Kỹ thuật đi chợ "thực phẩm doping"

Chủ Nhật, 24/10/2010, 10:37
Không nên ăn đầu và phao câu gà vì thức ăn của chúng có nhiều loại thực vật chứa độc, sau khi hoá hợp trong cơ thể sẽ sản sinh ra độc tố. Ngoài ra, với những chú gà hay gia cầm bơi dưới nước có khối u cũng nên loại bỏ khỏi thực đơn...
>>Thực phẩm doping, quản lý là quyết định

Cách đây 4-5 năm, lần đầu tiên tại Cần Thơ xuất hiện cảnh báo về tình trạng sử dụng thức ăn gia cầm chứa chất bị cấm - clenbuterol (khi đó được gọi là hormone tăng trưởng) - như là thuốc kích thích khiến gia cầm đẻ trứng rất to thậm chí có ngày đẻ đến hai trứng. Những loại "thần dược" có khả năng "đúc" ra các động vật như ý tuy đem lại lợi ích kinh tế, nhưng rất nguy hiểm với người tiêu dùng.

Để nhận biết thịt sạch và rau sạch

Cho dù, quốc tế và Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm rất cụ thể từ khâu sản xuất đến lưu thông phân phối, song do các chế tài không đủ nghiêm minh và sự quản lý "lỏng lẻo" do thiếu tới 3.000 nhân viên chuyên trách lẫn công nghệ kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng không đáp ứng "nhiệm vụ nóng" nên NTD không biết dựa vào ai ngoài bản thân mình để tồn tại trong môi trường dinh dưỡng có rất nhiều yếu tố rủi ro không chỉ cho chính thế hệ của mình mà còn cho các thế hệ tiếp theo.

Bí đỏ, cà tím, dưa chuột là những loại quả hay bị tiêm hormone tại Ấn Độ.

Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (thường được gọi là "Hiệp định SPS") của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) quy định rằng, bất cứ một hàng hóa nào được lưu thông trên thị trường phải đảm bảo vô hại và an toàn tuyệt đối không chỉ cho NTD mà còn cho cả động vật lẫn cây trồng tại khu vực sản phẩm hàng hóa lưu thông.

Còn tại Việt Nam, chỉ riêng mục thịt sạch, cơ quan thú y quy định: Thịt sạch là thịt được kiểm soát ngay từ con giống, quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ... Khâu chăn nuôi: con giống tốt, điều kiện chuồng trại, khống chế thức ăn (không có chất độc hại, không có dư lượng các chất kháng sinh, thuốc tăng trọng...). Khâu chế biến: được cơ quan thú y kiểm tra trước khi giết mổ, giết mổ trên đường dây mổ treo và có sự kiểm soát của thú y, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh nơi giết mổ, pha lóc và của người trực tiếp giết mổ. Vận chuyển bằng xe chuyên dùng.

Tại các điểm bán lẻ, thịt phải được để trong các tủ chuyên dùng, có vách che xung quanh để tránh bụi bẩn và ngăn cản sự xâm nhập của các vi sinh vật. Còn rau sạch là loại rau được sản xuất theo quy trình công nghệ sạch: Đất sạch, tưới nước giếng khoan hoặc nước sông lớn không ô nhiễm (chất lượng đất, nước được cơ quan chức năng kiểm tra và công nhận). Không dùng phân tươi hay bón đạm nhiều. Hạn chế tối đa chất kích thích sinh trưởng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và sau một thời gian quy định mới được thu hoạch.

Theo các tiêu chí quốc tế và quốc gia như trên, ông Lê Trường Hải - Phó Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM - cho rằng: Không chỉ TP HCM mà trên cả nước chưa nơi nào có thể cung cấp được các sản phẩm đạt chuẩn đã quy định. Bởi vì công tác quản lý hiện bị "cắt khúc", không tập trung, mỗi cơ quan chịu trách nhiệm một "khâu" nhất định. Nguồn heo đưa vào giết mổ được nuôi ở TP HCM thì cơ quan thú y còn có thể kiểm soát được nhưng hiện nay trên 80% lượng heo giết mổ, tiêu thụ tại TP HCM có nguồn gốc từ các tỉnh chuyển về (có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y địa phương).

Hà Nội với hơn 70% nhu cầu về các loại thịt là do các hộ thuộc các tỉnh ngoại thành cung cấp cũng vấp phải những vấn đề trên. Còn ở khâu kinh doanh, theo ông Hải, nhiều người vẫn còn quan niệm đơn giản thịt sạch nghĩa là không dính bụi bẩn. Nhưng khi thịt sạch được kinh doanh ở chợ lẻ, người bán pha lóc thịt ngay tại sạp (sạp không được vệ sinh hằng ngày, môi trường ô nhiễm...) thì đã biến thành thịt bẩn.

