Mọi người bắt tay vào cuộc. Nhưng sau một thời gian ngắn phải ngưng lại bởi trong tự nhiên khó mà dựng được cảnh tương tự: gió mưa, giống người, tầm vóc, chế độ ăn uống, trạng thái sức khỏe... Tóm lại đòi hỏi quá nhiều yếu tố mà thực tế không đáp ứng nổi (khi đó chưa nảy ra dự án “Sinh cầu II”; còn người Nga, với 6 tháng thử nghiệm tại một viện khoa học tại Siberi mới chỉ đạt được tới 95% nhu cầu tự nhiên, 5% còn lại bắt buộc phải trợ giúp qua con đường nhân tạo). Mặt khác, độ phóng xạ trong điều kiện vũ trụ, tự nhiên khác xa với mức phóng xạ của một vụ tai nạn hạch tâm.

Do vậy kỹ thuật mới liền ra tay. Trường đại học Tổng hợp Missouri hơn 30 năm liền từng chuyên nghiên cứu về thể trạng con người. Người ta đã thu thập được một lượng thông tin khổng lồ mà cá nhân một con người có thể gặp trong suốt cuộc đời, ghi lại mọi điều thay đổi liên quan tới những tổn thương, tai nạn nhỏ nhất. Ví như điều gì sẽ xảy ra  đối với cơ thể một cá nhân bị một chiếc xe tải 2,5 tấn chạy với tốc độ 90km/giờ trong đêm mưa cùng các “điều kiện khách quan, tiêu biểu” được quy ước sẵn cán phải?

Los Alamos, người ta đã tạo ra một Humtran “hồi phục”: Người thử nghiệm, Người - theo chương trình ẩn vào các đĩa từ máy tính điện tử chứa vô số số liệu cấu thành cơ thể con người. Kể cả hàng chục triệu tế bào làm nên cơ thể sống, sinh ra hàng núi khổng lồ những vật thể sinh hóa. 30 nhà sinh vật học cùng các chuyên gia về kỹ thuật máy tính, nhóm người đã tạo ra Humtran khẳng định rằng, họ tuyệt đối không hề bỏ sót bất cứ điều gì liên quan đến đời sống con người từ sự thâm nhập bất ngờ của vi trùng hoặc virut gây mầm bệnh cúm, đến các bộ phận cơ thể bị nhiễm xạ sau những sự cố hạch tâm lớn... Tất cả đều được đưa vào bộ nhớ máy tính điện tử, thứ hệ thống làm nên “cuộc sống” của Humtran. Thật ra, như lời giáo sư Jate Venicel, một trong những nhà khoa học đã nghiên cứu ra “quả bom tế bào người” ấy thì “Humtran - đó là tất cả cộng đồng nhân loại chúng ta, cũng như từng cá nhân một. Nếu muốn, Humtran có thể nói cho bạn biết các nguyên nhân nào làm chúng ta khó bỏ được thuốc lá.

Như đã nói ở trên: Humtran không ngủ, mặc dù hằng ngày được dành một khoảng thời gian tương tự như giấc mơ. Ngoài ra, Humtran không có hệ thống tâm lý. Giáo sư J. Venicel khẳng định: “Việc ấy chẳng khó gì! Chúng tôi dễ dàng đưa vào một hệ thống tâm lý, nếu thấy cần, ngay ngày mai. Nhưng bây giờ chúng tôi chỉ quan tâm tới những trạng thái thể chất thuần túy. Chúng tôi thừa biết rằng, giá như nếu có hệ thống đó, đương nhiên là Humtran sẽ hoảng sợ, khi bị “phủ” bởi các luồng phóng xạ triền miên. Còn giờ đây khoa học chỉ muốn biết những gì sẽ ảnh hưởng tới cơ thể nó”.

