Điểm chung giữa côn trùng và tội phạm

Thứ Hai, 11/08/2008, 20:59
Các nhà khoa học đã xác định được rằng cách ứng xử của 2 đối tượng này tuân theo một quy luật.

Ong đất khi đi tìm hoa có vị ngọt cố gắng để không rời quá xa tổ của mình. Ngoài ra, chúng chỉ cách tổ một khoảng cách nhất định, để lại một vùng đệm để kẻ tấn công tiềm ẩn không thể xác định được vị trí của những con ong cùng đàn. Nếu thay từ “tổ” sang “nhà”, và biết là những tên tội phạm không tìm kiếm mật hoa mà là “con mồi” thì có thể hình dung ra cách hoạt động của kẻ giết người hàng loạt.

Trên cơ sở suy luận đó người ta đã lập ra phương pháp tìm kiếm những tên giết người mà cảnh sát ở nhiều nước khác nhau vẫn sử dụng. Kỹ thuật này có tên gọi “rà soát theo địa lý”.

Cách thức của nó là các thám tử đánh dấu trên bản đồ vị trí những điểm xảy ra các vụ tấn công trong thời gian gần nhất. Dần dần hiện ra một vùng đệm ở tâm của khu vực các điểm đã được đánh dấu. Thường tội phạm nằm trong vùng đó.

Các nhà khoa học ở Đại học Tổng hợp London, cùng với Giáo sư Kim Rossmo từ Đại học Tổng hợp Texas của Mỹ - một cựu thám tử và là người lập ra kỹ thuật rà soát theo địa lý, đã tìm hiểu xem phương pháp trên hiệu quả đến mức nào.

Trong điều kiện phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tạo ra quanh tổ ong một “vườn” hoa nhân tạo. Sau khi vẽ ra tuyến di chuyển của ong trên bản đồ, họ chứng minh được rằng dựa vào việc phân tích sơ đồ đó, có thể xác định được vị trí để vào tổ ong với độ chính xác cao. Điều đó có nghĩa phương pháp hoàn toàn có giá trị thực tiễn.

Còn thực tế cảnh sát sẽ cho biết phương pháp nói trên hữu hiệu đến mức nào trong việc truy nã tội phạm

Hoàng Thương (theo Utro.ru - Nga) - ANTG 780
.
.
.