Công nghệ cao trong điều tra tội phạm ở các nước

Thứ Tư, 02/09/2015, 19:40
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, lực lượng cảnh sát và an ninh các nước ngày càng được trang bị nhiều thiết bị tối tân phục vụ trong công tác điều tra tội phạm. Báo Công an nhân dân xin giới thiệu một vài kỹ thuật và công nghệ mới đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia.

Camera đo độ căng thẳng tinh thần

Với tên gọi Precobs, phần mềm dự đoán tiền tội phạm này do Viện Nghiên cứu kỹ thuật ở Oberhausen của Đức phát triển và đã được nhiều quốc gia mua về sử dụng. Dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu về địa điểm, thời gian và chi tiết hành vi phạm tội trong quá khứ, Precobs có thể dự đoán thời gian, địa điểm mà hành vi phạm tội có thể xảy ra. Khi một sự cố mới được báo cáo, phần mềm sẽ tiến hành phân tích dữ liệu để tìm kiếm quy luật mô hình tội phạm có thể là mục tiêu của hành vi tội phạm trong tương lai.

Súng ADN nhận diện tội phạm với những viên đạn màu xanh. Ảnh: Gizmag.

Hãng tin AP cho hay, từ phần mềm Precobs của Đức, cảnh sát Anh đã thử nghiệm hệ thống phân tích lịch sử tội phạm để xác định khả năng phạm tội của các thành viên băng đảng ở Anh. Còn Mỹ thì áp dụng phần mềm này cho việc dự đoán khả năng tái phạm của các tù nhân được ra tù.

Chưa hết, khai thác từ việc sử dụng hệ thống camera an ninh, các nhà khoa học Trung Quốc còn phát triển một loại camera có thanh đo độ căng thẳng tinh thần để tìm ra những kẻ tình nghi đánh bom tự sát. Còn Công ty Extreme Reality của Israel thì có hệ thống quét cấu trúc xương của hành khách đi máy bay giúp cán bộ an ninh sân bay phát hiện những kẻ khủng bố hoặc những người có ý đồ xấu.

Precobs, phần mềm dự đoán tiền tội phạm này do Viện Nghiên cứu kỹ thuật ở Oberhausen của Đức phát triển và đã được nhiều quốc gia mua về sử dụng. ảnh: DPA.

Hệ thống sinh trắc học này sử dụng một camera 2 chiều để quét cấu trúc xương hành khách nhằm phân tích các chuyển động của anh ta, sau đó ghi lại vào một "bản đồ xương". Bản đồ này chứa thông tin về khoảng cách các khớp xương và cách thức anh ta di chuyển. Bằng cách so sánh bản đồ này với những lần quét xương sau đó, hệ thống có thể phát hiện sự khác biệt trong cách di chuyển của hành khách. Đây là dấu hiệu cho thấy hành khách bị stress hoặc có thể anh ta đang giấu giếm một ý đồ xấu xa.

Hệ thống nhận dạng thế hệ mới

Cách đây 3 năm, hãng BRS Labs có trụ sở chính tại bang Texas (Mỹ) đã cho ra đời một thế hệ camera phối hợp với máy tính mới có thể phân tích để xem đối tượng đang được nhận diện có thể là tội phạm hay không. Các thiết bị được cài đặt tại những nơi công cộng, cao ốc, nhà ga… sẽ liên tục quét qua các khách bộ hành và đối chiếu với dữ liệu của máy tính.

Nếu phát hiện trường hợp đáng ngờ, nó sẽ gửi tin nhắn hoặc gọi điện đến nhân viên an ninh trong ca trực. Một năm sau đó, thiết bị này lại được phát triển thành công nghệ nhận dạng khuôn mặt NeoFace và đạt được thành công khi giúp cảnh sát Chicago tóm gọn tên cướp Pierre D Martin (35 tuổi).

Năm 2013, công nghệ nhận dạng khuôn mặt NeoFace đạt được thành công khi giúp cảnh sát Chicago tóm gọn tên cướp Pierre D Martin (35 tuổi). ảnh: Slideshare.

NeoFace đã tham khảo khuôn mặt của tên tội phạm này với 4,5 triệu bức ảnh trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát và phát hiện ra danh tính của hắn cùng lịch sử phạm tội là từng bị kết án sử dụng vũ khí trái phép và sở hữu xe hơi ăn cắp năm 2009.

Đầu năm nay, công nghệ nhận diện tội phạm bằng phần mềm máy tính lại có bước đột phá từ sau khi nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Sinh trắc học CyLab, Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) công bố hệ thống chuyển đổi ảnh bình thường thành ảnh 3D, cho phép tái tạo gương mặt nghi phạm ở nhiều góc độ nhằm nâng cao khả năng nhận diện và giúp cảnh sát khoanh vùng nghi phạm nhanh hơn.

