Điều trị đau lưng bằng sóng radio

Thứ Sáu, 13/06/2008, 08:41
Thay vì phẫu thuật, bệnh nhân đau lưng do hỏng miếng đệm giữa các đốt sống (thoát vị đĩa đệm) sẽ được chữa trị bằng phương pháp dùng sóng radio cao tần với giá khoảng 17 triệu đồng, gồm khâu chẩn đoán và chạy sóng.

Sau khi chẩn đoán đúng vùng đĩa đệm gây đau, đầu tiên các bác sĩ sẽ dùng kim đưa vào trong đĩa đệm. Tiếp theo, một luồng sóng radio cao tần có nhiệt độ 65oC sẽ được truyền vào đĩa đệm với mục đích hủy đầu thần kinh nhận cảm xúc, giúp bệnh nhân không còn cảm thấy đau.

Theo bác sĩ Thái Thị Hoa, Trưởng Trung tâm điều trị đau, Bệnh viện FV, TP HCM, phương pháp này giúp bệnh nhân tránh được các di chứng vẫn thường gặp trong điều trị xâm lấn bằng phẫu thuật lấy đĩa đệm ra khỏi đốt sống. Đây cũng là cách chữa hiệu quả hơn so với phương pháp đốt bằng laser bởi bảo vệ nguyên vẹn đĩa đệm.

Bệnh nhân điều trị bằng sóng radio sẽ không bị đau, ít biến chứng và có thể xuất viện ngay trong ngày. Một ưu điểm khác là bệnh nhân có thể khỏi hẳn bệnh trong thời gian từ 1 đến 2 năm.

Sóng radio cao tần còn có thể khống chế tốt các bệnh lý mạn tính của vùng thắt lưng, cổ, đau thần kinh tọa, thần kinh ngoại biên... Tuy nhiên theo bác sĩ Hoa, phương pháp chữa này chỉ áp dụng trong những trường hợp thoát vị mới, chèn ép ít, không có các bệnh lý cột sống kèm theo.

Bác sĩ Jacques Bontemps, Trưởng Khoa Chẩn đoán và điều trị đau Bệnh viện Sainte Elisabeth - Namur, Bỉ, người chuyển giao kỹ thuật sóng cao tần radio tại Bệnh viện FV cũng khuyên, tuy phương pháp mang lại hiệu quả cao, nhưng khi bị đau lưng, tốt nhất trước hết người bệnh hãy đi khám tìm nguyên nhân. Sau đó uống thuốc kháng viêm, giảm đau, nếu vẫn không hiệu quả thì mới nghĩ đến chữa trị bằng sóng cao tần.

Cũng theo ông Jacques Bontemps, sau khi điều trị bằng sóng radio, để thời gian tái phát chậm đến, bệnh nhân cần bỏ rượu, thuốc lá, giảm cân với những người béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý và tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên như đi bộ trên nền phẳng, bơi, đạp xe. Người bị thoát vị đĩa đệm cần tránh đi xe đường dằn xóc.

Tuy nhiên theo bác sĩ Jacques Bontemps, trị bệnh vẫn không hay bằng phòng bệnh. Để tránh mắc bệnh, cần phải rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là một cột sống vững chắc. Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng dẫn đến tật gù vẹo cột sống, là một trong những yếu tố gây thoát vị đĩa đệm.

Người lớn tránh khiêng vác, bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Sau khi ngồi khoảng 1 giờ cũng nên đứng dậy nghỉ ngơi 5-10 phút, vừa bảo vệ mắt lại vừa giữ gìn đĩa đệm cột sống. Tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức và kéo dài.  

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến gây đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng cũng như chân tay. Việt Nam có khoảng 17% người trên 60 tuổi bị mắc chứng đau lưng. Còn ở Mỹ, hằng năm có khoảng 2 triệu người phải nghỉ việc do đau thắt lưng. 

Đau thường tái phát nhiều lần, mỗi đợt kéo dài khoảng 1-2 tuần. Ban đầu triệu chứng đau chỉ âm ỉ, nhưng sau đó nếu không điều trị cơn đau sẽ trở nên dữ dội. 

Nguyên nhân gây đau ở thoát vị đĩa đệm thường là do miếng đệm giữa các đốt sống vì một lý do nào đó bị viêm nhiễm, hoặc phồng to, vỡ chèn vào dây thần kinh gây đau. Theo các chuyên gia, việc chẩn đoán đúng nguyên nhân hay miếng đệm nào gây đau, cho đến nay vẫn là bài toán khó.

Theo Thiên Chương (VnExpress)
.
.
.