Google dọa cắt dịch vụ khiến Australia giận dữ

Thứ Bảy, 23/01/2021, 08:17
Lời “đe dọa” gỡ bỏ công cụ tìm kiếm mà gã khổng lồ Google đưa ra đã khiến chính phủ Australia giận dữ.


Sự giận dữ của chính phủ Australia diễn ra sau khi đại diện của Google -  bà Mel Silva có phát biểu trước truyền thông nước này vào ngày hôm qua (22/1) khi cho biết Google mong muốn hợp tác xây dựng một Bộ quy tắc thương lượng tự nguyện giữa các nền tảng mạng xã hội và các hãng truyền thông nội địa. 

Tuy nhiên, việc chính quyền các nước trong đó có Australia muốn áp đặt một dự luật mới với nhiều quy tắc bắt buộc sẽ gây ra nhiều rủi ro. Trong trường hợp xấu nhất, giữa hai bên không tìm thấy tiếng nói chung, Google sẽ buộc phải ngừng dịch vụ Google Search hiện đang vận hành tại Australia.

Google "dọa" gỡ bỏ công cụ tìm kiếm đối với người dùng tại Australia.

Phản ứng ngay sau phát biểu trên của đại diện Google, Thủ tướng Australia Scott Morrison tỏ ra giận dữ khi chính quyền và người dân nước này phải chịu sự “đe dọa” của một hãng công nghệ. Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh nước này chỉ chào đón, hợp tác với những đối tác có thiện chí và phải tuân thủ theo pháp luật của nước này…

Trước đó vào năm 2020, Chính phủ Australia đưa ra tuyên bố cứng rắn về việc yêu cầu hai gã khổng lồ công nghệ là Facebook và Google phải trả tiền bản quyền cho việc cho việc sử dụng tin tức lấy từ báo chí trong nước. 

Theo đó, chính phủ Australia sẽ luật hóa một bộ quy tắc ứng xử áp dụng trên các nền tảng kỹ thuật số, yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền cho việc sử dụng tin tức của báo chí, chia sẻ dữ liệu về người tiêu dùng và tuân theo các quy tắc về xếp hạng tin tức trực tuyến. Thực tế, việc này được nhắm vào hai ông lớn Facebook và Google, vốn nắm giữ phần lớn mảng truyền thông kỹ thuật số trên mạng xã hội.

Bộ quy tắc trên sẽ được Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Australia (ACCC) trực tiếp soạn thảo và hoàn thành bộ quy tắc ứng xử để đưa ra lấy ý kiến vào tháng 7. Ngoài nội dung chính liên quan đến yêu cầu bắt buộc đối với các hãng công nghệ phải trả phí cho truyền thông nước này để sử dụng tin bài. Chính quyền Australia cũng sẽ dựa vào bộ quy tắc trên để đưa ra các hình thức xử phạt cho việc không tuân thủ và quy trình giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc. 

B.Châu (t/h)
.
.
.