Cẩn trọng khi nhỏ mắt với các thuốc co mạch

Chủ Nhật, 05/07/2009, 11:34
Mỏi, khô mắt vì ngồi máy tính lâu, ngứa, rát mắt vì bụi đường, khói xăng, bị đau mắt đỏ, sưng, viêm vùng mắt…, nhiều người đã mua các loại thuốc nhỏ mắt về dùng hàng ngày. Thói quen tưởng như rất vệ sinh và vô hại này lại khiến không ít người phải vào viện khám, thậm chí chịu biến chứng nặng, vì tự ý dùng sai thuốc. Trong đó, nổi lên là các thuốc chứa chất làm co mạch.

Chúng tôi đã trao đổi với ThS Vũ Thị Tuệ Khanh, Khoa Kết - giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương xung quanh vấn đề này.

Dễ chịu nhưng nguy hiểm

Mát mắt, sạch, hết khô, hết ngứa là cảm giác rất dễ chịu mà người dùng thường có ngay sau khi nhỏ mắt. Chính vì thế, nhiều người thường dùng thuốc nhỏ mắt hằng ngày và kéo dài. Theo ghi nhận của Khoa Kết - giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương, rất nhiều người ưa nhỏ mắt bằng các loại thuốc có corticoid.

Trong khi đó, có rất nhiều bệnh nhân bị suy giảm thị lực nghiêm trọng do lạm dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid phải vào Bệnh viện Mắt Trung ương điều trị.

Có trường hợp bị tăng nhãn áp do dùng các thuốc có chứa hàm lượng corticoid cao, giống như các thuốc polydexa hay dexacol kéo dài tới 3 năm, khiến khả năng thị giác bị suy giảm nghiêm trọng. Có trường hợp mới chỉ 17, 18 tuổi, nhưng đã bị mù do biến chứng thiên đầu thống (glocom), mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc tự ý dùng sai thuốc nhỏ mắt.

Bán tràn lan

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các loại thuốc nhỏ mắt bị lạm dụng quá nhiều, là do thuốc được bán tràn lan. Tuy có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng các hiệu thuốc vẫn dễ dàng bán cho người bệnh mà không cần đơn kê.

Thời gian gần đây, ngoài các loại thuốc như polydexa hay thuốc chứa corticoid, các loại thuốc được quảng cáo là bổ dưỡng mắt, nhưng vẫn chứa hoạt chất co mạch cũng được bày bán dễ dàng.

Người bệnh thì có thói quen nguy hiểm là tự ý mua thuốc khi có dấu hiệu bệnh và có quan điểm, thuốc nhỏ mắt nếu không chữa khỏi bệnh thì cũng không gây nguy hiểm như thuốc uống, thuốc tiêm. Trong khi đó, việc dùng các loại thuốc nhỏ mắt có corticoid phải theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.

Cơ chế gây hại

Vì một lý do tác động nào đó, mắt chúng ta bị đỏ lên vì cơ chế giãn mạch. Các loại thuốc nói trên lại chứa chất làm co mạch, nên chỉ cần nhỏ một vài giọt là chúng ta có cảm giác dễ chịu ngay. Nhưng thực tế, mắt người có cấu tạo một hệ thống vùng bè xung quanh lòng đen, giống như bọt biển, có chức năng lọc, đào thải, luân chuyển trong mắt.

Thuốc corticoid thường tồn tại dưới dạng những tinh thể rất nhỏ, không tan trong nước. Vì thế, khi nhỏ thuốc có corticoid, dịch không hòa tan này sẽ đi qua vùng bè, gây lắng đọng và gây bít tắc vùng bè, làm cho nước thải trong mắt không luân chuyển được và gây ra hiện tượng tăng nhãn áp. Nếu dùng thuốc kéo dài thì điều này càng trở nên nguy hiểm hơn.

Đối với bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng, khi bệnh tăng lên theo thời tiết hoặc theo dị ứng nguyên, thì nên dùng thuốc ức chế viêm mạnh hơn là kết hợp với thuốc chống dị ứng. Nhưng nhiều người không biết căn nguyên gây bệnh và chỉ dùng thuốc ức chế viêm, gây nhiều tác dụng phụ, trong đó đáng tiếc là có nhiều bệnh nhân tuổi còn rất trẻ.

Đặc biệt, đây là những người dễ lạm dụng thuốc kéo dài nhất, có khi tới 2-3 năm, vì bệnh hay tái phát. Trong khi đó, có trường hợp chỉ dùng thuốc 1 - 2 tháng đã bị biến chứng tăng nhãn áp. Đặc biệt, người bị viêm kết mạc dị ứng dùng thuốc chống viêm, nếu không được theo dõi của bác sỹ sẽ có nguy cơ bị mù lòa cao.

Không phải cứ bệnh mắt là nhỏ thuốc

Các loại thuốc có chất co mạch chỉ điều trị triệu chứng, chứ không điều trị hết căn nguyên gây bệnh. Nếu thấy hết triệu chứng sau khi nhỏ các thuốc này, người bệnh không nên nhầm lẫn là khỏi bệnh, coi đây là thuốc tốt và tự ý dùng kéo dài.

Điều này không những không khiến bệnh khỏi hẳn, mà còn làm giảm hiệu quả chống viêm, chống dị ứng và có thể gây tác dụng phụ. Bất kể bệnh nào dùng thuốc cũng cần có sự tư vấn của bác sỹ. Dân gian có câu "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", người có triệu chứng bất thường ở mắt nên từ bỏ ngay thói quen tự mua thuốc về dùng

Trần Tân Hương (thực hiện)
.
.
.