Chích thuốc ngừa thai vẫn có thai!

Thứ Sáu, 21/09/2007, 20:32
Gần đây các cơ sở y tế đang áp dụng một số biện pháp tránh thai mới là dùng que cấy thuốc dưới da hoặc chích thuốc để ngừa thai. Thế nhưng có trường hợp vẫn có thai ngoài ý muốn đến 3-4 tháng mà bác sĩ không biết, bệnh nhân không hay.

Khi có đủ hai con, chị N.T.H.P. (25 tuổi, quận Tân Phú, TP HCM) chọn phương pháp chích thuốc ngừa thai để kế hoạch hóa gia đình. Cứ ba tháng một lần chị lại đến Bệnh viện quận Tân Phú, TP HCM để chích thuốc ngừa thai DMPA theo hẹn của bác sĩ. Lần chích thuốc gần nhất và là mũi chích thứ sáu vào ngày 27/7 năm nay. Người thực hiện thăm khám và chích thuốc cho chị H.P. là bác sĩ trưởng khoa sản T.T.M.

Đầu tháng chín, chị H.P. cảm thấy người khang khác, có triệu chứng như ốm nghén nên đã đến Bệnh viện Tân Phú khám lại. Qua siêu âm, cả bác sĩ và chị H.P. đều tá hỏa khi phát hiện chị đã có thai khoảng 14 tuần.

Do thai lớn tháng, ngày 12/9 Bệnh viện Tân Phú phải có giấy chuyển viện gửi chị H.P. lên Bệnh viện Hùng Vương để "giải quyết". Kết quả siêu âm thai tại Bệnh viện Hùng Vương ngày 13/9 cho thấy chị H.P. đã có thai 16 tuần.

Thầy thuốc kỹ lưỡng

TS Vũ Thị Nhung nói: về phía thầy thuốc, trước khi thực hiện biện pháp tránh thai cho khách hàng phải tuân thủ nguyên tắc chuyên môn: hỏi, thăm khám kỹ (test thử thai, siêu âm, khám lâm sàng...) để loại trừ có thai; tháng đầu tiên áp dụng biện pháp tránh thai yêu cầu khách hàng đi khám kiểm tra; khi khách hàng quên ngày có kinh chót, trễ kinh, đến chích thuốc không đúng hẹn, nghi ngờ nhưng chẩn đoán chưa thấy có thai phải hẹn hai tuần sau quay lại tái khám, xét nghiệm để kịp thời phát hiện có thai ngoài ý muốn.

Như vậy, nếu tính ngược thời gian chích thuốc ngừa thai lần thứ sáu thì tại thời điểm chích thuốc chị H.P. đã có thai hơn một tháng, nhưng bác sĩ T.T.M. vẫn không biết và tiếp tục chích thuốc ngừa thai cho chị.

Kiểm tra rất kỹ

Bác sĩ Đinh Thanh Hưng - giám đốc Bệnh viện Tân Phú - xác nhận đúng là chị H.P. đã chích thuốc ngừa thai DMPA tại bệnh viện mũi thứ sáu vào ngày 27/7 và hiện có thai khoảng 14-15 tuần, dù chị đi chích thuốc rất đều theo hẹn. Bệnh viện đã chuyển chị lên Bệnh viện Hùng Vương và hỗ trợ thanh toán các khoản chi phí phá thai tại bệnh viện cho chị.

Ông Hưng cho rằng trường hợp chị H.P. có thai khi đang chích thuốc ngừa là việc xảy ra ngoài ý muốn, vì bất kỳ biện pháp ngừa thai nào cũng có thể có một tỉ lệ nhỏ có thai.

"Chúng tôi đã cho kiểm tra lại sự việc, xem xét hồ sơ theo dõi thấy bác sĩ T.T.M. có thăm khám, kiểm tra rất kỹ cho chị H.P. trước khi chích mũi thứ sáu: có cân nặng, đo huyết áp, nhiệt độ, khám cổ tử cung nhưng chị này khó khám nên không phát hiện có thai. Trước đó nửa tháng chị H.P. cũng đã được bác sĩ siêu âm nhưng chưa phát hiện có thai" - ông Hưng khẳng định như vậy.

TS Vũ Thị Nhung - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cho biết do chị H.P. đã có thai lớn tháng nên bệnh viện không thể áp dụng biện pháp hút điều hòa kinh nguyệt hay nạo thai mà phải dùng phương pháp phá thai to. Do thai lớn nên bệnh viện đã giải thích, yêu cầu gia đình ký cam kết làm thủ thuật phá thai và chấp nhận rủi ro có thể xảy ra trong lúc thực hiện phá thai như thủng tử cung... hoặc sau thủ thuật như băng huyết, sót thai, sót nhau, dính buồng tử cung, vô sinh...

Theo TS Nhung, nếu chị H.P. được bác sĩ phát hiện có thai sớm (khi đến chích mũi thứ sáu), lúc đó thai còn nhỏ thì việc giải quyết bỏ thai sẽ nhẹ nhàng, ít nguy hiểm hơn.

Tỉ lệ có thai rất thấp

Theo TS Nhung, chích thuốc ngừa thai DMPA có tác dụng ức chế làm trứng không rụng trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, sự ức chế này cao hay thấp còn tùy thuộc nồng độ thuốc tồn tại trong cơ thể, và nồng độ này cũng tùy thuộc cơ thể mỗi người do có sự biến dưỡng khác nhau. Nếu thuốc không đủ ức chế việc rụng trứng thì trứng vẫn rụng và việc có thai có thể xảy ra với tỉ lệ khoảng 0,02%. Đặc biệt là trong tháng đầu mới tiêm thuốc thì tỉ lệ ngừa thai thất bại sẽ cao hơn.

Do đó, bác sĩ bao giờ cũng phải theo dõi và hẹn tái khám trong tháng đầu tiên để kiểm tra. Với thuốc chích ngừa thai ba tháng một lần, càng về thời gian cuối của lần chích kế tiếp nồng độ thuốc trong cơ thể càng có thể giảm đi nên "vỡ kế hoạch" có thể xảy ra dù tỉ lệ rất thấp.

Để tránh "vỡ kế hoạch", chị em nên đi chích thuốc đúng hẹn. Nếu chích trễ một tuần thì tỉ lệ có thai có thể lên đến 2-3%. Trong trường hợp không thể đến đúng hẹn nên dùng biện pháp ngừa thai hỗ trợ khác như sử dụng.

Theo Lê Thanh Hà (Tuổi trẻ)
.
.
.