Dùng trực thăng để phun thuốc trừ sâu

Thứ Bảy, 13/01/2007, 08:20

Tuy việc dùng trực thăng phun thuốc giá thành cao hơn nhiều so với cách phun thủ công của bà con nông dân, nhưng nếu đem so sánh giá thành đó với kết quả nó mang lại như diệt được ổ dịch, cứu được mùa màng trên diện rộng hoặc cả một khu rừng không bị sâu phá hoại thì chắc chắn sẽ lợi hơn nhiều.

Một số nước trên thế giới thường dùng máy bay phun thuốc trừ sâu, hạn chế được rất nhiều thiệt hại. Nước Nga dùng máy bay AH-2 để phun thuốc. AH-2 là loại máy bay cánh quạt, tốc độ nhỏ, đường hạ cất cánh không cần dài. Cánh đồng của họ rộng, trên mỗi khu vực thường có một sân bay để máy bay cất hạ cánh lấy thuốc.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã nhập 12 máy bay AH-2 của Liên Xô, để ở sân bay Vinh nhưng bị một cơn bão lớn đổ bộ vào, phá hủy toàn bộ, chỉ phục hồi được 2 chiếc nên không sử dụng để phun thuốc. Mặt khác, cánh đồng ở nước ta nhỏ, dùng AH-2 phun thuốc nhiều nơi không thích hợp.

Năm 1975, sau khi phục hồi số máy bay trực thăng của Mỹ thu được ở sân bay Biên Hòa, đồng chí Nguyễn Hồng Nhị, Sư đoàn trưởng 372 gợi ý chúng tôi làm một số máy bay phục vụ nông nghiệp. Phòng Kỹ thuật Sư đoàn đã nghiên cứu cải tiến một trực thăng UH-1 để phun thuốc trừ sâu. Công việc ban đầu đối với chúng tôi không ít khó khăn, mặc dù là lính kỹ thuật, nhưng là kỹ thuật máy bay, chưa quen với đồng ruộng và càng không hiểu gì về kỹ thuật phun thuốc.

Việc thiết kế và sản xuất hệ thống thiết bị phun thuốc đặt trên trực thăng tương đối đơn giản, thùng chứa thuốc đặt ngay trong khoang bụng, hệ thống dàn phun lắp ở dưới bụng, phía đằng đuôi, hệ thống điều khiển và đèn tín hiệu lắp trong buồng lái để tiện cho phi công điều khiển.

Nguyên lý phun thuốc là dùng khí thải của động cơ, tạo sự chênh lệch áp suất trong thùng chứa thuốc từ 0,2 đến 0,3 KG/cm2, sự chênh áp đó được xác định bởi một truyền cảm áp suất lắp trong thùng chứa thuốc. Khi phun thuốc, người phi công nhìn thấy đèn xanh, báo hiệu trong thùng còn thuốc thì bật công tắc, van sẽ mở, thuốc từ trong thùng chứa dưới áp lực của sự tăng áp, qua van chảy xuống vòi phun, phun ra ngoài. Khi hết thuốc, đèn đỏ bật lên, kết thúc việc phun thuốc.

Khó khăn nhất của việc thiết kế và sản xuất hệ thống phun thuốc là khâu chế tạo các vòi phun. Yêu cầu đối với vòi phun khi phun thuốc ra phải đạt độ mù, tức là kích thước hạt thuốc phải thật nhỏ, mật độ hạt thuốc phải đạt từ 15 đến 20 hạt/cm2 mới đáp ứng yêu cầu diệt sâu.

Để đảm bảo được các yêu cầu đó, sau khi chế tạo, chúng tôi mời Chi cục Bảo vệ thực vật phía Nam vào sân bay Biên Hòa, theo dõi và đánh giá kết quả, xác định chất lượng qua việc bay phun thử bằng nước. Các cán bộ Chi cục đã mang vào sân bay nhiều tấm kính có kích thước 2x4cm, đặt chúng trên đường băng rồi cho trực thăng bay qua để phun. Căn cứ vào số lượng và kích thước hạt nước để đánh giá chất lượng của thiết bị. Lần thứ nhất kết quả không tốt, hạt nước còn to, mới đạt độ sương, mật độ thưa.

