“Biến” hàu, mực, cá nóc thành thực phẩm chức năng nhờ Công nghệ sinh học

Thứ Sáu, 05/06/2020, 09:12
Với bờ biển dài hàng nghìn km, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về xuất khẩu thủy sản, có thể cho doanh thu cả chục tỷ USD/năm. Nhưng việc khai thác và chế biến theo phương pháp truyền thống cho giá trị kinh tế thấp. Vì thế, Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT) đã mạnh dạn áp dụng công nghệ sinh học, để cho ra đời những sản phẩm chăm sóc sức khỏe có giá trị và còn có thể xuất khẩu: Nước uống từ hàu, bạch tuộc lên men, bột dinh dưỡng từ ngao, thực phẩm chức năng từ cá nóc vv… Điều này góp phần mở đường cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản bước sang một trang mới.

Bước đi mới từ công nghệ sinh học

Mặc dù Việt Nam có thế mạnh về thủy hải sản, nhưng công nghệ chế biến trong nước chủ yếu là chế biến thô, chưa quan tâm phát triển công nghệ chế biến sâu. Bên cạnh đó, chế biến thủy sản trong nước chú trọng phục vụ chế biến thực phẩm, trong khi đó tiềm năng phát triển trong lĩnh vực y dược và nhiều lĩnh vực khác chưa được khai thác.

Rượu hàu. Ảnh: Hoàng Sơn

Là nơi hiểu rất rõ tiềm năng của biển, cũng như mong muốn tạo nên những lợi thế cho sản vật biển Việt Nam ra thế giới, Viện Nghiên cứu hải sản đã tiến hành nhiều nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến, nhằm tìm đầu ra cho các nguồn lợi biển Việt Nam phổ biến như hàu, mực đại dương, cá nóc, cá tra...

Với phương pháp truyền thống, nguyên liệu hải sản chỉ phục vụ chế biến thực phẩm. Nhưng nếu áp dụng công nghiệp sinh học, sản phẩm chế biến từ thủy sản vừa đa dạng, vừa có giá trị cao. Vì vậy, Viện đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm thủy sản. Đây là tiềm năng lớn để đưa công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Sản phẩm nước hàu được chế biến, đóng gói tại Công ty CP dược vật tư y tế Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Sơn

Nhiều kết quả nghiên cứu, ứng dụng do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì trong thời gian qua đã được thương mại hóa, phù hợp với xu hướng thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Đó là các sản phẩm thực phẩm chức năng từ hải sản như nước uống từ hàu, viên nang thực phẩm chức năng từ hàu, cá nóc. Thực phẩm ăn liền như surimi mực đại dương; mực nhồi thịt ăn liền; bạch tuộc lên men… Các loại gia vị như nước mắm; bột nêm, nước sốt từ thủy sản, đồng thời, còn tạo ra nguyên liệu thức ăn cho nuôi trồng thủy sản.

Với lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, sự chủ động nghiên cứu, sự phối hợp hiệu quả giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, nên nhiều sản phẩm  chất lượng cao đã ra đời, mà giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm ngoại nhập. Vì thế, sản phẩm nhanh chóng tạo được chỗ đứng trên thị trường khi giúp người tiêu dùng trong nước có cơ hội được tiếp cận các sản phẩm tốt.

Theo Ths.Nguyễn Viết Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện luôn xác định công nghệ sinh học là lĩnh vực trọng tâm đóng góp  cho sự phát triển của ngành thủy sản. Từ đó, Viện đã thực hiện thành công nhiều đề tài và dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước do các bộ, ngành chủ trì, đặc biệt, luôn hướng đến nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm có giá trị thực tiễn cao, có thể thương mại hóa ngay sau khi chuyển giao công nghệ.

Liên kết "Ba nhà"

Đặc biệt, một trong những “bí quyết” thành công của Viện Nghiên cứu hải sản là phát huy hiệu quả mô hình liên kết “ba nhà”: Nhà nước – nhà khoa học- nhà doanh nghiệp, để nghiên cứu được ứng dụng thực tế, đưa sản phẩm ra thị trường, phát huy được hiệu quả nghiên cứu khoa học.

Sản phẩm nước uống từ hàu, bạch tuộc lên men và bột dinh dưỡng từ ngao. Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Nguyễn Viết Nghĩa cho biết thêm: Việc tiến hành khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp cho phép Viện nhận thấy các doanh nghiệp có nhu cầu lớn được tiếp cận và ứng dụng công nghệ sinh học, để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Vì thế, sự phối hợp giữa Viện với doanh nghiệp rất tốt. Các sản phẩm đưa ra luôn được doanh nghiệp tiếp nhận và  triển khai hiệu quả.

Ngay từ những bước đi đầu tiên của việc hình thành ý tưởng, xây dựng thuyết minh cho đến triển khai nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng sản phẩm, Viện đều chủ động phối hợp với doanh nghiệp. Chính vì thế, đa phần kết quả nghiên cứu của Viện đều có đầu ra, được doanh nghiệp đón nhận chuyển giao và sẵn sàng sản xuất quy mô công nghiệp. Từng bước, Viện đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm.

Không chỉ thế, sau khi chuyển giao công nghệ, Viện vẫn tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, không ngừng điều chỉnh theo thị hiếu người tiêu dùng, nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng mở rộng thị trường.

Phan Sơn
.
.
.