Hội chứng Stockhom là gì?

Chủ Nhật, 01/10/2006, 08:42
Đến nay, Hội chứng Stockholm vẫn là đề tài thu hút giới tâm lý học và nó cũng được thể hiện trong văn hóa.

Vụ bắt cóc và giam nạn nhân Natascha Kampusch hơn 8 năm ròng tiếp tục là đề tài thu hút công chúng với những trần thuật đầu tiên từ chính nhân chứng xuất hiện trên loạt báo châu Âu thượng tuần tháng 9/2006. Vụ việc xảy ra ngay trong thời điểm nước Áo kỷ niệm 150 năm Ngày sinh nhà phân tâm học Sigmund Freud càng khiến đề tài Kampusch trở thành câu chuyện của những phân tích-mổ xẻ tâm lý bất tận.

Như một số thông tin đã nêu, nạn nhân Natascha Kampusch đã mắc phải "Hội chứng Stockholm". Vậy Hội chứng Stockholm là gì? Trong lịch sử phân tâm học, những ai từng mắc phải hội chứng này?

Nói một cách ngắn gọn, Hội chứng Stockholm là phản ứng tâm lý khi nạn nhân trở nên cảm mến kẻ bắt cóc. Hội chứng Stockholm được đặt tên sau sự kiện cướp nhà băng Kreditbanken tại Norrmalmstorg (Stockholm, Thụy Điển) vào ngày 23/8/1973, khi 2 tên cướp vũ trang xông vào ngân hàng bắt 4 người làm con tin (3 nữ, 1 nam) và cầm giữ trong 131 tiếng đồng hồ. Nạn nhân bị quấn thuốc nổ và bị nhốt trong một hầm ngân hàng cho đến khi được cứu vào ngày 28/8.

Sau thời gian khá dài sống trong căng thẳng tột cùng, 4 nạn nhân không oán ghét mà lại tỏ ra đồng cảm với bọn cướp. Trả lời phỏng vấn báo chí, họ thậm chí bày tỏ rằng không muốn được cảnh sát giải cứu và có cảm giác an toàn hơn nếu được bọn cướp bảo vệ!

Nói đến Hội chứng Stockholm, không ví dụ nào cụ thể bằng trường hợp Patricia Campbell Hearst (cháu một tỉ phú). Sau thời gian ngắn sống chung với kẻ bắt cóc, Patty Hearst trở thành thành viên băng cướp và từng ôm súng gây án cho đến khi bị bắt!

9 giờ 40 phút sáng 15/4/1974, Ngân hàng Hibernia tại San Francisco làm việc như mọi ngày. Bất ngờ, 4 phụ nữ da trắng và 1 đàn ông da màu xuất hiện và la to: “Tất cả nằm sấp! Úp mặt xuống!”. Trong 4 phút, bọn cướp lấy đi 10.000 USD và chuồn mất dạng trong chiếc xe chờ sẵn.

Xem lại băng hình an ninh, cảnh sát kinh ngạc khi nhận ra một kẻ trong bọn cướp là gương mặt cô gái 19 tuổi quen thuộc bị mất tích trước đó hai tháng: Patricia Campbell Hearst. Ôm khẩu carbin, Patty (tên thân mật của Patricia) trông rất phấn khích. Dân Mỹ chẳng xa lạ gì Patty. Cô là cháu nhà xuất bản William Randolph Hearst (một trong những trùm báo chí huyền thoại trong lịch sử báo chí Mỹ).

Ngày 4/2/1974, 2 kẻ da màu và 1 phụ nữ da trắng đã gí súng vào đầu Patty và bắt cóc nạn nhân tại căn hộ cô ở Berkeley. Bọn bắt cóc thuộc băng Quân đội giải phóng Symbionese (SLA). Thủ lĩnh SLA Donald DeFreeze từng cho biết mình muốn “làm cách mạng” cho những người bị thất thế tận cùng xã hội bằng cách tuyên chiến với bọn trọc phú.

