Một thế hệ thiệt thòi

Chủ Nhật, 22/06/2008, 14:42
Có ai đó nói rằng, những người sinh ra từ khoảng năm 1940 - 1955 là một thế hệ thiệt thòi. Tuy chưa có một nghiên cứu khoa học bài bản khẳng định điều này, nhưng dựa trên những lý thuyết về hội chứng rối loạn chuyển hóa dẫn đến những bệnh mạn tính như đái tháo đường, gút, tim mạch…, có thể liên hệ đến những thiệt thòi mà thế hệ này phải trải qua trong thời kỳ sống của họ.

Có đôi khi chúng ta giật mình bi quan, tại sao có nhiều người bị bệnh đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, gút, tim mạch, đột quỵ… đến thế? Dường như ai cũng có một vài người thân, đồng nghiệp, bạn bè ở tuổi trung niên bị những bệnh mạn tính không lây ấy.

Người bị bệnh vẫn được xem là do quá dư thừa chất bổ, ăn nhậu nhiều, nhưng trên thực tế, có nhiều người rất nghèo, không kể đàn ông hay đàn bà vẫn mắc những "bệnh nhà giàu". Rất có thể có một điều khá phi lý là căn bệnh "thừa chất" biểu hiện ra hôm nay đã âm thầm trường diễn từ khi họ còn sống trong điều kiện ăn không đủ no, mặc không đủ ấm.

Liệu đó có phải là hệ quả của một thế hệ thiệt thòi ở Việt Nam hay không?

Hệ lụy gen tiết kiệm

Có ai đó nói rằng, những người sinh ra từ khoảng năm 1940 - 1955 là một thế hệ thiệt thòi. Tuy chưa có một nghiên cứu khoa học bài bản khẳng định điều này, nhưng dựa trên những lý thuyết về hội chứng rối loạn chuyển hóa dẫn đến những bệnh mạn tính như đái tháo đường, gút, tim mạch…, có thể liên hệ đến những thiệt thòi mà thế hệ này phải trải qua trong thời kỳ sống của họ.

PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết phân tích, gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, trong quá trình tiến hoá, khi con người sống trong điều kiện thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài, cơ thể sẽ tự động hình thành một loại gen tạm dịch là gen tiết kiệm. Gen này có vai trò tích trữ lại những năng lượng thừa để đề phòng khi cơ thể bị ốm đau, suy kiệt.

Sau đó, ngay cả khi người ta đã qua thời kỳ thiếu hụt dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, gen này vẫn phát huy tác dụng, nguồn dưỡng chất thừa mà cơ thể không cần dùng đến sẽ không bị đào thải ra ngoài, mà tiếp tục được giữ lại dưới dạng mỡ và đường. Quá trình này sẽ trường diễn một cách âm thầm và khó nhận biết.

Gen tiết kiệm sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn khi người ta ăn uống quá dư thừa chất bổ, ít vận động, nguồn năng lượng tích trữ sẽ ngày càng lớn. Ngay cả với bà mẹ mang thai, nếu bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc ăn uống mất cân đối dưỡng chất, bào thai sẽ bị suy dinh dưỡng và đứa trẻ sinh ra rất có thể cũng vĩnh viễn mang trong mình gen tiết kiệm.

Thế hệ những người đang ở lứa tuổi trung niên tại Việt Nam đã sống qua thời kỳ chuyển tiếp mạnh mẽ của nền kinh tế và xã hội. Họ sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong một giai đoạn dài khó khăn và thiếu thốn của chiến tranh và sau chiến tranh. Trong ký ức của thế hệ ấy, những tháng ngày đói kém và gian khổ khi còn thơ bé, khi ở chiến trường hay khi xếp hàng mua thực phẩm thời kỳ bao cấp hẳn vẫn chưa phai mờ.

Sau đó, khi đất nước đổi mới, nền kinh tế phát triển, nhiều thói quen sinh hoạt thay đổi một cách nhanh chóng thì họ bắt đầu bước sang tuổi trung niên. Rất có thể, gen tiết kiệm với vai trò như "của để dành" đã giúp người ta trụ vững trong suốt giai đoạn dài thiếu hụt dinh dưỡng, nhưng khi điều kiện sống sung túc hơn, gen tiết kiệm lại âm thầm tàng trữ năng lượng thừa, gây ra hội chứng chuyển hoá, dẫn đến những bệnh đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, gút, tim mạch, đột qụy...

Với người mang gen tiết kiệm, việc cất công kiếm tìm những loại thực phẩm "đại bổ", thuốc quý hiếm đôi khi lại có hại nhiều hơn là tẩm bổ cơ thể.

Liên hệ rộng hơn trên thế giới, PGS.TS Tạ Văn Bình cho biết, hội chứng rối loạn chuyển hoá, các bệnh nội tiết thường tăng cao ở những xã hội có nền kinh tế phát triển nhanh. Ở khu vực châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… được xếp trong danh sách 10 nước có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường phát triển mạnh nhất thế giới và có những ghi nhận bệnh tăng cao ở giai đoạn mức sống, thói quen sinh hoạt thay đổi từ thấp lên cao.

