Chụp cắt lớp có khả năng gây ung thư?

Thứ Bảy, 15/12/2007, 11:36
Trong một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Y khoa New England, nhóm nhà nghiên cứu ở Trung tâm Y khoa Đại học Columbia đánh giá rằng, kỹ thuật chụp cắt lớp với sự trợ giúp của máy tính (CT) xét nghiệm bệnh tật có khả năng gây ra 2% trong số toàn bộ các ca bệnh ung thư ở Mỹ trong 20 đến 30 năm sau này.

Nhưng một số chuyên gia chỉ ra rằng đây chỉ là sự đánh giá lý thuyết dựa trên dữ liệu từ các nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật Bản trong Thế chiến II. Mặc dù vậy dự báo cũng gây lo ngại không ít cho những bệnh nhân buộc phải chụp CT.

Tác giả nghiên cứu David Brenner, Giáo sư Khoa Ung thư Đại học Columbia, nói: "Liều lượng phóng xạ trong chụp CT làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư là điều rõ ràng đã được chứng minh. Cho dù nguy cơ đối với một người là không lớn, song sự gia tăng phơi nhiễm phóng xạ trong cộng đồng là một vấn đề cần quan tâm  trong tương lai...

Carl Schultz, Giáo sư Khoa Cấp cứu Đại học Y khoa Irvine, California, nói: “Không có bằng chứng cuối cùng để cho rằng có nguy cơ xấu như thế. Tôi không nói phóng xạ vô hại. Nhưng tôi nói chúng ta tuyệt đối chưa hình dung được nguy cơ thật sự do chụp CT gây ra”.

Hiện nay chụp CT là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện được rất nhiều bệnh - từ xuất huyết trong não đến ung thư phổi và bệnh viêm ruột thừa.

Trong quy trình chụp, máy chụp CT xoay quanh một bộ phận thân thể bệnh nhân, thực hiện những hình ảnh xuyên cơ thể cung cấp cho máy tính đưa ra hình ảnh 3D. Mặc dù hình ảnh 3D là bước tiến bộ lớn về mặt X-quang, song liều phóng xạ mà bệnh nhân hấp thu cũng cao hơn nhiều.

Theo nhóm nghiên cứu, bệnh nhân chụp CT vùng bụng phơi nhiễm phóng xạ cao hơn X-quang vùng tương tự đến 50 lần.

Robert Smith, Giám đốc chẩn đoán ung thư bằng hình ảnh của Hội Ung thư Mỹ, nói: “Công cụ chẩn đoán hình ảnh mạnh hơn gây ra sự phơi nhiễm phóng xạ lớn hơn. Đặc biệt đối với bệnh nhân nhi”.

Theo nghiên cứu, trẻ em nhạy cảm với phóng xạ hơn người lớn 10 lần, do đó nguy cơ cũng cao hơn. Cynthia McCollough, nhà vật lý phóng xạ của Bệnh viện Mayo ở Rochester (bang Minnesota), nói: “Các mô của trẻ em nhạy cảm với phóng xạ hơn người lớn, chúng sống lâu hơn người lớn do đó ung thư có nhiều thời gian hơn để phát triển. Phóng xạ từ chụp CT mà ta hấp thu khi còn nhỏ tuổi sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đến 25,1%”, McCollough giải thích.

Tuy nhiên, các chuyên gia khoa ung thư không đồng ý về mức độ nguy cơ cao đến mức chính xác nào.

Trong khi đó nhóm nghiên cứu ở Đại học Columbia chỉ đơn thuần dựa vào số nạn nhân bom nguyên tử còn sống sót đến ngày nay ở HiroshimaNagasaki. Họ nói rằng những người có mặt cách xa điểm bom nguyên tử nổ vài kílômét đã chết do nhiễm phải liều phóng xạ tương đương với liều mà bệnh nhân hấp thu từ chụp CT.

Tuy nhiên, các chuyên gia không nghĩ rằng nguy cơ ung thư hiện tại có thể được đánh giá từ dữ liệu của Nhật Bản bởi vì phóng xạ bom nguyên tử và phóng xạ trong y khoa khác nhau đáng kể. Theo Schultz, sai lầm ở đây là nhóm nghiên cứu đã ngoại suy dữ liệu bom nguyên tử sang phóng xạ trong y khoa, tức là “cũng giống như so sánh quả táo với quả cam”.

Giáo sư Schultz giải thích: “Phóng xạ từ vụ nổ bom nguyên tử chủ yếu là phóng xạ gamma và bị hấp thu trong lần phơi nhiễm duy nhất. Phóng xạ trong y khoa gần với phóng xạ bêta hơn, hoàn toàn được làm yếu đi bởi tấm chắn bảo vệ và có năng lượng thấp hơn”. Do có nhiều ứng dụng và cũng dễ sử dụng nên số ca chụp CT ở Mỹ hiện nay đã tăng đáng kể - từ 3 triệu năm 1980 đến hơn 68 triệu hiện nay.

Bà Devra Davis, Giám đốc Trung tâm Ung thư học môi trường của Viện Ung thư Đại học Pittsburgh, giải thích rằng có 2 lý do chính dẫn đến sự gia tăng khủng khiếp này.

Bà nói: “Thứ nhất, chúng ta thường sử dụng công nghệ đơn giản chỉ vì nó thích hợp cho dù không cần thiết phải thế, và cũng không nghĩ đến mức tác động tiêu cực đến sức khỏe. Thứ hai là vấn đề y khoa phòng bệnh. Sự gia tăng những vụ kiện cáo đã đặt bác sĩ vào tình huống cảnh giác cao độ khi sử dụng mọi công nghệ có trong tay để chẩn đoán cho bệnh nhân”.

Trong khi chụp CT chắc chắn tạo điều kiện cho việc chẩn đoán bệnh dễ dàng hơn, thì các nhà nghiên cứu nói rằng khoảng 1/3 các trường hợp chụp CT có thể được thay thế bằng một số phương pháp khác hoặc có khi không cần.

Nếu thật sự là 1/3 số trường hợp không cần chỉ định chụp CT thì có lẽ 10 triệu người lớn và hơn 1 triệu trẻ em Mỹ trong một năm không nhất thiết phải hứng chịu phơi nhiễm phóng xạ! Có lẽ giải pháp đúng là chụp CT chỉ dùng trong khoa cấp cứu, còn ngoài ra nên sử dụng những giải pháp chẩn đoán hình ảnh khác như là kỹ thuật MRI.

Davis nói: “Số ca chỉ định chụp CT có thể được giảm bớt nhờ vào siêu âm và MRI. Chụp CT là cách thức quan trọng và hiệu quả cho khoa cấp cứu, nhưng thực tế kỹ thuật đã bị lạm dụng thay cho số công nghệ khác”

Di An (theo ABC) - ANTG số 714
.
.
.