Khi nào có giám định ngoài tố tụng?

Thứ Hai, 04/04/2005, 07:22
Khi bố nghi mẹ ngoại tình có con riêng, những người con quyết tâm tìm ra sự thật nhằm minh oan cho mẹ. Vụ việc không  thể giải quyết dứt điểm vì chưa có tổ chức giám định tư mà bà mẹ nhất quyết không chịu kiện ông chồng.

Ông N.V.T. và bà L.T.R. đều đã ngoài 60 tuổi. Bốn người con lớn của ông bà đã trưởng thành, có gia đình, chỉ có cậu út là H. đang học lớp 12. Gia đình đang êm ấm thì bỗng dưng ông T. nghi ngờ H. không phải là giọt máu của ông.

Ông công khai khẳng định với bà R., các con và họ hàng rằng: H. không phải là con ông! Cái cớ ông T. đưa ra là: Trước khi lấy ông, bà R. đã yêu ông S. Do cha mẹ sắp đặt nên bà R đã lấy ông. Theo ông thì hai người tuy không lấy được nhau nhưng vẫn còn nặng lòng lắm!

Người đau lòng nhất là bà R. Bà khẳng định không có chuyện đi ngang về tắt. Nhưng tất cả những lời trần tình của bà đều không lọt tai ông T. Ông ruồng rẫy bà, mặc cho các con đã hết sức khuyên can.

Mấy năm sống trong dằn vặt, đau khổ, bà R. mắc bệnh tâm căn suy nhược (suy nhược cơ thể và thần kinh do căn nguyên tâm lý). Bà bị đau đầu, mất ngủ thường xuyên, mệt mỏi, ăn uống rất kém, người gầy guộc, chân tay run rẩy. Bi kịch gia đình ông T. chưa dừng lại. Cậu H. cũng đâm nghi ngờ mẹ, hoang mang không biết mình là con ai. Không chịu nổi áp lực cân não, H. đã bỏ học và nhanh chóng bị nhấn chìm vào nghiện hút để trốn tránh khổ đau.

Thương mẹ và lo cho mái ấm gia đình, bốn người con lớn của ông bà T. cùng dâu, rể bàn bạc quyết tâm phải xét nghiệm ADN mới có thể giải tỏa được mối nghi ngờ của bố mẹ mình. Nhưng một người quen thân ở Tòa án tỉnh giải thích là: Muốn được giám định, phải có một bên khởi kiện ra tòa án dân sự, tòa mới có căn cứ để trưng cầu giám định theo thẩm quyền.

Bà R., bà nhất định không kiện chồng mình để làm mất danh dự gia đình!

Thực nghiệm giám định dấu vết tai nạn giao thông.

Theo Nghị định 117/HĐBT về giám định tư pháp từ tháng 7/1988. Từ đó đến nay, mọi giám định tư pháp đều phải có quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án. Ngoài các cơ quan này và một số cơ quan khác được Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự quy định cụ thể thì không ai hoặc cơ quan nào có quyền trưng cầu giám định.

Còn người dân phải tự tìm cách giải quyết cho mình những vụ việc cần phải giám định mới sáng tỏ được.

Chị L.T.K.A. bị kẻ gian lấy mất 2.000USD trong số 5.000 trong túi xách tay. Trong nhà, ngoài bố mẹ chồng, vợ chồng chị, còn có hai người em chồng đã có công ăn việc làm, nhưng có cậu B. thuộc loại máu mê cờ bạc, đề đóm, hiện đang nợ nần mấy người cùng cơ quan. Nghi thì nghi nhưng làm gì có chứng cứ! Chị K.A. bàn với bố mẹ chồng.

Các cụ rất bức xúc và quyết định mọi thành viên trong gia đình đều phải lấy mẫu vân tay để đối chiếu. Chị K.A. nhờ anh V., bạn học hồi phổ thông, hiện là chuyên gia về dấu vân tay đang làm việc ở tỉnh H. ngay cạnh Hà Nội trực tiếp thu mẫu và giám định. Trên tờ giấy gói tiền, có đến 4 dấu vân tay trùng khớp với đặc điểm dấu tay của B...

Anh ta thú nhận vì thua bạc, khát nước, vay tiền của bạn bè trong cơ quan, bị thúc bách trả nợ dữ quá nên nhắm mắt làm liều...

Giám định tư nhân?

Ở các quốc gia văn minh, loại giám định ngoài tư pháp có tỉ lệ ngang bằng giám định tư pháp. Như thế có thể thấy nhu cầu xã hội về giám định ngoài tố tụng rất lớn. Cũng phải nói rõ là, loại giám định này không tính đến các dạng như kiểm định chất lượng hàng hóa, kiểm định an toàn ôtô...

Giám định ngoài tố tụng, người giám định vẫn đảm bảo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, khách quan, khoa học và tính pháp lý cần thiết của quá trình giám định và kết luận giám định; đồng thời có trách nhiệm đảm bảo bí mật tuyệt đối kết luận giám định cũng như các tình tiết vụ việc mà thân chủ cung cấp cho họ.

Các kết luận của loại giám định này không được các cơ quan tiến hành tố tụng thừa nhận vì họ không yêu cầu giám định. Nó chỉ có giá trị để xử lý, giải quyết vụ việc trong nội bộ cơ quan, gia đình...

Giám định ngoài tố tụng sẽ góp phần giảm mạnh áp lực về số lượng vụ việc (vốn đã rất lớn hiện nay) đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan, tổ chức giám định tư pháp có điều kiện huy động tối đa khả năng trí tuệ, phương tiện kỹ thuật phục vụ xã hội, tăng thêm nguồn bổ sung ngân sách, bù đắp được chi phí mua sắm phương tiện.

Chẳng hạn dây chuyền công nghệ giám định gene nhân tế bào NineplexII (Mỹ) hiện đại nhất ở nước ta về lĩnh vực gene hình sự (thuộc Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an) có giá gần 2 triệu USD, nếu vận hành ít vẫn hỏng sau một thời gian đã định

Nguyễn Văn
.
.
.