Việt Nam tuy có số lượng bệnh nhân đái tháo đường không quá lớn, song tốc độ phát triển bệnh nhân thì được xếp vào hạng nhanh nhất thế giới. Riêng giai đoạn từ năm 2001-2003, bệnh nhân đái tháo đường tăng trung bình 48%/năm.

Các bệnh do rối loạn chuyển hóa được xem là "sát thủ thầm lặng", có người mang bệnh đến 10-30 năm mà không hề hay biết, đến khi có những triệu chứng rõ rệt, phải nhập viện thì đã ở giai đoạn muộn.

Ước tính tại Việt Nam, chỉ có 33/100 bệnh nhân đái tháo đường biết mình mắc bệnh. Như vậy, ngoài khoảng 1,3 triệu bệnh nhân đái tháo đường đã được phát hiện, con số thực bệnh nhân lên tới gần 4 triệu người.

Lẽ đương nhiên, người đã trải qua thời kỳ thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài, sau đó lại gặp điều kiện thuận lợi là ăn uống dư thừa, có bị mắc các bệnh do rối loạn chuyển hóa hay không còn tùy thuộc vào khả năng "tự sửa chữa", thích ứng của từng cơ thể.

Tuy nhiên, đái tháo đường được dự báo là sẽ trở thành đại dịch vào thế kỷ XXI, các bệnh do hội chứng rối loạn chuyển hóa được xem là bệnh của xã hội hiện đại. Có thể nói rằng, không riêng gì Việt Nam, ở mỗi một xã hội có sự chuyển tiếp về mức sống, thay đổi thói quen sinh hoạt nhanh chóng, sẽ có những hệ lụy mà thế hệ sống trong thời kỳ đó phải trải qua.

PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng cũng chia sẻ những thiệt thòi và ảnh hưởng sức khỏe mà thế hệ những người đang ở lứa tuổi từ 45 trở lên phải trải qua. Theo ông, cơ thể chúng ta đã được "lập trình" ngay từ trong bào thai, những thiếu hụt dinh dưỡng trong quá khứ, nhất là suy dinh dưỡng từ giai đoạn bào thai đến trước 2 tuổi sẽ khó hồi phục và để lại di chứng suốt đời.

Điều này lý giải vì sao, rối loạn chuyển hóa thường gắn với người ăn nhiều chất béo, người béo phì, béo bụng, ít vận động…, nhưng vẫn có nhiều người nghèo, cơ thể gầy yếu, điều kiện ăn uống không dư thừa vẫn bị đái tháo đường.

Do đặc thù của lịch sử chuyển tiếp giữa giai đoạn chiến tranh, sau chiến tranh và đổi mới đất nước, ngành dinh dưỡng Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng kép suy dinh dưỡng và béo phì. Những hệ lụy từ thói quen sinh hoạt thay đổi quá nhanh vốn cần đến sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức và cách ứng xử khoa học của mỗi cá thể, nhưng dường như từ lâu, điều này đã chưa kịp được quan tâm đúng mức.

Hội chứng chuyển hóa mới chỉ được quan sát trong bệnh viện chứ chưa được ghi nhận ngoài cộng đồng. Năm 2007, lần đầu tiên Viện Dinh dưỡng tiến hành một nghiên cứu thăm dò về hội chứng chuyển hóa tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, kết quả nghiên cứu đã cho thấy những con số đáng lo ngại. Tại TP Hồ Chí Minh, điều tra trên 750 đối tượng người trưởng thành từ 25 - 64 tuổi, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa lên đến 18%. Tại Hà Nội, điều tra trên 620 đối tượng cho thấy tỷ lệ này là 13,1%.

Hội chứng chuyển hóa tăng cao theo lứa tuổi, nhóm tuổi 45 - 54 có nguy cơ mắc cao hơn nhóm 35 - 44 là 2,3 lần và nguy cơ này tăng lên 5,2 lần đối với độ tuổi 55 - 64. Có tới 75,7% đối tượng được nghiên cứu mắc ít nhất một yếu tố chẩn đoán hội chứng chuyển hóa, trong đó có 13,1% có từ 3 yếu tố trở lên, 21,5% 2 yếu tố và tỷ lệ này cũng tăng dần theo nhóm tuổi.

Chính vì thế, sang năm 2008, Viện Dinh dưỡng đang tiến hành nghiên cứu hội chứng chuyển hóa (bao gồm tập hợp các hội chứng rối loạn chuyển hóa lipit máu, rối loạn đường máu, rối loạn glucoza máu khi đói, tăng huyết áp, béo phì…) ở tám vùng trên cả nước (Hà Nội, đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Bắc miền Trung, Nam miền Trung, Tây Nguyên, TP HCM và Nam Bộ).

Người mắc hội chứng chuyển hóa không nhất thiết phải khuyến nghị điều trị, mà chỉ cần có chế độ ăn uống thích hợp và tăng cường vận động thân thể. Phòng tránh hội chứng chuyển hóa được xem là cửa ngõ ngăn chặn sự hình thành các bệnh mạn tính không lây về sau này.

