Hành trình đi tìm tác giả của Quốc huy Việt Nam

Thứ Năm, 11/03/2004, 10:13

Gần 50 năm sau khi mẫu Quốc huy ra đời, cuộc tranh luận xung quanh vấn đề ai là tác giả chính thức của Quốc huy Việt Nam vẫn chưa có hồi kết. Cuối cùng, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã vào cuộc bằng việc giám định các tài liệu, chứng cứ và mẫu phác Quốc huy của hai hoạ sĩ Trần Văn Vẩn và Bùi Trang Chước.

Sau khi mẫu Quốc huy được Quốc hội thông qua (tháng 9/1955), theo như hồi ký mang tên “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” bằng chữ viết tay của chính ông Chước thì (tài liệu đã được giám định, hầu hết những tài liệu trích dẫn trong bài này đều đã được Viện KHHS giám định là tài liệu nguyên gốc, không bị ngụy tạo): “Sau khi mẫu Quốc huy được thông qua, tôi (ông Chước-TG) xem thì thấy mẫu Quốc huy đó từ hình dáng, từ hình thức trang trí họa tiết đến nội dung bố cục trình bày hoàn toàn giống mẫu của tôi mà quá trình tôi đã làm từ năm 1953 đến đầu 1955 và đã được Trung ương sơ duyệt. Có khác chăng chỉ là khác nhau về chi tiết của họa tiết (...). Khi xem đến tên tác giả lại là Trần Văn Cẩn (!)”.

Quá trăn trở với điều này, nhưng cũng không muốn làm to chuyện, sinh thời, họa sĩ Bùi Trang Chước từng 2 lần viết đơn khiếu nại lên Chính phủ vào các năm 1973 và 1976. Gần đây, chị Nguyễn Thị Minh Thủy, con gái cố họa sĩ Bùi Trang Chước sưu tầm được cả một “bảo tàng” khổng lồ trước tác và tài liệu của cha nhằm chứng minh cha mình là tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam được thông qua năm 1955.

Vợ họa sĩ Bùi Trang Chước, bà Nguyễn Thị Thục (85 tuổi), cũng viết đơn, ký và điểm chỉ vào đơn gửi lên rất nhiều cơ quan cấp cao rằng: “... Lúc ở trên chiến khu, tôi vẫn hằng xua  muỗi, nấu cháo trắng ăn với muối trắng, đun nước nóng để chồng tôi chống lại cái rét cắt da mà vẽ cho được mẫu Quốc huy (...). Tâm nguyện cuối đời của tôi là nhận được từ Nhà nước sự truy tặng xứng đáng cho chồng tôi”.

Một khó khăn cho công tác “phân xử” này là công việc vẽ mẫu Quốc huy rất công phu, có nhiều người tham gia sáng tác rồi mới “bầu chọn” mẫu hoàn hảo nhất. Trước khi được thông qua, các phác thảo được sửa đi sửa lại kỹ càng, thậm chí nhiều tài liệu còn nói cả về việc Hồ Chủ tịch trực tiếp góp ý cho một số mẫu vẽ. Theo thống kê của gia đình họa sĩ Bùi Trang Chước (tài liệu này được gửi đến nhiều cơ quan trung ương) thì ông Chước đã sáng tác trong suốt 3 năm (1953-1955) miệt mài, tâm huyết, cho ra đời chính xác là 94 bản vẽ, từ đó mới chắt lọc gửi lên cấp trên...

Sự việc càng phức tạp hơn, bởi chính họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng để lại tài liệu có tên tương tự “Chúng tôi làm Quốc huy”. Trong thủ bút này, ông Cẩn viết rõ: “Phần tôi có tham gia 2 mẫu”. Chỉ có điều, trong khi ông Chước tả đúng các bức phác thảo của mình, dưới mỗi bức phác thảo ông còn ký tên; thì những bức vẽ mà ông Cẩn mô tả như trên lại chưa (hoặc có thể nói là không) được tìm thấy!

Xin nêu thêm 1 ví dụ của sự rắc rối nữa để thấy tại sao vụ việc kéo dài đến vài chục năm qua: “Công văn” của Ban Mỹ thuật - ngành Văn nghệ trung ương bấy giờ gửi lên Bộ Tuyên truyền vào ngày 24/11/1954 (do Trưởng ban là họa sĩ Trần Văn Cẩn ký) với nội dung (trích nguyên văn): “Khoảng trung tuần tháng 10/1954, chúng tôi có gửi sang quý Bộ một số mẫu Quốc huy tượng trưng để quý Bộ đưa trình Thủ tướng phủ xem và cho ý kiến quyết định (...). Gần đây Vụ Lễ tân bên Thủ tướng phủ có cho người giục luôn nên chúng tôi cử họa sĩ Bùi Trang Chước, tác giả những mẫu ấy, sang đề nghị quý Bộ cho biết tin tức về các mẫu đã được chọn”.

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nhầm lẫn về tác giả Quốc huy có lẽ ban đầu do ông Trần Văn Cẩn, trưởng ban Mỹ thuật, cầm các bản mẫu lên “nộp” cấp trên. Ông Cẩn là một họa sĩ danh tiếng, cấp trên thấy ông Cẩn nộp thì cứ nghĩ là ông Cẩn vẽ, thế là đề tên vào. Mà đúng là ông Cẩn cũng có sửa chữa góp ý, nên việc lầm lẫn ông Cẩn là tác giả sáng tác ra mẫu ấy lại càng dễ xảy ra.

Những lừng chừng trong việc giải quyết rõ ràng câu hỏi: Ai là tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam, đã gây ra những hệ lụy không nhỏ. Theo bài viết đăng báo mang tên “Tác giả Quốc huy Việt Nam: họa sĩ Trần Văn Cẩn” (bài viết đề ngày 1/5/2002) của một người hết sức nhiệt tình với quan điểm ông Cẩn là tác giả vẽ Quốc huy, nêu rõ: “... Các đồng chí lãnh đạo đã nhất trí lựa chọn mẫu phác thảo của họa sĩ Trần Văn Cẩn” (làm mẫu chính thức).

Tác giả viết: “Đến tháng 9/1996, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật cho cụm tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn, trong đó có công trình vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam (1955)”.

Về vấn đề này, theo quan điểm của ông Lương Xuân Đoàn, hiện công tác tại Vụ Văn nghệ, Ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ, thì đây là một “sơ suất” của Ban tổ chức giải thưởng và “trong thực tế, chưa cần đến nó (công trình vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam năm 1955 - TG) thì cống hiến của ông (Trần Văn Cẩn) đã được khẳng định”.

Như đổ dầu vào lửa, Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam (1955) là ông Trần Văn Cẩn; còn ông Chước có tham gia vẽ nhưng những mẫu ấy không được chọn (còn nữa)

.
.
.