Chúng tôi điều chỉnh lại vòi phun tiếp tục bay thử để phun thuốc. Phải thí nghiệm đi, thí nghiệm lại nhiều lần đến khi đạt được độ mù. Lúc đó, các cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật phía Nam mới xác định đạt được các yêu cầu kỹ thuật của việc phun thuốc.

Đến đây, việc cải tiến trực thăng UH-1 dùng để phun thuốc trừ sâu mới hoàn thành.

Chi cục Bảo vệ thực vật phía Nam cho rằng, sử dụng trực thăng phun thuốc so với máy bay cánh quạt, có các ưu điểm:

Cơ động cao, không cần sân bay, chỉ cần bãi hạ cánh kích thước khoảng 20 x 20m ở giữa cánh đồng, trực thăng có thể lên xuống lấy thuốc bay đi phun được.

Khi phun thuốc, trực thăng có thể bay thấp, dưới tác dụng của gió do cánh quạt trực thăng tạo ra làm cho lá lúa lật đi lật lại, thuốc có thể bám vào cả mặt trên, mặt dưới lá và xuống tận gốc cây, hiệu quả diệt sâu cao hơn và diệt ổ dịch nhanh chóng, không để lây lan sang nơi khác.

Ngày nay vật liệu để làm thiết bị phun thuốc trừ sâu trên thị trường rất sẵn, chúng ta có thể tự sản xuất được, không phải mua của nước ngoài, giá thành hạ.

Việc gá lắp thiết bị phun thuốc lên trực thăng đơn giản, dễ dàng, khi cần tháo ra nhanh chóng, không cản trở đến các hoạt động khác.

Toàn bộ hệ thống được bịt kín, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người phun thuốc.

Dùng trực thăng phun thuốc có thể diệt sâu róm và các loại sâu khác, hạn chế được những thiệt hại cho hoa màu.

Công việc cải tiến kỹ thuật vừa hoàn thành, gặp đúng dịp ở huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre có nạn sâu cắn lúa, Chi cục Bảo vệ thực vật phía Nam đề nghị Sư đoàn 372 cho trực thăng đi phun thuốc, qua đó đánh giá kết quả thực tế. Anh Nguyễn Hồng Nhị, tôi và một số cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật phía Nam cùng đi theo dõi.

Anh Nhị và tôi cùng ngồi trên trực thăng, bay vài chuyến để xem việc lắp hệ thống điều khiển trong buồng lái có phù hợp không. Kết quả thu được theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật phía Nam là rất tốt. Sau đấy, theo yêu cầu của các địa phương, Sư đoàn còn tổ chức nhiều chuyến bay đi phun thuốc trừ sâu ở một số nơi thuộc các tỉnh phía Nam, góp phần bảo vệ mùa màng cho nông dân đạt hiệu quả tốt.

Nhưng rất tiếc, thời gian đó do yêu cầu chiến đấu trên chiến trường Tây Nam, tất cả trực thăng phải tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu, việc phun thuốc trừ sâu không tiếp tục thực hiện được nữa. Và những thiết bị đã được nghiên cứu, sản xuất ra cũng biến thành phế thải.

Tuy việc dùng trực thăng phun thuốc giá thành cao hơn nhiều so với cách phun thủ công của bà con nông dân, nhưng nếu đem so sánh giá thành đó với kết quả nó mang lại như diệt được ổ dịch, cứu được mùa màng trên diện rộng hoặc cả một khu rừng không bị sâu phá hoại thì chắc chắn sẽ lợi hơn nhiều. Mặt khác, nó cũng đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người nông dân khi trực tiếp phun thuốc trên đồng.

Hiện nay, quân đội ta đang sử dụng một số loại trực thăng, nếu Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn - Bộ Khoa học - Công nghệ Môi trường và Bộ Quốc phòng kết hợp sản xuất một số thiết bị phun thuốc trừ sâu, khi có dịch bệnh, lắp lên trực thăng để phun thuốc thì sẽ dập tắt được dịch bệnh trên diện rộng. Đây cũng là kết hợp giữa nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng.

Các nhà máy của Quân chủng Phòng không - Không quân, như A-42, A-41 đều có thể sản xuất được thiết bị này, nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép.

Vì lợi ích của đất nước, mặc dù năm nay đã 73 tuổi nhưng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và truyền đạt lại những kinh nghiệm mà tôi đã làm cho nơi nào sản xuất các thiết bị nói trên, không cần một khoản chi phí nào

.
.
.