Để phân biệt thực phẩm an toàn hay không an toàn phải dựa hoàn toàn vào các chỉ số phân tích định tính và định lượng từ các nguyên tố hóa học cho tới các hợp chất vô cơ và hữu cơ có trong sản phẩm. Quá trình kiểm tra, xét nghiệm đó đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia có tay nghề và thực tiễn rất lớn để vận hành các thiết bị phân tích công nghệ cao theo những quy trình chuẩn được cập nhật thường xuyên. Một kết quả phân tích chính xác đưa ra ngoài việc tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền của. Vì vậy cách tốt nhất hãy là “người tiêu dùng thông thái”.

Chọn thịt gia cầm và hải sản an toàn

Với thịt gia cầm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyên, nên chọn những con có mỏ nhìn bóng loáng, da có màu trắng nhạt, bề mặt khô ráo, mỡ có màu trắng hơi vàng, sáng bóng. Nếu gia cầm còn sống nên chọn những con có lông bóng đều, mào đỏ tươi, hậu môn co lại, khô ráo và không dính phân.

Với gà công nghiệp, nên chọn loại có trọng lượng từ 2kg trở lên, nếu mua gà làm sẵn nên chọn con có màu vàng nhạt bởi vàng đậm có thể do người bán ngâm vào nước có pha bột sắt. Ngoài ra, cần lựa thịt có màu sắc tự nhiên, từ trắng ngà đến vàng tươi, mắt sáng. Thịt cần có da kín, lành lặn, không có vết bẩn, vết bầm, mốc meo hoặc vết lạ. Thịt gia cầm hỏng thường có màu vàng thẫm, vàng tím hoặc vàng tối sẫm, mắt vẩn đục.

Không nên ăn đầu và phao câu gà vì thức ăn của chúng có nhiều loại thực vật chứa độc, sau khi hoá hợp trong cơ thể sẽ sản sinh ra độc tố. Tuy tuyệt đại đa số các chất độc đã được thải ra ngoài, nhưng vẫn còn một số chất độc theo tuần hoàn máu đọng lại trong các tế bào não khiến người ăn vào rất có hại cho sức khoẻ bởi dân gian đã có câu: "Ăn đầu gà già 10 năm bằng ăn thạch tín". Phao câu gà cũng không kém phần độc hại vì bên trên hậu môn có túi xoang. Trong túi xoang này có hàng vạn tế bào lâm ba và những tế bào phệ khổng lồ có sức cắn nuốt rất mạnh. Những tế bào này có thể cắn nuốt được các chất độc gây bệnh vào cơ thể gà. Vì vậy, nên loại bỏ phao câu trước khi chế biến.

Ngoài ra, với những chú gà hay gia cầm bơi dưới nước có khối u cũng nên loại bỏ khỏi thực đơn bởi sự hình thành khối u ở những con vật này là do một tổ chức nào trong cơ thể phát bệnh. Nhiều độc tố của các loại bệnh như ung thư máu, ung thư tế bào tồn tại trong những khối u này mặc dù con vật vẫn ăn uống, hoạt động bình thường.

Đối với cá và hải sản, tốt nhất nên mua cá tôm đang còn sống, đang bơi trong nước. Cá tươi có miệng ngậm kín. Thân cá rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá, không có niêm dịch và mùi hôi thối khó chịu. Mang có có màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Trôn cá thụt sâu vào bên trong, có màu trắng nhạt và bụng cá lép.

Chọn tôm tép vỏ sáng lóng lánh, dài và trơn láng. Nghêu sò ốc còn sống. Mực nang thì nên chọn mực có thịt trắng như mứt dừa là ngon, mực ống thì nên chọn loại vừa, không quá lớn, chưa vỡ túi đen. Các loại thủy sản khác nên chọn loại còn tươi, có màu sắc bình thường, đặc biệt không có mùi ươn. Phải chú ý tới độ trắng của mực tươi, mực khô… vì tư thương thường sử dụng chloramphenicol trong chế biến và bảo quản thủy sản để chống ôi thiu. Tác dụng đáng sợ của chloramphenicol là làm suy tủy, gây rối loạn tăng trưởng sụn xương cho NTD. Hiện nay nhiều nơi sử dụng các chất tẩy trắng như hydrogen peroxide, sunphít magiê, sunphua dioxit, natri oxit... để làm sạch thực phẩm đã hư hỏng, ôi thối và dùng lưu huỳnh tràn lan để chống nấm mốc, làm màu…

Rau xanh, củ quả cũng là đối tượng ô nhiễm nặng bởi chất kích thích tăng trưởng. Có rất nhiều loại thuốc có cơ chế kích thích mạnh mẽ sự sinh trưởng kéo dài của thân, sự vươn dài lóng cây, làm tăng sinh khối của cây trồng, làm tăng tốc độ chuyển hóa chất dinh dưỡng và tác động lên quá trình phân chia và gia tăng kích thước tế bào của các loại rau củ quả.

Tại Ấn Độ, Bộ Y tế đã buộc phải tổ chức một cuộc truy quét các đối tượng sử dụng trái phép thuốc Oxytocin - một loại hormone vốn dành cho phụ nữ đang sinh con - để kích thích bí đỏ, cà tím, dưa chuột… cho năng suất cao bởi nhanh chín và nhanh lớn hơn. "Những hormone này có thể gây ra những tổn thương không thể "sửa chữa" được đối với sức khỏe con người nếu như chúng ta ăn những loại rau quả chứa chất này trong 1 thời gian dài. Đó là các vấn đề ở tim, vô sinh, mất trí nhớ, thần kinh…", Giám đốc Y tế Dinesh Trivedi khuyến cáo.

