Kỳ lạ nhãn tím ở miền Tây

Thứ Tư, 18/07/2012, 16:22
Gần 10 năm nay, ông Trần Văn Huy (57 tuổi, ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) trồng được loại nhãn có màu tím nhưng nhiều người dân và ngành nông nghiệp địa phương không hay biết.

Qua một chuyến phà từ đường Nam Sông Hậu, chúng tôi tìm đến nhà nông dân Trần Văn Huy nằm ở đầu cồn Phong Nẫm. Giữa vườn nhãn long do gia đình trồng gần 3 công, có 10 cây nhãn tím cho trái. Ông Huy cho biết: “Sắp hết mùa nhãn tím rồi, muốn ăn phải chờ tới… Tết mới có. Hổm rày tui cân bán cho thương lái, phần còn lại để đãi khách khi họ đến tham quan”.

Theo lời ông Huy, cách đây 10 năm, một cây nhãn long trong vườn nhà đâm ra 1 nhánh lạ có màu tím. Đến mùa, nhánh này cho trái nhãn tím. Thấy lạ nên ông đã chiết cành đem trồng vì sợ ăn trộm hái mất giống nhãn hiếm này. Cho đến nay, ông Huy cũng chỉ trồng 10 cây nhãn tím, mỗi năm cho trái 2 vụ vào khoảng tháng 6 và Tết Nguyên đán. Không chỉ có trái nhãn màu tím, mà cả thân, lá, hạt nhãn cũng có màu tím lạ kỳ.

Ông Huy bên giống nhãn tím lạ mắt.

Ông Huy bày tỏ: “Tôi trồng nhãn tím 10 năm nay nhưng ít ai biết đến vì không có “quảng cáo” và bán nhiều. Mỗi vụ chỉ cung cấp khoảng 500 kg nhãn tím ra thị trường”. Giống nhãn này chỉ được nhiều người biết đến khi ông Huy đem trưng bày tại hội chợ “Ngày hội sông nước miệt vườn” tổ chức tại huyện Kế Sách vào tháng 6/2012. “Cách chăm sóc nhãn tím y như nhãn long nhưng nhãn tím cho trái rất say, một chùm từ 20-50 trái. Sau khi tôi đem trưng bày, nhiều thương lái tại Cần Thơ, TPHCM xuống đặt hàng nhưng tui không có số lượng nhiều để cung ứng nên đành từ chối”.

Giá một kilogam nhãn tím 50.000 đồng, gấp 4-5 lần so với nhãn long. Chúng tôi nếm thử một trái nhãn tím, nhãn có vị ngọt, cùi dày và trái to hơn nhãn long. Ông Huy chia sẻ: “Nhà có 3 công đất, nếu trồng nhãn tím thì “dư sức” nhưng trồng nhiều không ai canh chừng, sợ ăn trộm vào hái”. Nghe tin ông Huy sở hữu giống nhãn có một không hai ở miền Tây, một nông dân đã đề nghị ký hợp đồng tiêu thụ nhãn tím với giá 1 triệu đồng/cây nhưng người nông dân chân đất này đang đắn đo, suy nghĩ.

Nhan2: Thân, lá, thậm chí là hạt nhãn cũng có màu tím.

“Hiện nay tôi chỉ có 10 gốc nhãn tím, chiết hết thì được 200 cây nhãn con. Nếu đem bán sau vài năm, giống nhãn này sẽ nhân rộng ra khắp nơi”, ông Huy nói. Theo ông Nguyễn Văn Mãi, Trưởng ấp Phong Thạnh thì sau khi biết ông Huy trồng được loại nhãn tím, ngành nông nghiệp địa phương đang có kế hoạch hỗ trợ ông Huy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thu, Trưởng Bộ môn Khoa học cây trồng (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: “Giống nhãn tím của ông Huy trồng là hiện tượng đột biến trên cây nhãn, việc này do tự nhiên hoặc do xử lý hóa chất. Tuy nhiên, cần phải có nghiên cứu chuyên sâu hơn về loại nhãn tím này”. Hiệu quả kinh tế trên cây nhãn tím ra sao, chất lượng như thế nào rất cần các nhà chuyên môn nghiên cứu để xem loại nhãn này có được trồng đại trà hay không

Văn Vĩnh – C.K.
.
.
.