Cấp cứu bệnh nhi và chuyện về chiếc máy thở thông minh

Chủ Nhật, 01/06/2014, 14:19
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (HSTC-CĐ) của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh, tuần qua tại đây vẫn đang điều trị cho 60 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), và đặc biệt vẫn còn những ca trẻ bị sởi biến chứng phải thở máy. Điều đáng nói là liên quan tới phác đồ cứu sống rất nhiều những trường hợp trẻ mắc bệnh truyền nhiễm nặng được điều trị tại nơi này, là chiếc máy thở được cài đặt phần mềm ứng dụng “thông minh” đã được áp dụng từ đầu mùa dịch tới nay. 3 trường hợp sởi biến chứng viêm phổi nặng được cứu sống trong tháng qua là một ví dụ.

Tại phía Nam, ngoài việc đối phó với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như TCM, thủy đậu, sốt xuất huyết... đang vào mùa, ngành Y tế thành phố cũng vẫn luôn đề cao cảnh giác với các trường hợp trẻ mắc bệnh sởi. Trong số hơn 1.300 ca sởi nhập viện điều trị ở phía Nam từ đầu năm tới nay, với nhiều ca nặng biến chứng, không có ca nào tử vong do sởi là một sự cố gắng rất lớn từ phía người thầy thuốc.

3 trường hợp bệnh Nhi mắc sởi rất nặng mà họ vừa cứu sống được, đó là bệnh nhi L.X.T (nam, 8 tháng tuổi, ngụ tại quận Tân Bình); một bé gái chưa có tên, 21 tháng tuổi, là con của chị Dư Thị Tuyết Vân (ngụ tại Bạc Liêu) và bé Đ.M.D. (13 tháng tuổi, ngụ tại Cần Giuộc - Long An), vừa được cai máy thở và xuất viện vào 27/5 vừa qua.

Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1, nơi cứu sống nhiều ca bệnh nhi nặng.

 “Là BS, chúng tôi đau lòng lắm khi ai đó nhắc tới con số trẻ trên toàn quốc vừa qua bị tử vong do sởi ...”. BS Tiến trải lòng. Trong bệnh sởi, theo BS Tiến, ngoài biến chứng phổ biến là sốc (suy tuần hoàn với triệu chứng rối loạn huyết động, không đo được huyết áp); suy hô hấp, trẻ còn bị biến chứng viêm phổi, hay co giật và viêm não. Việc cấp cứu khi trẻ vào sốc, thì qui trình mà điều dưỡng nơi này phải thuần thục là “đo huyết áp động mạch xâm lấn và “đo áp lực tĩnh mạch trung tâm” và mùa dịch năm nay có thêm chiếc máy thở hỗ trợ đắc lực với chế độ “hai mức áp lực” mà họ vẫn gọi là chiếc máy thở thông minh.

Tất cả để theo dõi bệnh nhi liên tục, đánh giá khối lượng thể tích tuần hoàn đủ hay thiếu để xử trí kịp thời. “Đủ thể tích tuần hoàn thì cho thuốc vận mạch (giúp tăng cường co bóp cơ tim, tăng cường huyết áp), thiếu thì nhất định phải truyền bù dịch. Mọi thao tác phải thật đúng lúc, vì nếu không trẻ sẽ bị thiếu o xy lên não, tính mạng khi ấy là khó lường!”. BS Tiến kết luận!.

Ngoài ra, theo BS Tiến, dựa trên những hệ thống máy móc trên, BS còn có thể rút máu để thử các xét nghiệm cần thiết, đánh giá tình trạng “tưới máu mô và sử dụng oxy mô”; các máy móc theo dõi tình trạng khí máu động mạch (chỉ số PH; HCO3¯; BE; ); Lactate máu; độ bão hòa oxy máu tĩnh mạch trung tâm... Những câu từ chuyên môn nghe thật khô khan, giống như việc liệt kê tên các loại máy móc vậy, nhưng theo như BS Tiến, nghe khô khan vậy nhưng là những chỉ số quan trọng giúp cho việc hồi sức bệnh nhi tốt hơn. Vì cải thiện thêm được những chỉ số trên là “trẻ sống!”.

Tuy chưa thống kê hay mở một cuộc khảo sát nghiên cứu cụ thể về phần mềm chế độ “thở máy 2 mức áp lực” áp dụng cấp cứu, hồi sức tích cực cho bệnh nhi tại nơi này, nhưng theo BS Tiến, từ những trường hợp trẻ được cứu sống có chỉ định phải thở máy trong mùa dịch này, với phần mềm thông minh được cài đặt là điều mà họ muốn nói tới như một sự chia sẻ về niềm vui trong nghề nghiệp. Nhờ có chiếc máy này, giúp cho khi bệnh nhi thở máy, không tự điều chỉnh hơi thở, được “hỗ trợ” một cách đồng bộ. Nói cách khác, phần mềm mới được cài đặt, có thể “hiểu ý” bệnh nhân, hỗ trợ thêm, cùng đồng bộ với hơi thở “hít vào - thở ra” của bệnh nhi. Trái ngược với máy thở “kiểm soát áp lực” thông thường, có khi bệnh nhi hít vào, máy lại bơm ra và ngược lại.

Mặt khác, ở bệnh nhi thở máy thường phải dùng thuốc an thần để trẻ ngủ sâu, nhưng cũng có nguy cơ gây tác dụng phụ. Dùng máy thở thông minh, giảm lượng thuốc an thần, tri giác trẻ cũng tốt hơn, tỉnh hơn và giảm sự gắng sức ở bệnh nhi. Do đó, thay vì phải thở máy cả tuần với máy thường, ở máy “hai mức áp lực” sẽ được cai máy thở nhanh hơn. Thở máy lâu dễ gây nguy cơ nhiễm khuẩn BV, rất nguy hiểm.

Mùa dịch năm nay, ở khoa HSTC-CĐ còn duy trì một phòng cách ly đặc biệt gọi là Phòng “cách ly áp lực dương”, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhi tới tối đa. Căn phòng được trang bị một chiếc máy đặc biệt có tính năng hút, tập trung và tiêu diệt ngay mọi vi khuẩn xâm nhập. Được đầu tư hơn 1 tỉ đồng từ chương trình phòng chống cúm năm 2009.

Với 112 trẻ tử vong từ bệnh sởi và nghi sởi được ghi nhận trong đợt sởi vừa qua là nỗi đau không chỉ riêng của các gia đình bệnh nhi, mà cả của ngành Y tế và các bác sĩ. Ghi nhận trong những ngày này, bệnh TCM, sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng, nguy cơ “dịch chồng dịch” là nỗi lo của ngành Y tế. Bệnh TCM đã xuất hiện tại 59 địa phương với 1.794 trường hợp trẻ mắc. Số trẻ mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng, tập trung chủ yếu ở phía Nam. Ngày 29/5, cả nước ghi nhận thêm 30 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.950 trường hợp mắc sởi xác định trong số 25.512 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh, thành phố.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố ngoài việc tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, còn phải thu dung, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị. Mọi biện pháp có thể giảm thiểu nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi cần được thực hiện cấp kỳ. Máy thở thông minh (bản chất là “phần mềm thông minh”), mà BV Nhi đồng 1 là một địa chỉ rất cần thiết để các nơi tham khảo trong công tác điều trị chống nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm đang vào giai đoạn đỉnh dịch hiện nay

Huyền Nga
.
.
.