Nhóm nghiên cứu nữ đoạt giải Kovalevskaia:

Nghiên cứu thành công tế bào gốc điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu

Thứ Năm, 05/03/2015, 08:51
Bỏng, chấn thương giác mạc là con đường dẫn tới mù lòa sớm nhất. Cả nước có hàng trăm nghìn người bị hỏng giác mạc đang chờ ghép trong khi nguồn hiến tạng còn rất hiếm hoi. Đúng lúc này, người bệnh đã tìm thấy ánh sáng bởi một công nghệ nghiên cứu mới ra đời. Đó là thành quả của gần 10 năm nỗ lực không mệt mỏi, của một tình yêu cháy bỏng với đam mê khoa học, của một tấm lòng lương y đau đáu với sự sinh tồn của người bệnh, các nhà khoa học của Bộ môn Mô - Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết - Giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương đã nghiên cứu thành công việc sử dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu.

Dịu dàng, đằm thắm, PGS.TS Nguyễn Thị Bình, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Mô – Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài khoa học kể về quá trình nghiên cứu gần 10 năm đằng đẵng của mình và các đồng nghiệp bằng một chất giọng truyền cảm, ấm áp.

Điều khá ấn tượng với chúng tôi, đó là tập thể nghiên cứu gồm 16 thành viên là các PGS, TS, ThS, cử nhân, kỹ thuật viên thì có tới 13 là nữ.

Thành tựu của nhóm nghiên cứu đã mang lại ý nghĩa thực tiễn sâu sắc cho người bệnh, khiến chúng tôi, dù không phải người trong nghề nhưng cũng không giấu được niềm tự hào.

Thông thường, với bệnh nhân bị tổn thương ở giác mạc do chấn thương, bỏng, di truyền... ở cả 2 mắt thì các bác sĩ nhãn khoa sẽ ghép màng ối, nhưng đó chỉ là phương pháp tạm thời để chờ ghép giác mạc.

Ai cũng biết, để chờ ghép được giác mạc là cả một quá trình khó khăn và mòn mỏi, có người đã phải qua đời khi chưa được ghép giác mạc, rất nhiều trong số đó phải chịu cảnh mù lòa. Điều này làm cho các chị càng thêm quyết tâm phải tìm ra phương pháp điều trị mới.

Từ năm 2004, nhóm nghiên cứu đã lần mò và lên ý tưởng nuôi cấy thành công tấm biểu mô trên vỏ.

Thời kỳ này nhóm nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn do không có kinh phí. Các thành viên trong nhóm đã cùng nhau đóng góp tiền để phục vụ cho sự đam mê nghiên cứu khoa học.

Vạn sự khởi đầu nan của họ đã bắt đầu từ bộn bề trắc trở đó, và năm 2006 họ được phân công thực hiện hai đề tài: "Nghiên cứu nuôi cấy tế bào rìa giác mạc và ứng dụng trong điều trị một số tổn thương ở giác mạc" và "Nghiên cứu quy trình công nghệ tạo tấm biểu mô giác mạc người để điều trị tổn thương ở bề mặt giác mạc do bỏng".

Cả nhóm bắt tay ngay vào nghiên cứu phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào khác nhau: nếu bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt sẽ lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc bên mắt lành, nếu bệnh nhân bị tổn thương cả hai mắt sẽ lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng.

Sau khi nuôi tạo thành công tấm biểu mô sẽ ghép tự thân vào giác mạc cho bệnh nhân. Ghép tự thân là phương pháp rất hiệu quả, bệnh nhân không phải dùng thuốc để chống thải loại.