Tất cả mọi thứ đưa vào cho Humtran - cũng giống y như với cơ thể con người: thức ăn, nước uống, không khí thở, phản ứng phụ, dị ứng... Humtran toát mồ hôi khi “sang” Sahara và lạnh cóng khi “sống” một giờ trong điều kiện Cực Bắc. Tất cả mọi thông số chính xác đều được các nhà khoa học lưu tâm. “Humtran sống giữa chúng ta - Giáo sư J. Venicel tiếp tục - Nó có mọi ưu điểm cũng như khuyết tật của con người. Ngoài ra, Humtran đâu có cô đơn, luôn có 6 “đồng nghiệp”  vây quanh nó”. Đó là 6 chương trình máy tính, tạo nên các điều kiện sống tự nhiên: “Chương trình khí hậu” bảo đảm cung cấp tất cả các dạng thời tiết trên trái đất, “Chương trình bức xạ” thể hiện mức phóng xạ trong bầu khí quyển, rồi chương trình về sự thay đổi của trạng thái thổ nhưỡng, về sự phát triển của muôn loài thực vật trên hành tinh, về sự đa dạng trong giới động vật toàn cầu và về trạng thái các khu rừng trên thế giới. Vừa có thêm “chương trình thứ 7” chuyên tạo ra các hồ nước sâu với rừng cây vi vu bao quanh nữa.

Như vậy, Humtran được đặt trong điều kiện tự nhiên của cuộc sống. Hằng ngày, từng phút một, xuất hiện những thay đổi nhỏ trong trạng thái cơ thể nó; đồng thời hệ cơ bắp cũng làm việc (qua chương trình phần mềm có thể khiến Humtran làm bất cứ việc gì); uống nước và những chất lỏng khác người như: ăn hoa quả, hạt dẻ, thịt, cá, các sản phẩm từ sữa... tất cả theo yêu cầu số lượng của thực nghiệm. Ngoài ra, Humtran còn hút thuốc, duy trì các mối quan hệ khác giới, thỉnh thoảng còn uống rượu, xô xát, giận dữ, gãi những chỗ bị ngứa v.v... Một vài người gọi đó là “dạng video-game”. Thực ra, Humtran là một dạng “NẾU” của con người, qua nó ta có thể hiểu được những gì sẽ xảy ra với nhân loại, NẾU như...

Giờ đây chúng ta được rõ mọi điều, khi có sự cố hạt nhân trong các lò phản ứng với cơ thể con người. Còn những thông số, xảy ra với dân chúng khi có chiến tranh hạch tâm, vẫn chưa được phổ biến (ở Los Alamos đầy sự bí hiểm). Nhưng chắc chắn rằng các báo cáo về chúng đang được bảo quản trong một tủ hồ sơ tuyệt mật nào đó. Giới trẻ, như từng đề cập ban đầu, xem ra bị nhiễm xạ nhiều hơn, vì một “đống” các nguyên nhân mà giờ đây vẫn chưa được tìm ra. Nhà vật lý học người Mỹ Steven O'Jery nhấn mạnh: “Vì tổ chức cơ thể của con người trẻ tuổi thường khỏe hơn, nên ít có những dấu hiệu “đau đớn - nhiễm xạ”, nhưng chính ra lại bị phóng xạ với số lượng lớn do “tiếp nhận” chúng nhiều hơn; ngược lại, cơ thể của người có tuổi sẽ nhanh chóng nhận ra ngay: như thể cảm thấy mình bị yếu đi nên liền huy động mọi khả năng tiềm ẩn có được, chống lại cái chết vô hình. Người lớn tuổi cũng dễ chết sau các sự cố, nhưng các trường hợp của họ diễn ra nhanh hơn, ít đau đớn hơn, thường không thấy được sự phát triển của chứng ung thư”.

Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos là một cơ sở cấp liên bang, nằm trong biên chế thường trực Bộ Năng lượng Mỹ, nhưng đội ngũ cộng tác viên khoa học được “chỉ đạo - điều tiết” chủ yếu từ Trường đại học Tổng hợp tiểu bang California. Cách bố trí cơ cấu như vậy, nên mọi chuyện xảy ra xung quanh Humtran dư luận xã hội đều biết. Do đó, khi người ta được biết Humtran có thêm “Chương trình hồ sâu”, một tờ báo ở California liền đặt câu hỏi: “Tại sao với cái vật kỳ lạ của kỹ thuật này, người ta lại không đi sâu nghiên cứu về y học đến mối họa hạt nhân?!”. Đến giờ chẳng có ai trả lời câu hỏi “để ngỏ” ấy; đồng thời Humtran vẫn liên tục bị “ném xuống” những luồng phóng xạ mới, cho tới khi nó thực sự giúp các giới nghiên cứu “tự xoay xở” được với các mục tiêu đề ra ban đầu. Mặt khác, cần lưu ý rằng Trung tâm Khoa học Los Alamos luôn làm việc trước hết vì các mục đích quân sự của Lầu Năm Góc

T.Q. Long (Theo Paraleli)
.
.
.