Ở Việt Nam, người sản xuất không những sử dụng các loại hormone có trên thị trường mà còn lén lút sử dụng hóa chất 2,4D trong trồng trọt. Đây là hóa chất vừa có tác dụng diệt cỏ, vừa kích thích sự tăng trưởng của rau. Việc sử dụng chỉ một loại chất độc màu da cam này với bất kỳ nồng độ rất thấp cũng vô cùng nguy hiểm với sức khỏe, nhưng cơ quan quản lý cũng đành bó tay… và như vậy "bỏ mặc số phận" cho NTD.

Vì vậy lựa chọn rau quả sạch, an toàn không phải là một việc dễ dàng, nhất là khi chỉ dùng mắt thường. Nên lựa chọn loại rau và trái cây còn tươi, còn nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu khác nhau, không có dấu hiệu bất thường như quá mập, quá phồng hoặc dính các hạt bụi nhỏ. Những loại rau quả ít dùng thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối... Thận trọng với những loại rau: rau muống, xà lách, rau cải xoong, tần ô, cải bẹ xanh, cải ngọt, rau má, đậu đũa, khổ qua, táo Thái Lan... vì chúng là đối tượng của hormone doping.

Nguyên tắc vàng cho người nội trợ là chỉ mua các sản phẩm có chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong trường hợp do không có điều kiện như vậy, thì chỉ mua hàng hóa ở những nơi mà chữ tín và chữ tâm đã được khẳng định như là một thương hiệu "hữu xạ tự nhiên hương".

Đi chợ trong thời buổi loạn "thực phẩm doping" là một gánh nặng đối với người nội trợ, tuy vậy những kinh nghiệm vô cùng quý giá có được trong cuộc sống luôn luôn là vũ khí thực tiễn có hữu dụng gấp nhiều lần so với lý thuyết. Hy vọng, những người phụ nữ của chúng ta chỉ bằng hành động "xách làn đi chợ" không những có thể gìn giữ sức khỏe cho gia đình, cho tương lai của các thế hệ sau mà còn có khả năng buộc thị trường thịt, rau “bẩn” phải biến mất trong cuộc sống, bởi họ có một quyền năng vô giá. Đó là chối từ các sản phẩm vô đạo đức ở bất cứ nơi nào chúng có mặt.

Chọn mua thịt an toàn

Để giảm thiểu rủi ro, NTD dựa vào lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, các nhà khoa học chuyên ngành vẫn có thể chọn được những cân thịt, túi quả hoặc mớ rau "tương đối an toàn" theo những cách sau: Trước hết, NTD nên mua thịt lợn có dấu kiểm dịch thú y vì thực phẩm này đã được cơ quan chức năng kiểm tra đảm bảo thực phẩm sạch hoặc mua tại siêu thị có chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong trường hợp đi mua hàng ở chợ thì không nên chọn thịt quá nạc có màu đỏ tươi với lớp mỡ mỏng, lớp nạc tiến sát da, bắp vai, bắp đùi có lượng thịt phát triển bất thường - có nhiều cục nạc u lên nhưng thớ thịt lại kém săn - vì do nhà chăn nuôi đã sử dụng chất tăng trọng clenbuterol để "thúc" lợn phát triển nhanh với đùi to, vai u, có rất nhiều thịt nạc và màu sắc đỏ tươi.

Cũng theo Ths Phạm Hồng Ngân, Phó Trưởng khoa Thú y, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, không nên lựa chọn những miếng thịt không có độ dẻo dính, đàn hồi. Nếu thịt được ướp bằng hàn the hoặc urê sẽ có cảm giác miếng thịt cứng, không có độ dẻo dính. Thông thường, miếng thịt lợn ngon có màng ngoài khô, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường. Khi ấn ngón tay vào miếng thịt sẽ tạo thành vết lõm, nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Ngoài ra, miếng thịt còn có các thớ thịt mịn đều. Khi thái thịt, hễ thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán. Khi đun nấu nếu thấy thịt ra nhiều nước, miếng thịt bị teo lại và có độ săn chắc kém, thịt không đậm với vị thơm không tự nhiên như vốn có của vật nuôi hoang dã thì chắc chắn đây là thịt của động vật dùng nhiều chất tăng trọng khiến cho hàm lượng nước bị tích nhiều tế bào. Trong trường hợp, sử dụng thuốc kháng sinh để kích thích tăng trọng thì khi chế biến tồn dư kháng sinh sẽ bốc hơi lên mùi thuốc kháng sinh và NTD phải bỏ ngay nồi thịt này cho dù đã mua với giá cao ở ngoài chợ để không rước bệnh vào thân.

PGS - TS Nguyễn Thị Thanh Bình
.
.
.