IQ: Khổ vì trí tuệ

Chủ Nhật, 18/09/2005, 08:08

Để lọt vào được các học đường cao cấp của Hoa Kỳ, thí sinh phải trải qua không chỉ một cuộc sát hạch đặc biệt. Những cuộc sát hạch này chỉ là "hậu duệ" của test xác định trí năng IQ. Tuy nhiên, bản thân test IQ giờ đã không còn là một văn bản khoa học nữa.

Theo website Washington Profile, ý tưởng cho rằng có thể "cân đong đo đếm" trí năng con người xuất hiện từ thế kỷ XIX. Trong suốt một thời gian dài đã tồn tại quan niệm cho rằng, trên trái đất chỉ có một số ít những người mất trí và một số ít những thiên tài, phần còn lại là những người có khả năng trí tuệ gần như nhau. Các cư dân Bắc Mỹ và châu Âu được liệt vào số đông phát triển tương đồng đó, còn những "dân tộc hoang dã" khác mặc nhiên bị coi là kém phát triển hơn. Một số học giả cho rằng, các thành công của "con người đứng giữa" là kết quả của sự cần cù, ham muốn và đôi khi cả lòng... mộ đạo nữa (?!).

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật diễn ra trong các thế kỷ XVIII-XIX đã buộc các nhà khoa học phải suy nghĩ tới những "lý thuyết đứng đắn" hơn về trí tuệ con người. Sự xuất hiện của môn di truyền học và nhất là học thuyết tiến hoá của Darwin đã buộc các nhà nghiên cứu phải xem xét các dữ kiện vật chất và di truyền như những yếu tố quyết định tầm trí tuệ của con người. Nhưng cũng chính vì thế nên đã xuất hiện một định kiến sai lầm lớn nhất của thế kỷ XIX cho rằng khả năng trí tuệ của con người phụ thuộc vào kích cỡ bộ não và hình dáng cái đầu...

Tới đầu thế kỷ XX, tại Pháp, Nhà nước đã giao cho nhà tâm lý học Afred Binet xác lập những bài test đánh giá khả năng trí tuệ của trẻ em để phân loại trẻ em bình thường và trẻ em chậm phát triển. Binet đã lập ra bài test mà cho tới nay vẫn còn được lưu truyền, đó là IQ test (IQ: Intelligence Quotient, tức là hệ số trí năng). Bài test này khác với các loại test khác ở chỗ nó biểu hiện không phải trí năng tuyệt đối của trẻ mà là trên sự so sánh với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Đứa trẻ càng lớn lên thì lứa tuổi càng ít tác động đến trí năng của nó. Thí dụ, mức điểm trung bình là 100: nếu đứa trẻ 5 tuổi bộc lộ trí năng ở mức tương đương với đứa trẻ 6 tuổi thì nó sẽ được nhận 120 điểm. Nhưng nếu đứa trẻ 10 tuổi mà bộc lộ trí năng tương đương với đứa trẻ 11 tuổi thì nó chỉ được 110 điểm... Kết quả test được phân chia thành những nhóm khác nhau. Nếu số điểm cao hơn 140-150 thì đứa trẻ được coi như thiên tài. Mức điểm 110-140: trí năng ở cấp độ cao. Mức trung bình là từ 90 tới 110. Dưới 75 điểm là mức kém phát triển...

Bài test suốt một thời gian dài đã rất thịnh hành. Nhưng hiện nay, bài test này dù vẫn được sử dụng nhưng chủ yếu như một động tác tham khảo chứ không có vai trò quyết định trong việc đánh giá con người vì nhiều người đã kiện ra toà rằng, test IQ không đánh giá được đúng trí năng của họ. Thực sự, trí năng của con người phải được thể hiện qua kết quả việc làm thực tế của họ, chứ không thể giản đơn xét theo mẫu của bất cứ một bài test nào

Nhất Văn
.
.
.