Nghĩa là khác với cách thông thường là ghép từng bộ phận của khuôn mặt, công nghệ mới này cho phép nạn nhân và nhân chứng sàng lọc nhanh khuôn mặt giống với nghi phạm (được tạo ra trên máy tính) rồi từ đó tạo ra khuôn mặt thật của nghi phạm. Nhận thấy đây là một phương cách làm việc hợp lý, đỡ tốn thời gian và công sức của cơ quan điều tra, mới đây, FBI đã tạo lập một dự án phân tích sinh trắc học trị giá 1 tỷ USD với tên gọi “Hệ thống nhận dạng thế hệ mới” (NGI), trong đó bao gồm cả việc nhận dạng giọng nói và phân tích ADN để nhận diện hình dạng khuôn mặt nghi phạm.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát các nước còn chú ý đến công trình nghiên cứu của Đại học Adelaide (Australia) vừa được giới thiệu với cảnh sát nước này hồi cuối tháng 1 vừa qua. Theo đó, với các đối tượng phạm tội dùng bịt mặt và luôn di chuyển, dựa vào các cơ sở dữ liệu được ghi lại qua camera, lực lượng cảnh sát có thể khắc họa được chân dung của nghi phạm.

Việc xây dựng chân dung đối tượng được thực hiện sau khi xác định được 8 loại số đo cần thiết, gồm: chiều cao cơ thể, chiều dài từ xương hông đến bàn chân, chiều dài của cổ tay đến khuỷu tay, quai hàm, xương chậu, chiều rộng ngực, chiều rộng của khuôn mặt và hộp sọ. Những chỉ số liên quan như chiều rộng của dạ dày, cánh tay và bắp chân hoặc những bộ phận cơ thể khác bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự tăng hay giảm cân sẽ giúp xây dựng chân dung đối tượng một cách chính xác hơn.

Và công nghệ nhận dạng ADN

Từ nhiều năm nay, xét nghiệm mẫu ADN là nguồn thông tin, chứng cứ quan trọng phục vụ truy nguyên đối tượng, điều tra vụ án. Và công nghệ về nhận diện tội phạm thông qua ADN vì thế cũng ngày càng phát triển với những tính năng độc đáo. Chẳng hạn tại Mỹ, các nhà khoa học có thể tái tạo lại hình ảnh tội phạm nhờ sử dụng ADN thu được tại hiện trường vụ án và công nghệ lắp ráp ảnh phân tử. Công ty Parabon NanoLabs thì giới thiệu công nghệ phân tích ADN mới có khả năng nhận diện khuôn mặt tội phạm với hình ảnh 3D, giúp tái hiện chính xác màu mắt, tóc, khuôn mặt của đối tượng. Công nghệ này mang tên “Snapshot” và lượng ADN cần dùng để  cho vào máy chỉ khoảng 9,6 nanograms. Thậm chí, Snapshot còn có khả năng phân tích chính xác nguồn gốc tổ tiên của đối tượng.

Máy xét nghiệm ADN cho kết quả nhanh giúp truy tìm tội phạm. ảnh: Slideshare.

Trước đó, cảnh sát Anh và Mỹ đã được cho sử dụng thử nghiệm 2 dòng sản phẩm súng lục và súng trường ADN. Súng sử dụng đạn nhỏ màu xanh lá, nặng chưa đến 1g, mỗi băng đạn chứa khoảng 20 viên có cùng một đoạn mã AND, giúp cảnh sát dễ dàng truy bắt thủ phạm hoặc nghi phạm trong trường hợp hỗn loạn. Tầm bắn của khẩu súng này chính xác ở khoảng cách tối đa 40m và không hề gây bất kỳ tổn thương nào cho người bị trúng đạn. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất vẫn là chiếc máy xét nghiệm ADN RapidHIT do Công ty IntegenX của Mỹ và Key Forensic Services của Anh phối hợp sản xuất. Đặc điểm nổi bật của chiếc máy này là nó có khả năng mang lại kết quả nhận diện tội phạm chỉ trong 90 phút đồng hồ. Hệ thống ADN RapidHIT giúp tạo hồ sơ đầy đủ, thành công từ mọi vật dụng đa dạng của vụ án, như răng, cổ chai, tàn thuốc lá, quần áo và các bệnh phẩm. Điều quan trọng hơn, nó không yêu cầu người dùng phải có bất cứ kiến thức chuyên môn nào. Tất cả những gì nó yêu cầu là một người nhập mẫu ADN vào và sau đó nó sẽ tiến hành so sánh mẫu đó với cơ sở dữ liệu AND. Arizona đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ sử dụng loại máy xét nghiệm này. Dự kiến, vào cuối tháng 8, ADN RapidHIT sẽ được trang bị cho toàn bộ các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.
.