Như lời kể của chính đương sự sau này, Patty kể rằng cô bị bịt mắt trong hai tháng và bị nhốt trong tủ quần áo, thậm chí không được phép đi vệ sinh một mình. Bố nạn nhân, Randolph Hearst, thoạt đầu nghe theo yêu cầu SLA khi phát chẩn thực phẩm trị giá hàng triệu USD cho người nghèo. Bất ngờ, tất cả liên lạc giữa SLA và Randolph Hearst ngưng bặt. Chẳng có tin gì về mạng sống Patty và SLA cũng chẳng yêu cầu gì thêm.

Thế rồi vụ cướp nhà băng ngày 15/4/1974 xảy ra. 48 giờ sau, cảnh sát Rodney Williams nhận được gói quà từ SLA. Đó là cuộn băng ghi âm giọng nói giận dữ của Patty. Trong cuộn băng, Patty giải thích hành động cướp ngân hàng; gọi bố mẹ mình là “bọn lợn”; tuyên bố từ bỏ vị hôn phu; và rằng mình bây giờ là “một chiến sĩ của quân đội nhân dân”.

Một tháng sau vụ cướp 15/4/1974, Patty cùng 2 thành viên SLA cướp một tiệm tạp hóa ở Los Angeles (Patty ngồi chờ trong xe hơi bên ngoài). Khi đồng bọn bị bắt quả tang, Patty bắn loạt súng cảnh cáo giải cứu và gào thét văng tục. Hôm sau, ngày 17/5/1974, SLA đọ súng với cảnh sát Los Angeles suốt hai tiếng tại đường East 54th. Ba thành viên SLA bị bắn trúng khi cố tẩu thoát và thủ lĩnh DeFreeze tự nã vào đầu.

Tháng 9/1975, một năm rưỡi sau khi cuộc đời thay đổi theo cách chẳng ai có thể ngờ, từ tiểu thư nhà giàu thành nữ đạo tặc, Patty bị FBI phát hiện trong một căn hộ cùng 2 thành viên SLA. Gia đình Hearst vung tiền thuê luật sư tên tuổi F. Lee Bailey (từng biện hộ cho tên Đại úy Ernest Median trong vụ thảm sát Mỹ Lai ở Việt Nam, 1968).

Một lần nữa, thuật từ “Hội chứng Stockholm” lại được nhắc đến. Dù vậy, Patty vẫn bị xử tù và ngồi trại giam 21 tháng trước khi được Tổng thống Jimmy Carter giảm án năm 1979 với án treo ngặt nghèo. Patty trở thành diễn viên trong vài phim hạng ba và lập gia đình với tay cận vệ cũ Bernard Shaw. Tháng 1/2001, trước khi rời ghế tổng thống, Bill Clinton ra lệnh ân xá cho Patty.

Đến nay, Hội chứng Stockholm vẫn là đề tài thu hút giới tâm lý học và nó cũng được thể hiện trong văn hóa. Có rất nhiều tiểu thuyết và phim ảnh nói về Hội chứng Stockholm, chẳng hạn phim "The Chase" (diễn viên Charlie Sheen); "John Q" (diễn viên Denzel Washington); "The Last Samurai" (diễn viên Tom Cruise) hoặc tuyệt phẩm "The Negotiator" (Kevin Spacey và Samuel L. Jackson)...

Ngoài trường hợp Natascha Kampusch với kẻ bắt cóc Wolfgang Priklopil, phóng viên Anh Yvonne Ridley (tờ Daily Express) là một điển hình nữa gần đây về Hội chứng Stockholm.

Tháng 9/2001, Ridley bị Taliban bắt tại Afghanistan và giam 11 ngày. Sau khi được thả, Ridley trở về London, cải đạo sang Hồi giáo và tất nhiên từ đó nhìn tôn giáo này bằng thái độ thiện cảm

Anh Vũ( tổng hợp)
.
.
.