Các nhà khoa học nữ đang nuôi cấy giác mạc từ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm của Bộ môn Mô – Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thị Bình chia sẻ: "Đây là phương pháp mới đang được áp dụng trên thế giới và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Còn ở Việt Nam, phương pháp này hoàn toàn mới, chưa có đơn vị nào nghiên cứu và áp dụng. Các phương pháp hiện đang được sử dụng ở Việt Nam để điều trị tổn thương ở bề mặt nhãn cầu là ghép màng ối (chỉ mang tính tạm thời), ghép củng giác mạc tự thân (chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị tổn thương ở một bên mắt và mảnh mô lấy để ghép phải có kích thước lớn nên sẽ ảnh hưởng tới mắt lành), ghép củng giác mạc dị thân (bệnh nhân phải uống thuốc chống loại thải mảnh ghép suốt đời và mảnh ghép hay bị loại thải)".

Như vậy, so với các phương pháp trước đó thì phương pháp của nhóm nghiên cứu đã tiến xa hơn hẳn về nhiều mặt. Nên khi được giao thực hiện hai đề tài, mặc dù nguồn kinh phí rất hạn hẹp, hơn nữa nhiều loại hóa chất, môi trường, vật liệu không thể có được ở Việt Nam, nhưng dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Nguyễn Thị Bình, cả tập thể đã say mê nghiên cứu để khắc phục những khó khăn.

Sau 4 năm mầy mò với biết bao công sức, trí tuệ, có lúc tưởng chừng thất bại, thì năm 2007 lần đầu tiên nhóm đã nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ. Các tấm biểu mô này được ghép lại cho thỏ bị bỏng mắt đã cho kết quả tốt.

Và từ thành quả đó, nhóm tiếp tục nghiên cứu thành công trên người. Bệnh nhân được điều trị tổn thương giác mạc đầu tiên theo phương pháp này vào ngày 8/1/2008 và đã trở lại làm việc cho đến nay.

Trong 2 đề tài này, nhóm đã điều trị thử cho 5 bệnh nhân với tỉ lệ thành công 80%. Năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục cấp kinh phí để nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước "Nghiên cứu quy trình sử dụng tế bào gốc để điều trị một số bệnh của bề mặt nhãn cầu".

Các chị tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương cả một và hai bên mắt với tỉ lệ thành công từ 70-80%.

Có lẽ, thành công nhất là họ đã nuôi tạo tấm biểu mô hoàn toàn mới so với các tác giả trên thế giới.

Trò chuyện với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Thị Bình cho biết, các chị đã tìm ra quy trình rẻ hơn nhiều so với chi phí ở nước ngoài, ước tính là 1/10, khoảng 10-15 triệu đồng cho cả ca điều trị (15 bệnh nhân mà nhóm nghiên cứu đã ghép và điều trị vừa qua là hoàn toàn miễn phí) - một tin rất vui với người bệnh.

Mừng vui hơn cả khi chúng tôi được chị chia sẻ, hiện tại tập thể đang nghiên cứu quy trình nuôi cấy tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson, bước đầu có kết quả tốt, mang lại niềm hy vọng cho bệnh nhân.

Phương pháp này là lấy tế bào phôi nuôi lên và biệt hóa thành tế bào tiết ra các chất kích thích thần kinh: "Trên thế giới đang nghiên cứu và cũng đã được sử dụng ở một số nước. Nếu dùng thuốc người bệnh Parkinson chỉ được 5-6 năm là sẽ kháng thuốc, dùng tế bào gốc thì sẽ có rất nhiều hy vọng”.

Âm thầm nhả tơ, những nhà khoa học nữ đã miệt mài trong suốt gần một thập kỷ để dệt lên cho đời một thành tựu mới trong y học, mang đến cho người bệnh biết bao hy vọng để có được đôi mắt sáng.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng tôi xin chúc các chị luôn mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến trí tuệ, tài năng, tâm huyết cho nền y học Việt Nam nước nhà.

Từ khi thành lập (1985) đến nay, Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam đã lựa chọn và trao giải thưởng Kovalevskaia cho 42 nhà khoa học nữ và 17 tập thể khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam.

Trần Hằng
.
.
.