Khôi phục rừng ngập mặn ven biển để thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ Năm, 03/01/2013, 16:19
Biến đổi khí hậu (BĐKH) và những tác động của nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều địa phương ven biển. Và một trong những giải pháp căn cơ mà các địa phương ven biển ĐBSCL đã và đang thực hiện là trồng rừng, khôi phục lá chắn rừng phòng hộ ven biển.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp ven biển các tỉnh ĐBSCL là 120.430ha. Trong đó đất có rừng 91.906ha, đất chưa có rừng 28.524ha. Qua khảo sát, hiện trạng rừng ngập mặn (RNM) ĐBSCL manh mún, không liền vùng, liền khoảng mà phân bố rải rác, ở các tỉnh Cà Mau (70,2%), còn lại 29,8% phân bổ rải rác dọc theo ven biển của 7 tỉnh (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tiền Giang, Kiên Giang).

Đê biển Tân Thành (Tiền Giang) trở nên mong manh trước biển, bởi những cánh rừng ngập mặn xung yếu đê đã bị tàn phá.

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, trong tổng số gần 1.260km đê biển của vùng ĐBSCL hiện có 479km chưa có đai rừng phòng hộ. Nhiều đoạn bờ biển và cửa sông đang bị xói lở nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 310km, tập trung ở Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre... Ngoài ra, tình trạng nuôi trồng, khai thác thủy sản tự phát cũng là những nguyên nhân khiến hệ sinh thái RNM bị đảo lộn, diện tích và chất lượng không ngừng suy giảm.

Trước tác động của BĐKH, nước biển dâng và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, việc quản lý, bảo vệ và phát triển RNM nhằm chống xói lở, bảo vệ đê biển rất cấp bách. Các địa phương ở vùng ĐBSCL ngoài thực hiện dự án trồng 5 triệu ha rừng của Quốc gia đã tranh thủ phối hợp thực hiện các dự án hợp tác phát triển rừng tại các vùng đất ngập nước ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… Qua đó góp phần bảo vệ và phát triển RNM tốt hơn.

Bên cạnh những nỗ lực từ các Bộ, ngành và cấp chính quyền trong việc khôi phục RNM, cư dân vùng ven biển ĐBSCL đã hiểu ra những giá trị từ biển và đang ra sức bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng. Như ở khu vực Bãi Ngang (xã Long Hòa, huyện Châu Thành, Trà Vinh), hơn 10 năm trước, nạn phá rừng đã gây sạt lở nghiêm trọng khu vực này. Song, giờ Bãi Ngang đang hồi sinh nhờ chính sách giao khoán rừng...

Văn Đức
.
.
.