Cần có nhận thức tốt hơn về Luật Sở hữu Trí tuệ

Thứ Ba, 01/05/2012, 14:10

Vừa qua, Đoàn Thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã tiến hành kiểm tra và phát hiện Trường Quốc tế APU (APU) - một tổ chức giáo dục tại TP Hồ Chí Minh, vi phạm nghiêm trọng luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) do sử dụng các phần mềm không có bản quyền.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một tổ chức giáo dục tư bị thanh tra có liên quan đến việc vi phạm các chương trình máy tính có bản quyền.

Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, đoàn thanh tra đã phát hiện một lượng lớn phần mềm trái phép đang được sử dụng tại hai cơ sở của trường APU, bao gồm các phần mềm Microsoft Windows Server 2003, Microsoft Windows 7, Microsoft Office 2010, Microsoft Office 2007, Microsoft Office 2003, MTD2002, Adobe Photoshop CS 5 trên 52 máy tính của công ty TNHH Phát triển Giáo dục APU có trụ sở tại 286 Lãnh Bình Thăng, phường 11, quận 11, và Microsoft Office 2010, Microsoft Office 2007, Microsoft Office 2003, MTD2002 trên 13 máy tính của trường Tiểu học APU có địa chỉ tại số 501 Lạc Long Quân, phường 5, quận 11.

Có thể nói vi phạm của trường APU đã ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín và danh tiếng khó khăn mới xây dựng được đối với công chúng nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng, những người đã đặt niềm tin qua việc gửi con cái họ đến trường học tập.

Đáng nói là các tổ chức giáo dục nói chung hay hệ thống tư thục như trường tư APU, được xem là mang trọng trách dạy dỗ các thế hệ tiếp theo của chúng ta về những giá trị công dân đồng thời với chuyển tải phương thức để trở thành những công dân có trách nhiệm, lực lượng nòng cốt cho đất nước góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước. Họ đã đưa ra tấm gương chưa tốt khi sử dụng phần mềm bất hợp pháp.

Có thể thấy một trong những lý do tại sao Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỉ lệ phần mềm lậu cao nhất thế giới, ở mức trên 80%, cho thấy sự xem thường của những người sử dụng công nghệ đối với luật pháp.

Ý thức của việc thực thi luật SHTT vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Nhằm cải thiện tình hình này, đã đến lúc Việt  Nam phải có những hành động quyết liệt hơn nhằm thay đổi thói quen xấu, thông qua các phương tiện truyền thông, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của công chúng về việc bảo vệ luật SHTT.

Do đó, các tổ chức giáo dục nên đi tiên phong trong việc nghiêm túc thực hiện luật SHTT. Các quy định và việc thực thi chặt chẽ hơn không những sẽ bảo vệ người dân khỏi những sản phẩm không chính hãng mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và mang tính cạnh tranh tích cực tại Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, nạn sao chép phần mềm lậu không những ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành công nghệ trong nước mà còn cản trở sự sáng tạo và đổi mới. Lợi nhuận từ nạn sao chép phần mềm lậu sẽ tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật khác như như trốn thuế, rửa tiền, trộm cắp... Thực thi luật SHTT là cần thiết đối với bất kỳ tổ chức và cá nhân nào để tận hưởng được những lợi ích chính hãng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật, quyền nâng cấp và thêm các tính năng mới. Quan trọng hơn, khi sử dụng phần mềm chính hãng, tổ chức và doanh nghiệp có thể tránh xa rắc rối về pháp lý, giảm đi các ảnh hưởng tiêu cực về uy tín và thương hiệu  cho doanh nghiệp.

Hơn thế nữa, luật SHTT chính là công cụ đo mức độ phát triển của một quốc gia. Đặc biệt, chúng ta đang sống trong một nền “kinh tế tri thức”, do đó việc tuân thủ luật SHTT sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và nhiều người trong nền kinh tế đó. Việc bảo vệ luật SHTT sẽ khuyến khích đổi mới và sáng tạo, điều này sẽ tạo ra sự phát triển và nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong công việc.

Việc Việt Nam đã trở thành một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang nỗ lực đạt được mục tiêu đề ra là trở thành một trong những thị trường công nghệ lớn nhất trong khu vực, thì luật SHTT lại càng có lý do hơn để được quan tâm. Vì vậy, giáo dục được xem là nền tảng quan trọng nhằm thay đổi và loại bỏ các thói quen xấu đang tồn tại của việc vi phạm SHTT như hiện nay và các thế hệ mầm non, các thế hệ sinh viên Việt Nam nên được trang bị những kiến thức và có nhận thức tốt hơn về luật SHTT ngay tại trường học.

Những tiết học về Sở hữu Trí tuệ cũng nên được xem xét đưa vào chương trình tiểu học một cách phù hợp. Để ý tưởng này có thể thành công, các nhà quản lý của các viện giáo dục trước tiên nên đảm bảo rằng họ có thể hiểu và được trang bị một cách toàn diện để có thể phổ biến mô hình thiết thực này

PV
.
.
.