Do đó, kết quả nghiên cứu này có tính quy mô nói trên sẽ là cơ sở để xây dựng bộ công cụ giáo dục đại chúng về dinh dưỡng cho từng vùng miền.

Tự biết mình

Một vị tiến sỹ y khoa uy tín từng phân tích, dù là ai thì ham muốn cao nhất và cuối cùng của mỗi đời người vẫn là sức khỏe, sắc đẹp và tuổi thọ. Tuy vậy, khi người ta nhận ra ham muốn cao nhất của mình thì thường đã là quá muộn.

Khi còn trẻ khỏe và phải đi bộ, người ta muốn mình có chiếc xe đạp, khi đã mỏi chân đạp xe, người ta lại cố gắng hết sức để có được chiếc xe gắn máy, có xe gắn máy rồi lại muốn có ôtô, khi chán ôtô, người ta sẽ phấn đấu mua máy bay, nếu có thêm nhiều tiền, người ta có thể du lịch vào vũ trụ. Cho đến thời điểm này, sau khi bay vào vũ trụ, người ta không thể ham muốn điều gì hơn được nữa, khi đó, người ta sẽ nhận ra ham muốn cuối cùng của mình là sức khỏe.

Vì thế, dự báo trong thế kỷ XXI, bác sỹ chăm sóc sức khoẻ chủ động sẽ là nghề hấp dẫn thứ hai sau công nghệ thông tin. Sẽ không có nhiều người kiếm được đủ tiền để bay vào vũ trụ, nhưng với sự phát triển của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chủ động, ai cũng có cơ hội đạt được ham muốn cuối cùng của đời người trong khi vẫn mải mê theo đuổi vô vàn những ước mơ khác.

Trở lại câu chuyện về một thế hệ thiệt thòi, khi khoa học vẫn chưa thể viết lại "bản lập trình bào thai" của tạo hóa, thì theo PGS.TS Tạ Văn Bình, cách tốt nhất là mỗi người phải tự biết mình. Tự biết sức khỏe của mình đang ở mức độ nào, chứ không phải đợi đến khi có những triệu chứng bệnh mới tìm cách chữa trị.

Bản chất của khoa học chăm sóc sức khỏe chủ động là cung cấp, hỗ trợ các thông tin, biện pháp can thiệp để người ta tự nhận biết sức khỏe của mình. Tự biết mình để chủ động tìm bác sỹ là cách tốt nhất ngăn ngừa bệnh sớm, chung sống hòa bình với bệnh hoặc tránh được những di chứng nặng nề của bệnh.

Nhưng làm sao để mỗi người nhận biết được đầy đủ sức khỏe của mình lại là câu chuyện dài của những đơn vị được giao trọng trách chăm lo sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, trong khi vẫn còn rất nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy trong việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thì với người từ 40 tuổi trở lên, nhất là người có một trong các yếu tố nguy cơ cao (vòng bụng trên 90cm với nam, trên 80cm với nữ; thừa cân; tiền sử gia đình có người mắc bệnh; sống trong xã hội phát triển kinh tế nhanh…), sự lơ là với cơ thể mình là một điều rất thiếu sáng suốt.

Lý thuyết về gen tiết kiệm cũng cho thấy, không chỉ có thế hệ từng bị thiếu hụt dinh dưỡng mới chịu ảnh hưởng sức khỏe do tích trữ năng lượng thừa, mà ngay cả những người trẻ, bà mẹ mang thai sống trong điều kiện đủ đầy, nếu ăn uống mất cân đối cũng có thể hình thành gen tiết kiệm và sẽ gây hại khi tuổi cao lên.

Cơ thể con người ta từ khi sinh ra đến khi chết đi luôn luôn cần cung cấp đủ và cân đối những nhóm thực phẩm cơ bản gồm gluxit, lipit, protein, các loại vitamin, chất xơ, chất khoáng và nước. Nguồn năng lượng đưa vào cơ thể phải logic với số năng lượng bị tiêu hao.

Nhưng dường như, những kiến thức cơ bản này chỉ được thực hành với các bà mẹ nấu bột cho con ăn. Khi trưởng thành, người ta bị chi phối bởi vô số áp lực, hưởng thụ, ước muốn và quên đi sự cân đối trong bữa ăn hàng ngày.

Có lẽ không ngoa nếu nói rằng, nhiều người sống trong xã hội thừa mứa thức ăn, thậm chí bị thừa cân béo phì nhưng vẫn tự bỏ đói cơ thể mình. Những ảnh hưởng sức khoẻ từ việc ăn uống mất cân đối, cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ không biểu hiện ra ngay, mà chỉ có triệu chứng rõ rệt khi về già.

Vì thế, với người trẻ, sự tự biết mình không chỉ để bảo vệ sức khỏe của chính họ, mà còn góp phần vào sự phát triển bộ gen ưu việt hơn cho thế hệ người Việt Nam trong tương lai

Thanh Loan
.
.
.