Bí quyết dạy “thần đồng”

Chủ Nhật, 10/06/2007, 14:57

Hầu hết gia đình có con "thần đồng" đều thú nhận không biết phải dạy con như thế nào cho đúng cách để cháu vẫn phát triển đồng đều thể chất cũng như tinh thần, đồng thời phát huy năng lực đặc biệt của mình.

>>Bỏ triệu đô "mua đứt" cháu bé 2 tuổi biết đọc

Cầm mấy que tăm trên tay, nhà tâm lý học Huỳnh Văn Sơn ríu rít với cậu bé Võ Minh Tiến, 3 tuổi rưỡi, biết đọc, viết tốt: "Nào con xếp chữ M đi nào, chữ A làm sao...". Chú nhóc vừa cười khanh khách vừa nhặt tăm tạo chữ trên bàn.

Thế nhưng chiếc máy laptop ở bàn bên cạnh đã hấp dẫn cu cậu đến độ nhóc bỏ các bài trắc nghiệm tâm lý của Tiến sĩ Sơn, chạy ngay đến tập mở máy, nhấp chuột. Chuyên gia cũng phải cười trừ, chiều "thần đồng", chuyển sang kiểm tra năng khiếu máy tính của chú bé.

"Dạy trẻ có năng khiếu phát triển sớm cũng phải bình thường như bao bé khác, chuyện học phải như một trò chơi để tạo sự hứng thú và không nhàm chán cho cháu", nhà tâm lý Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh. Đó là lý do các bài trắc nghiệm trí thông minh IQ, năng khiếu dành cho thần đồng của những chuyên gia tâm lý đều không nặng nề mà mang tính giải trí vui nhộn. Bài học que tăm cũng là một trò chơi thú vị cho trẻ.

Hầu hết gia đình có con "thần đồng" đều thú nhận không biết phải dạy con như thế nào cho đúng cách để cháu vẫn phát triển đồng đều thể chất cũng như tinh thần, đồng thời phát huy năng lực đặc biệt của mình. Trong khi đó, cộng đồng chưa có một tổ chức hay chính sách giáo dục đặc biệt nào dành cho trẻ có năng khiếu bẩm sinh, nên phụ huynh các cháu càng thêm băn khoăn.  

Bà Lê Thị Tuyết Mai, mẹ cháu Tiến cho biết, gia đình không cố bắt con phải học đêm ngày, mà tự năng khiếu bé phát triển. Theo bà Mai, cả nhà không có ai được học cao hơn đại học, hầu hết chỉ hoàn tất lớp 12 rồi bắt đầu buôn bán kinh doanh. Năng khiếu của Tiến là đột biến trong gia đình. Cả nhà chỉ tình cờ phát hiện ra khả năng đọc tốt của bé khi cháu diễn giải rõ ràng nội dung câu chữ dán trên thùng hàng được gửi từ Mỹ về.

"Chúng tôi cũng bối rối lắm, không biết nên dạy cháu thế nào cho đúng cách để bé phát huy được khả năng của mình", mẹ cháu bé nói. Cho đến giờ, bé Tiến vẫn chưa đi học mẫu giáo, bởi theo mẹ cháu, cu cậu rất khó ăn.  

Cũng vẫn chưa đi mẫu giáo như Tiến, cháu Nguyễn Hoàng Anh Duy, 4 tuổi ở Tây Ninh, đọc được chữ tốt nhưng chưa rõ vì giọng Bắc, nói nhỏ khó nghe. Theo bố mẹ cháu, sinh ra đến 3 tuổi, Duy vẫn chưa biết nói, ai cũng cho là bé bị câm, nhưng gia đình không tin vì cháu vẫn nghe được bình thường. Đến một hôm cả nhà phát hiện bé đọc được nội dung quảng cáo trong lần xem TV, từ đó cháu biết nói và đọc chữ tốt.

Theo Tiến sĩ Sơn, kiểm tra hàng chục trẻ được xem là có năng khiếu phát triển sớm thì chỉ 1, 2 trẻ đạt yêu cầu. Phần lớn trẻ có trí nhớ tốt thường được gia đình dạy cho học thuộc những chữ, hình ảnh nào đó. Khi được test những bài bất ngờ, cháu sẽ không hiểu và nhà tâm lý sẽ phát hiện ra ngay năng khiếu trẻ có không phải bẩm sinh, chẳng qua là thuộc lòng.

Mặc khác, một số trẻ phát triển sớm những khả năng bẩm sinh đặc biệt trong một giai đoạn của cuộc sống, sau đó có thể năng khiếu dừng lại nếu không được khuyến khích dạy dỗ. Do đó cần khuyến khích cháu học, đọc, tìm hiểu sự vật xung quanh. Bé có kỹ năng về toán hay đọc thì cho bé học nhiều hơn môn này, nhưng không ép trẻ mà cho vừa học vừa chơi một cách thoải mái.

Các chuyên gia ở khoa Tâm lý học Trường Đại học sư phạm TP HCM soạn nguyên một giáo án cụ thể để trắc nghiệm trí thông minh và giáo dục trẻ thần đồng. Trong đó, muốn test khả năng phát triển trí tuệ thực sự cho một cháu bé, nhà tâm lý phải trải qua nhiều bước như thử các trò chơi, đọc và viết chữ, kiểm tra kỹ năng, kể cả phỏng vấn trẻ...

Tuy nhiên để trắc nghiệm thành công, các nhà tâm lý học cũng phải giữ thái độ gần gũi, thân mật, vui chơi với trẻ "thần đồng" như những người bạn trong cuộc chơi

Theo Phan Anh (VNexpress)
.
.
.