Hôm nay (4/5) vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam được phóng lên quỹ đạo:

Bước tiến mới chinh phục không gian

Thứ Sáu, 03/05/2013, 23:41
Sau khi hoàn tất kiểm tra tên lửa đẩy, dự kiến vào lúc 9h6’ ngày 4/5 (giờ Việt Nam), vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 được phóng lên quĩ đạo bởi tên lửa VEGA tại Kourou, Guyana thuộc Pháp.

Sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 ở Đông Nam Á sở hữu vệ tinh quan sát Trái đất riêng, đồng thời là bước tiến lớn trong lĩnh vực chinh phục không gian vì mục đích hòa bình.

Theo TS Bùi Trọng Tuyên – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ - Trưởng ban Quản lý dự án vệ tinh nhỏ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), 2 giờ sau khi phóng, vệ tinh sẽ được tách ra khỏi tên lửa đẩy, sau đó sử dụng các động cơ đẩy của mình để hiệu chỉnh đưa vệ tinh vào đúng quĩ đạo làm việc. Nếu mọi việc suôn sẻ, khoảng 14h30’ cùng ngày, có thể thu được tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh. 3 ngày sau, trạm mặt đất có thể thu nhận được hình ảnh do vệ tinh chụp lãnh thổ Việt Nam.

Tên lửa đẩy VEGA mang theo vệ tinh VNREDSat-1 (có gắn quốc kỳ Việt Nam) tại sân bay vũ trụ Kourou sáng 30/4/2013.

Vệ tinh VNREDSat-1 hoạt động ở độ cao 670km, có trọng lượng là 120kg, tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm, thời gian chụp lặp lại tại một vị trí xác định là 3 ngày. VNREDSat-1 là vệ tinh thứ 4 của Việt Nam sau VINASAT 1 (2008), VINASAT 2 (2012) và vệ tinh nhỏ F1 do Đại học FPT chế tạo.

Tuy nhiên, với chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt Trái đất,VNREDSat-1 của Việt Nam sẽ có quỹ đạo làm việc khác rất nhiều so với các vệ tinh viễn thông đã đưa lên quỹ đạo trước đây.

Cụ thể, vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2 đang làm việc ở độ cao khoảng 35.800km trên quỹ đạo địa tĩnh, tức là có vị trí tương đối gần như không thay đổi so với Việt Nam. Còn vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời (SSO) cho phép vệ tinh chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663km.

Trước đây, để có được ảnh vệ tinh, chúng ta phải đặt mua với giá từ 2.000 – 5.000 USD/ảnh và phải mất 1 – 2 tháng mới nhận được, nhưng với VNREDSat-1, chúng ta sẽ có được ảnh gần như tức thời.

Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro (tương đương hơn 1.500 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp và 64,82 tỷ đồng từ vốn đối ứng của Việt Nam. Vệ tinh được thiết kế và tư vấn bởi Công ty Astrium SAS thuộc Tập đoàn Hàng không vũ trụ quốc phòng châu Âu (EADS) – đơn vị chuyên sản xuất vệ tinh của Pháp.

Vệ tinh VNREDSat-1 có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phát triển kinh tế cũng như củng cố an ninh quốc phòng. Vệ tinh có thể chụp ảnh những vị trí trên Trái đất để phục vụ cho việc chủ động theo dõi diễn biến của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi xảy ra những sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu, động đất, núi lửa, hỗ trợ cho công tác cứu hộ, cứu nạn…

Ngoài ra, VNREDSat-1 sẽ cung cấp ảnh vệ tinh phân giải cao phục vụ cho việc giám sát tài nguyên: kiểm kê rừng, chỉnh lý các bản đồ địa hình, bản đồ khoáng sản…

TS Tuyên cho rằng, để làm chủ được công nghệ vệ tinh nhỏ, Việt Nam cần làm tốt vấn đề nhân lực. Nằm trong khuôn khổ dự án VNREDSat-1, Việt Nam đã cử 15 chuyên gia sang Pháp để chuyển giao công nghệ.

Trung tâm Viễn thám Quốc gia (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cũng cử 5 kĩ sư sang Pháp học tập. Sau khi về nước, các chuyên gia này tiếp tục được tập huấn bởi các chuyên gia Pháp. Tới nay, các chuyên gia trong dự án đã bước đầu có thể làm chủ được việc vận hành, khai thác vệ tinh

Khánh Vy
.
.
.